Kể từ giữa những năm 2000, các nhà bán lẻ đã phải ngừng suy nghĩ về các cửa hàng, mà thay vào đó là nắm lấy khái niệm về một hệ sinh thái. Năm 2016, Jack Ma – chủ tịch của Alibaba, đã đặt ra thuật ngữ “Bán lẻ mới” để diễn đạt cách ông và Giám đốc điều hành Alibaba – Daniel Zhang – cùng đội ngũ của mình xây dựng hệ sinh thái của Tập đoàn Alibaba bằng cách tích hợp online và offline thông qua công nghệ.
Nội Dung
Bán lẻ mới
Trong ba năm kể từ khi đặt ra thuật ngữ này, Alibaba đã mở rộng phạm vi và ý nghĩa của Bán lẻ Mới theo cấp số nhân bao gồm phong cách sống, giao tiếp, chia sẻ, xây dựng, giảng dạy, tiêu dùng và giúp dễ dàng kinh doanh ở bất cứ đâu. Bán lẻ mới là một thực tế mới cho dù một công ty có muốn chấp nhận nó hay không.
Amazon và Walmart chắc chắn đã có những tác động to lớn đối với ngành bán lẻ, bên cạnh các nhà bán lẻ như Tesco, Tập đoàn bán lẻ X5, Lazada và Target. Tuy nhiên, Alibaba là công ty đầu tiên xác định và tích cực dịch chuyển về hướng tích hợp hoàn toàn online, offline, công nghệ, logistics và là công ty đầu tiên sử dụng tất cả tài sản trong hệ sinh thái của mình: thanh toán kỹ thuật số; hậu cần; B2C, B2B, D2C, B2B2C; điện toán đám mây và khoa học dữ liệu; công cụ marketing;… để đầu tư vào các cửa hàng vật lý (physical stores) và tạo ra một mô hình “Bán lẻ mới” chính thống về cách sản xuất, vận chuyển, bán, mua và giao sản phẩm.
Điều làm cho Alibaba trở nên độc đáo là công ty bắt đầu như một đơn vị kinh doanh trực tuyến và nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của cửa hàng vật lý và trải nghiệm thực tế; số hóa nhanh chóng các cửa hàng vật lý; và thúc đẩy chuyển dịch Omni-channel (bán lẻ đa kênh) sang Uni-channel (bán lẻ hợp nhất).
4 trụ cột của Bán lẻ mới
Theo như Michael Zakkour, phó chủ tịch về Chiến lược châu Á, bán lẻ mới và kỹ thuật số toàn cầu tại Tompkins International, đồng tác giả cuốn sách “The New Retail: Born in China, Going Global”: “Nếu Bán lẻ mới là cục pin, nó sẽ có 4 cổng sạc được cung cấp bởi: Thương mại (Commerce), Kỹ thuật số (Digital), Chuỗi cung ứng và hậu cần (Logistics and Supply Chains), Truyền thông và giải trí (Media and Entertainment)”.
1. Thương mại (Commerce)
Tập trung vào việc tạo ra và tích hợp các điểm tiếp xúc của bán lẻ online, offline và bán lẻ ảo (virtual retail) càng nhiều càng tốt để tạo ra những sự lựa chọn thuận tiện, bao gồm O2O, B2C, C2C, thương mại mạng xã hội (social commerce) và hơn thế nữa.
2. Kỹ thuật số (Digital)
Đây là chất keo kết nối và định hướng mọi thứ trong hệ sinh thái, bao gồm khoa học dữ liệu, điện toán đám mây, AI, công nghệ di động, fintech và thanh toán ảo (virtual payments).
3. Chuỗi cung ứng và hậu cần (Logistics and Supply Chains)
Chuỗi cung ứng và hậu cần bao gồm thực hiện giao hàng (fulfillment) tự động, công nghệ hậu cần dựa trên đám mây, giải pháp xuyên biên giới và giao hàng chặng cuối, hệ thống phân phối, lập kế hoạch dự báo, rõ ràng thông tin hàng tồn kho và các giải pháp giao hàng ngày hôm sau, trong ngày hoặc trong vòng một giờ.
4. Truyền thông và giải trí (Media and Entertainment)
Nội dung là vua (Content is king) và Bán lẻ mới đòi hỏi một dòng chảy liên tục của nó. Nội dung là điểm mấu chốt để tạo ra “retailtainment”, làm cho việc mua sắm trở thành một phần của phong cách sống.
4 trụ cột này là những gì làm cho Bán lẻ Mới khác với thương mại kỹ thuật số truyền thống. Tất cả đều có tầm quan trọng như nhau và được tích hợp đầy đủ. Thương mại online, thương mại offline, công nghệ, dữ liệu, hậu cần, dịch vụ và giải trí phối hợp với nhau để tạo ra một thực tế thương mại hoàn toàn mới và thay đổi cơ bản dòng chảy giá trị cho các thương hiệu, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ, nhà giải trí và nhà tiếp thị.
Nguồn: observer.com
Babuki lược dịch và hiệu đính
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, chiến lược kinh doanh và chuyển đổi số. Anh/ chị có thể bấm vào đây để gửi yêu cầu.
bán lẻ