Báo cáo lợi nhuận hàng quý mới nhất của Microsoft cho thấy gần như mọi chỉ số hiệu suất đều đạt mức tốt nhất trong thời gian qua. VentureBeat cho biết, việc kinh doanh điện toán đám mây của Microsoft đã thúc đẩy kết quả mạnh mẽ, công ty đạt “doanh thu 30,6 tỷ đô la, lợi nhuận là 8,8 tỷ đô la và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 1,14 đô la (so với doanh thu 26,8 tỷ đô la, lợi nhuận 7,4 tỷ đô la và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 0,95 đô la trong quý 3 năm 2018)”.
Những con số này là bằng chứng cho thấy Microsoft là một trong những ví dụ về tái cấu trúc kinh doanh hiệu quả nhất trong thời gian gần đây. Khi Satya Nadella nắm quyền điều hành “gã khổng lồ” công nghệ từ Steve Ballmer vào đầu năm 2014, Microsoft đã gần hoàn thành việc tiếp quản bộ phận Thiết bị và Dịch vụ trị giá 7 tỷ đô la của Nokia để thúc đẩy sản phẩm Windows Phone mờ nhạt của mình. Công ty cũng đã chịu nhiều chỉ trích vì hệ điều hành Windows 8.
Công ty đã không thể chiếm lấy thị trường smartphone (điện thoại thông minh) từ Apple, lĩnh vực điện toán đám mây từ Amazon hoặc tìm kiếm từ Google. Trong khi Microsoft vẫn đang kiếm được rất nhiều tiền, giá cổ phiếu của nó gần như không tăng suốt một thập kỷ. Nói tóm lại, khi Satya Nadella trở thành CEO vào tháng 1 năm 2014, gã khổng lồ công nghệ chỉ còn là cái bóng của vinh quang trong những năm 90, và mặc dù được bổ nhiệm làm CEO mới, nhiều người tin rằng những ngày tốt nhất của công ty đã là quá khứ.
Năm năm sau và sự chuyển đổi dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella rất đáng chú ý. Giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gấp ba lần, lần đầu tiên đưa nó vượt qua mức định giá 1 nghìn tỷ đô la và lần đầu tiên khôi phục vị thế công ty niêm yết công khai có giá trị nhất thế giới, trên cả Amazon và Apple.
Vậy làm thế nào mà Satya Nadella làm được? Cùng xem lại email đầu tiên của ông gửi các nhân viên với tư cách Giám đốc điều hành của Microsoft. Thay vì tập trung vào quá khứ, ông đã viết về tương lai và đặc biệt là tầm quan trọng của điện toán đám mây và thiết bị di động đối với sự phát triển của Microsoft. Quan trọng hơn, ông cũng viết: “Ngành của chúng ta không tôn trọng truyền thống – nó chỉ tôn trọng sự đổi mới.” Satya Nadella đã không dựa vào thời hoàng kim thập niên 90 của Microsoft để theo đuổi sự phát triển.
Hành động đi kèm lời nói, Satya Nadella đã thực hiện một sự chuyển đổi văn hóa và chiến lược tại Microsoft.
Văn hóa cộng tác
Sau khi Steve Ballmer từ chức CEO, Microsoft đã loại bỏ các cấu trúc quản lý lỗi thời và phản tác dụng, vốn đầy rẫy trong tổ chức cồng kềnh này. Trước khi loại bỏ hệ thống vào năm 2013, các nhà quản lý tại Microsoft đã được khuyến khích đưa ra những đánh giá hiệu suất tiêu cực nhất định. Nói cách khác, các nhà quản lý đã buộc phải đưa ra những đánh giá tiêu cực cho nhân viên, ngay cả khi không có.
Satya Nadella đã thực hiện thay đổi trong cấu trúc quản lý bằng cách tạo ra một môi trường làm việc hợp tác hơn, điển hình nhất là việc tạo ra Microsoft Hackathon (còn được gọi là một ngày hack, hackfest hoặc codefest, là một sự kiện thi đua lập trình) hàng năm, hay còn gọi là “hackathon tư nhân lớn nhất thế giới”.
Hackathon khuyến khích nhân viên từ các phòng ban khác nhau của công ty cùng hợp tác trong các dự án. Khi chưa có hackathon, các phòng ban của Windows biệt lập và cạnh tranh liên tục với nhau. Hackathon đã giúp tạo ra việc tổ chức hợp tác, chuyển động nhanh cần thiết để cạnh tranh trong thế giới kỹ thuật số được ưu tiên hàng đầu ngày nay.
Chiến lược tích cực với đối tác
Tại hội nghị WSJD Live năm 2016, Satya Nadella thừa nhận: “Chúng tôi rõ ràng đã bỏ lỡ điện thoại di động, không có gì phải nghi vấn”. Ông thừa nhận rằng đặt cược tốt nhất của Microsoft không phải là để Windows Phone cạnh tranh với Apple và Samsung.
Kể từ đó, Microsoft đã nỗ lực đưa các ứng dụng thuộc sở hữu của Windows lên các hệ thống Android và iOS. Đáng chú ý, Satya Nadella cũng từ bỏ chiến lược tấn công của Microsoft đối với các đối thủ (Steve Ballmer từng gọi hệ điều hành đối thủ Linux là một căn bệnh ung thư) và đã chấp nhận làm việc với các đối tác.
Tư duy tích cực với đối tác này là một trong những điều mà các tổ chức kỹ thuật số trưởng thành nhất đang làm. Nó dựa trên sự nhận thức rằng các đối tác chuyên gia có thể hỗ trợ chuyên môn và đổi mới cho những thách thức cụ thể mà một tổ chức lâu năm to lớn có thể phải đối mặt. Các đơn vị agency và tư vấn thường được thuê như một phần của chuỗi giá trị hoặc hoàn thành một dự án riêng biệt, nhưng sự hợp tác nên vượt xa điều này.
Ví dụ: Satya Nadella liệt kê các bản ứng dụng Linux trong Windows Store để có thể truy cập được từ các nhà phát triển. Trong năm 2017, Microsoft là đơn vị đóng góp lượng mã nguồn mở lớn nhất thế giới. Thông qua việc cởi mở giới thiệu các đối tác mới, công ty đã trở thành đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực này. Thêm vào thành tích đáng chú ý này, Microsoft đã đánh bại đối thủ cạnh tranh Google trong việc mua lại nền tảng mã nguồn mở GitHub với giá 7,5 tỷ đô la.
Ít đặt cược hơn, nhưng cược lớn hơn
Satya Nadella đã dồn nỗ lực vào công nghệ tương lai bằng cách đầu tư vào điện toán đám mây và AI. Năm 2017 Microsoft đã ra mắt một bộ phận AI với hơn 5.000 nhà khoa học máy tính và kỹ sư phần mềm. Công ty cũng ra mắt Điện toán đám mây thông minh, bao gồm các sản phẩm như Server và Azure. Sản phẩm này hiện là đối thủ lớn nhất của Amazon Web Services về mặt phục vụ nhu cầu điện toán đám mây của doanh nghiệp lớn. Trên thực tế, Microsoft hiện đã vượt qua Amazon về lợi nhuận và vẫn là công ty điện toán đám mây thương mại lớn nhất thế giới.
Công ty cũng đã thực hiện một loạt các thương vụ mua lại thông minh, từ GitHub và Citrus Data đến LinkedIn và Lobe, giúp cho AI có thể truy cập được cho các nhà phát triển.
Xác định các nhà cung cấp nền tảng tiềm năng cao, mới nổi và tận dụng sự tăng trưởng của họ thông qua quan hệ đối tác hoặc mua lại độc quyền là một giải pháp mạnh tay để hợp lý hóa quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của bất kỳ loại hình kinh doanh nào, và hiệu quả của nó đối với một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới ở đây là rõ ràng.
Chiến lược đầu tư này đã thiết lập một kiến trúc liền mạch cho Microsoft trong mở rộng tệp khách hàng người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Dựa trên nền tảng kinh doanh tiêu dùng mạnh mẽ theo cách truyền thống cũng như sự phổ biến của bộ công cụ Office, Microsoft hiện đã thu hút cộng đồng doanh nghiệp (LinkedIn) và cộng đồng nhà phát triển (GitHub) và có thể tạo sự khác biệt trong tệp khách hàng doanh nghiệp thông qua Azure và điện toán đám mây để giúp các doanh nghiệp chuyển đổi. Doanh thu của công ty đến từ các sản phẩm thực tế, thay vì dữ liệu, mang lại cho Microsoft một lớp đáng tin hơn nữa và bảo vệ công ty khỏi một số thách thức mà các gã khổng lồ công nghệ khác phải đối mặt.
Trong cuốn sách của mình – Hit Refresh, Satya Nadella giải thích những bí mật đằng sau sự chuyển đổi chiến lược và văn hóa của Microsoft. Ông viết rằng mẹo cho bất kỳ chương trình chuyển đổi nào là sao chép cách mà trình duyệt làm mới một trang. Ông đưa điều này vượt ra ngoài cấp độ tổ chức – ủng hộ tinh thần chuyển đổi từ các doanh nghiệp, mọi người và cả xã hội để tất cả chúng ta trở nên tốt hơn.
Thành công có được gần đây của Microsoft và sự chuyển đổi kinh doanh của công ty, là một ví dụ cho bất kỳ chương trình chuyển đổi doanh nghiệp nào. Một cách lặng lẽ và thông minh, Satya Nadella đã biến Microsoft thành một công ty hoàn toàn hướng tới cạnh tranh trong thế kỷ 21.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: What businesses can learn from Satya Nadella’s transformation of Microsoft
Babuki lược dịch và hiệu đính
Chuyển đổi
Microsoft
Satya Nadella