Trong những năm gần đây, các thương vụ đầu tư và mua bán sáp nhập doanh nghiệp ngày càng thu hút sự chú ý của giới đầu tư và người tiêu dùng do quy mô và sức ảnh hưởng ngày càng lớn. 10 thương vụ dưới đây được Babuki lựa chọn và tổng hợp dựa trên giá trị đầu tư trong khoảng thời gian từ 2017 đến tháng 2/2022.
Masan đầu tư 125 triệu USD, sở hữu 51% cổ phần Phúc Long (2021 & 2022)
Tháng 5 năm 2021, để sở hữu 20% cổ phần Công ty cổ phần Phúc Long Heritage, Masan đã đầu tư 15 triệu USD (khoảng 1.725 tỷ đồng) để trở thành đối tác của doanh nghiệp này.
Đến đầu năm 2022, thị trường M&A Việt Nam một lần nữa sôi nổi khi Masan chi thêm 110 triệu USD vào chuỗi cửa hàng Phúc Long. Với tỷ lệ sở hữu tăng thêm 31%, định giá vốn cổ phần của Phúc Long đạt mức 355 triệu USD. Như vậy Masan đã sở hữu chi phối 51% cổ phần của Phúc Long.
Theo dự kiến, Phúc Long sẽ đạt mức doanh thu 2.500 nghìn đến 3.000 nghìn tỷ đồng trong năm tài khoá 2022. Kì vọng này dựa trên các kế hoạch về đa dạng hoá các sản phẩm trà và cà phê, cũng như việc đẩy mạnh số lượng cửa hàng Phúc Long và kiosk đặt trong hệ thống siêu thị Winmart+.
Sau khi đầu tư, Masan đã tích cực đưa Kiosk Phúc Long vào các điểm siêu thị của mình là Winmart+, cùng với ngân hàng Techcombank, mạng di động ảo Reddi và nhà thuốc Phano để dần hoàn thiện hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp từ offline tới online, theo chiến lược Point of Life của tập đoàn.
VPBank nhận khoản đầu tư 1,4 tỷ USD, tương đương 49% cổ phần FE Credit (2021)
Giai đoạn cuối tháng 8 năm 2021, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (Nhật Bản). Với giá trị 49% cổ phần ước tính 1,4 tỷ USD, đây là thương vụ bán vốn công ty tài chính có giá trị lớn nhất trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Tập đoàn SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư trên toàn Thế giới. SMBC hiện đã có mặt trên hơn 40 quốc gia, với tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 đạt hơn 2,1 nghìn tỷ USD.
Sau thương vụ, Công ty Tài chính VPBank hiện đã đổi tên thành Công ty Tài chính VPBank SMBC. VPBank cũng cho biết thêm thương vụ này đã thu về gần 175 triệu USD tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
The CrownX được Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia đầu tư 400 triệu USD (2021)
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và WinCommerce (WCM). CrownX được biết đến là chương đầu tiên trong chiến lược Point of Life của tập đoàn Masan.
Giữa tháng 6 năm 2021, Masan công bố hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của CrownX Corporation cho nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Priivate Equity Asia (BPEA) với trị giá lên đến 400 triệu USD. Theo đó, BPEA được biết đến là một trong những công ty cổ phần tư nhân lớn nhất châu Á, hiện sở hữu tài sản trị giá hơn 23 tỷ USD.
Thông qua thoả thuận hợp tác này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng). Và cũng sau đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu của Masan đối với The CrownX đã nâng lên mức 80,2%.
SK Group và những thương vụ đầu tư tỷ đô vào Vingroup (2019 & 2021)
Ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, SK Group chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Vingroup khi đầu tư 1 tỷ USD để mua cổ phiếu và trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn này.
Đến đầu năm 2021, một lần nữa SK Group đầu tư 410 triệu USD để đổi lấy 16,26% cổ phần trong Công ty VCM, đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ hiện đại Vincomerce. Sau giao dịch này, VCM được định giá khoảng 2,5 tỷ USD.
Qua hai lần đầu tư của SK Group vào Vingroup theo gián tiếp lẫn trực tiếp, có thể thấy được Tập đoàn SK của Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam cũng như tin tưởng Vincomerce có thể phát triển thành công ty đa kênh.
Sojitz mua lại 90% cổ phần của Saigon Paper với mức giá 91,2 triệu USD (2018)
Tháng 6 năm 2018, Tập đoàn Sojizt Nhật Bản được chú ý với việc mua lại 90% cổ phần của Công ty giấy Sài Gòn (Saigon Paper) của Việt Nam với mức giá 91,2 triệu USD.
Sojitz là tập đoàn đa ngành hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, hóa chất, thực phẩm, hạ tầng khu công nghiệp. Tập đoàn này cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Với thương vụ đầu tư này, Sojitz tập trung vào việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam để tăng doanh số tại thị trường này lên khoảng 40% và đạt mức doanh thu 18 tỷ yên Nhật (hơn 3.330 tỷ đồng) vào năm 2022.
Warburg Pincus rót 370 triệu USD vào Ngân hàng Techcombank (2018)
370 triệu USD là giá trị mà Công ty quản lý Quỹ Warburg Pincus rót vốn vào Ngân hàng Techcombank trong năm 2018. Giao dịch này cung cấp vốn, giúp Techcombank hiện thực hóa những mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng và tiếp tục củng cố vị trí ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời nâng tổng số cam kết đầu tư của các công ty do Warburg Pincus quản lý tại Việt Nam lên trên 1 tỷ USD.
Warburg Pincus LLC là Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phân tư nhân (private equity) hàng đầu thế giới, chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Warburg Pincus có danh mục đầu tư đa dạng tại hơn 150 công ty khác nhau, trong các ngành, khu vực địa lý và giai đoạn phát triển khác nhau.
GIC Private Limited đầu tư 1,3 tỷ USD vào Vinhomes (2018)
Tháng 5 năm 2018, một quỹ đầu tư từ Chính phủ Singapore – GIC Private Limited – đã chính thức thông báo việc bỏ ra 1,3 tỷ USD để mua lại 135,85 triệu cổ phiếu Vinhome, tương ứng 5,74% tỷ lệ sở hữu.
Credit Suise Limited (Singapore) là đơn vị tư vấn thương vụ này. Theo đó, GIC đã đầu tư dưới hai hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp công cụ nợ cho Vinhomes thực hiện các dự án bất động sản.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng với hàng loạt tên tuổi đang hoạt động, việc không ngần ngại rót cả tỷ đô đầu tư vào Vinhomes không những cho thấy niềm tin của GIC về hoạt động kinh doanh của Vinhomes mà còn khẳng định uy tín của Tập đoàn Vingroup cùng các công ty thành viên trên thị trường quốc tế.
KKR đầu tư 250 triệu USD để mua lại cổ phần Masan Group và Masan Nutri-science (2017)
Năm 2017, Công ty quản lý quỹ đầu tư toàn cầu KKR đầu tư 250 triệu USD để mua lại cổ phần Masan Group và Masan Nutri-science với tỷ lệ 10%. Cụ thể, KKR sẽ rót 150 triệu USD để đầu tư vào Nutri-science (MNS) – một đơn vị sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt thuộc tập đoàn Masan, để sở hữu 7,5% cổ phần. Phần còn lại, tương ứng 100 triệu USD, được dùng để mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners, quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch.
Đây là khoản đầu tư thứ hai của KKR vào Masan vì trước đó, KKR đã từng đầu tư vào Masan Consumer Corporation – một công ty con thuộc tập đoàn Masan với lĩnh vực chuyên sản xuất nước mắm – với tổng giá trị 359 triệu USD.
Chia sẻ về khoản đầu tư vào Masan, ông Minh Lu – Giám đốc quỹ KKR khu vực châu Á chia sẻ rằng rất tin tưởng Masan là lựa chọn đúng đắn của quỹ đầu tư này.
Ngân hàng Shinhan Bank mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ với 240 triệu USD (2017)
Tháng 4 năm 2017, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam chính thức thông báo về việc mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ Việt Nam. Với việc mua lại 100% khối bán lẻ của ANZ, thương vụ sáp nhập này được đánh giá như một bước tiến xa của Shinhan tại thị trường Việt Nam. Điều này cũng mở ra một cơ hội mới cho Shinhan mở rộng thị phần ngân hàng bán lẻ của mình tại thị trường tiềm năng này.
Trong giai đoạn này, thỏa thuận Sáp nhập và Mua lại (M&A) giữa Ngân hàng Shinhan và ANZ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực không chỉ đến ngành ngân hàng bán lẻ, mà cả nền kinh tế Việt Nam.
Đến hiện tại, Ngân hàng Shinhan đã có những bước tiến vững chắc, tạo được vị thế trong ngành và dần trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu uy tín đối với các doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
ThaiBev mua lại 53,59% cổ phần Sabeco với mức đầu tư 4,8 tỷ USD (2017)
Giai đoạn cuối năm 2017, ThaiBev – một trong những công ty nước giải khát lớn nhất Thái Lan và Đông Nam Á đã mua lại 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Đây là một trong những thương vụ lớn nhất trong ngành bia, rượu và nước giải khát của Châu Á. Với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD, công cuộc sáp nhập này thu hút mạnh mẽ sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trên toàn khu vực.
ThaiBev được đánh giá có một bước tiến rất lớn khi đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vì Sabeco là một thương hiệu bia nổi tiếng, có hệ thống phân phối phủ rộng khắp toàn quốc và chiếm đến 41% thị phần Bia – Rượu – Nước giải khát tại nước ta. Với thương vụ này, ThaiBev bắt đầu mở rộng quy mô và kì vọng thực hiện tham vọng dẫn đầu thị trường khu vực Đông Nam Á.
Sau khi Sabeco được ThaiBev nắm quyền chi phối, doanh nghiệp này đã có nhiều công cuộc cải cách, đạt được kết quả khả quan trong tình hình kinh doanh giai đọan 2018-2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, do sự ảnh hưởng từ Nghị định 100 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn và bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sabeco gặp nhiều khó khăn và thách thức trong hoạt động kinh doanh, doanh thu giảm sút so với các năm trước.
doanh nghiệp
thương vụ đầu tư
vốn đầu tư