Sau khi hiểu rõ khái niệm, lợi ích, mục tiêu và các xu hướng chuyển đổi số, các chủ doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai chuyển đổi số, bắt đầu từ các thách thức thực tế và xây dựng chiến lược. Bài viết này tổng hợp toàn bộ kinh nghiệm chuyển đổi số với 9 thách thức doanh nghiệp thường gặp, 12 bước xây dựng chiến lược, 10 vị trí nhân sự chủ chốt và 3 bước quan trọng giúp đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số.
9 thách thức doanh nghiệp thường gặp khi chuyển đổi số
Một báo cáo năm 2020 của Gartner, hãng nghiên cứu và tư vấn doanh nghiệp toàn cầu, cho biết trong khi 91% doanh nghiệp có thực hiện chuyển đổi số và 87% các nhà lãnh đạo nói rằng chuyển đổi số là ưu tiên, thì “chỉ có 40% các doanh nghiệp phát triển được các chương trình chuyển đổi số”.
Hãng nghiên cứu Everest Group cũng phát hiện ra rằng 78% doanh nghiệp thất bại trong các chương trình chuyển đổi số. Họ cũng chỉ ra rằng các lý do hàng đầu là “hiệu quả không bền vững”, “mức độ tiếp nhận của người dùng hạn chế” và “bỏ dở dự án”.
Dưới đây là 9 thách thức các doanh nghiệp thường gặp nhất khi tiến hành chuyển đổi số:
- Lãnh đạo thiếu sự gắn kết với nhân viên
- Thiếu sự hỗ trợ trong quản lý
- Không có sự hợp tác giữa các bộ phận, hoặc khả năng hợp tác yếu
- Tinh thần trách nhiệm thấp
- Lo ngại về sự riêng tư và bảo mật dữ liệu
- Thiếu ngân sách
- Kĩ năng và chuyên môn của đội ngũ bị giới hạn
- Các quy định và luật pháp thay đổi
- Văn hoá kĩ thuật số chưa đủ trưởng thành
Một trong những thử thách lớn nhất khi chuyển đổi số ở các công ty “vốn đã là công ty kĩ thuật số” là những hệ thống và ứng dụng theo công nghệ cũ không hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi số và lại không dễ thay thế.
Nếu ban lãnh đạo không đầu tư cho việc thay thế công nghệ cũ, hoặc không thể kêu gọi đầu tư cho việc đổi mới công nghệ, việc chuyển đổi số gần như sẽ không diễn ra.
Xây dựng chiến lược chuyển đổi số như thế nào?
Việc chuyển đổi số thành công bắt đầu với tầm nhìn về việc tận dụng các công nghệ để đạt được các mục tiêu chiến lược, dựa trên mô hình kinh doanh của chính doanh nghiệp. Nếu triển khai các công nghệ hiện đại nhất mà không hiểu chúng sẽ đem lại hiệu quả như thế nào cho tổ chức và khách hàng của bạn, thì doanh nghiệp của bạn không thể thực sự chuyển đổi.
Mỗi doanh nghiệp đều có tầm nhìn về thành công của riêng mình, nhưng có một số chiến lược chung mà các nhà lãnh đạo đều cần đến khi muốn chuyển đổi số:
- Hiểu thị trường và vị trí của doanh nghiệp mình, cũng như khách hàng hiện tại và tiềm năng của thị trường
- Phân tích xem thị trường đang biến đổi ra sao để doanh nghiệp có thể dự đoán tiềm năng tạo ra đột phá về mặt kĩ thuật số, và khả năng doanh nghiệp trở thành nhân tố đột phá thay vì bị phá vỡ
- Xác định đề xuất giá trị hiện tại và tiềm năng của doanh nghiệp mình thông qua việc đánh giá nội bộ và nghiên cứu thị trường
- Xây dựng tầm nhìn của doanh nghiệp trong tương lai, bao gồm việc sản phẩm và dịch vụ cần phát triển ra sao để đáp ứng nhu cầu và kì vọng của khách hàng
- Tạo ra lộ trình chuyển đổi số để chỉ rõ cách thức chuyển dịch từ trạng thái hiện thời tới trạng thái mong muốn trong tương lai
Trong khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số, chủ doanh nghiệp cần đánh giá năng lực hiện tại của doanh nghiệp mình, từ kĩ năng của nhân viên tới hệ thống công nghệ, để hiểu những năng lực nào cần bổ sung và vạch ra kế hoạch để có được những năng lực đó.
Chủ doanh nghiệp cũng cần dựa vào một số nguyên tắc truyền thống như việc quản lý dự án, cũng như các kĩ thuật mới như phương pháp Agile, để đưa tổ chức, văn hoá, con người và công nghệ của mình đi tới tương lai.
Chuyển đổi không phải là bài toán thực hiện một lần. Các chuyên gia đều khuyên rằng doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá chiến lược của mình và điều chỉnh để đạt giá trị cao nhất.
Lộ trình 12 bước xây dựng chiến lược chuyển đổi số thành công
Điều gì tạo nên thành công trong chuyển đổi số? Có phải đó là việc tích hợp hoàn toàn vào những công nghệ hỗ trợ cho một doanh nghiệp số không? Hay việc triển khai các platform tiên tiến giúp quản lý mối quan hệ với khách hàng? Hay là tăng doanh thu và thị phần?
Để hiểu được những yếu tố tạo nên thành công khi chuyển đổi số, cần nhớ rằng nguyên nhân chính để chuyển sang một môi trường số hoá phải là “cải thiện doanh nghiệp”. Sự cải thiện đó có thể đến từ việc tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn, tăng năng suất, loại bỏ những phần không hiệu quả, đảm bảo về pháp lý hoặc nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, những lợi ích đó sẽ không đến ngay lập tức với doanh nghiệp, và sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc ban lãnh đạo thực sự tham gia vào quá trình chuyển đổi, tới việc hiểu rõ các công nghệ hiện đại được sử dụng như thế nào.
Dựa trên kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, có 12 bước được đúc kết:
- Thực hiện nghiên cứu về chuyển đổi số để hiểu rõ bản chất của quá trình này
- Xác định và phân tích những cách thức cụ thể mà chuyển đổi số có thể cải thiện doanh nghiệp của bạn
- Trao đổi với ban lãnh đạo về kết quả của những nghiên cứu đã thực hiện trong bí quyết số 1
- Yêu cầu sự hỗ trợ của ban lãnh đạo để chuẩn bị ngân sách và kế hoạch chiến lược
- Phối hợp với các đối tác để tạo ra chiến lược và tầm nhìn cho việc chuyển đổi số (đối tác ở đây có thể là ban lãnh đạo, nhân viên, khách hàng, đối tác cung cấp sản phẩm/ dịch vụ, các nhà đầu tư)
- Lập kế hoạch và ngân sách thích ứng được với các hoạt động có nhiều thay đổi
- Chọn những công nghệ phù hợp với các ưu tiên của doanh nghiệp
- Xây dựng phương pháp theo dõi và đánh giá hiệu quả
- Đào tạo, đào tạo và đào tạo
- Thử nghiệm, thử nghiệm và thử nghiệm
- Sẵn sàng cho những việc xảy ra ngoài kế hoạch
- Thường xuyên đánh giá độ hiệu quả của hệ thống mới dựa trên các mục tiêu của doanh nghiệp
Để hiểu rõ hơn lộ trình nêu trên, bạn có thể tham khảo bài viết này: Lộ trình 12 bước triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
10 vai trò nhân sự trong chuyển đổi số
Trong lộ trình chuyển đổi số, việc tập hợp đội ngũ phù hợp là yếu tố quan trọng nhất. Nói thì dễ hơn làm, vì người lãnh đạo sẽ cần cân nhắc nhiều yếu tố khi thêm một thành viên vào đội ngũ này, bao gồm kinh nghiệm, học thức, mức độ ảnh hưởng và khả năng làm việc với các thành viên khác.
Quá trình chuyển đổi số thường được khởi động với sự tham gia của các lãnh đạo có tầm ảnh hưởng và khả năng quyết định về ngân sách. CEO (Giám đốc Điều hành) thường chỉ định người phụ trách chương trình chuyển đổi số. Ở một số doanh nghiệp, đây có thể là CDO (Giám đốc Chuyển đổi số), CTO (Giám đốc Công nghệ) hoặc COO (Giám đốc Vận hành), người có thể dẫn dắt cả dự án bên cạnh những công việc thường ngày của họ.
Ngoài 2 vị trí chủ chốt trên, còn có 8 nhóm vai trò quan trọng mà một đội ngũ chuyển đổi số có thể cần đến:
- Người kết nối giữa kinh doanh và công nghệ: họ hiểu mô hình kinh doanh, các vấn đề về trải nghiệm khách hàng và chiến lược công nghệ
- Các chuyên gia công nghệ: họ hiểu về các ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm công nghệ, giúp đưa ra lựa chọn về hướng đi và giải pháp đúng đắn cho doanh nghiệp
- Các chuyên gia về bảo mật và pháp lý: họ giúp giải quyết bất kì vấn đề phát sinh nào về bảo mật thông tin hay quy định, luật pháp, giúp dự án chuyển đổi số thông suốt
- Người làm công tác truyền thông: họ giao tiếp rất khéo léo, tạo ra được sự hào hứng cho đội ngũ và tìm được nguồn tài chính cho dự án
- Người quyết định về tài chính: thường là các thành viên trong ban lãnh đạo
- Quản lý dự án: họ xây dựng kế hoạch chi tiết, làm cho dự án chạy và cảnh báo khi có vấn đề
- Người phụ trách marketing: họ truyền thông về những lợi ích của chuyển đổi số với đội ngũ nhân viên, với khách hàng và các cổ đông
- Các trưởng nhóm vận hành: bao gồm các trưởng nhóm về IT, tập trung vào việc áp dụng công nghệ, và các trưởng nhóm về thực thi, tập trung vào việc quản lý sự thay đổi.
Lập dự toán và đánh giá hiệu quả đầu tư vào chuyển đổi số
Việc chuẩn bị và có được ngân sách là một thành tố quan trọng của mọi dự án chuyển đổi. Khi thực hiện chuyển đổi số, chủ doanh nghiệp cần hiểu rằng quy trình lập dự toán cho các dự án chuyển đổi sẽ khác so với lập dự toán thông thường.
Dự toán cho mảng công nghệ thông tin thông thường thường ổn định qua các năm, trong đó các bên liên quan đòi hỏi ngân sách về vận hành và tài chính cao hơn so với năm trước. Ngân sách truyền thống thường bao gồm chi phí cho các công nghệ cần thiết để nhân viên thực hiện công việc của mình. Việc nâng cấp và thay thế sẽ được lên kế hoạch trước vài năm và thường dựa trên số lượng nhân viên ổn định.
Vì các dự án chuyển đổi số tạo nên những đột phá nên có nhiều điểm phát sinh mà những người quyết định ngân sách trong các doanh nghiệp cần cân nhắc. Có rất nhiều khoản phí ngoài lề hoặc phát sinh cần phải chi. Khả năng xử lý các chi phí đó sẽ là một lợi thế của doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Khi các dự án chuyển đổi số tăng lên về mặt quy mô, việc chỉ ra được hiệu quả đầu tư sẽ rất quan trọng để có được sự ủng hộ và đầu tư cho các dự án tiếp theo.
3 bước trọng yếu để đánh giá hiệu quả đầu tư vào dự án chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một quá trình không có điểm kết thúc, thường đòi hỏi những dự án liên tiếp với sự đầu tư vào công nghệ, kĩ năng mới, văn hoá mới và thậm chí tái cấu trúc doanh nghiệp.
Dù bản chất của chuyển đổi số là bao trùm, doanh nghiệp vẫn có thể đánh giá hiệu quả từng dự án chuyển đổi số của mình và xem xét liệu các khoản đầu tư vào đó có đem lại kết quả tốt không.
Chủ doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu quả của các dự án chuyển đổi số qua lộ trình sau:
- Xác định những mục tiêu của dự án cụ thể đang hỗ trợ cho chiến lược chuyển đổi số chung của doanh nghiệp
- Xác định các thành tố và chi phí của từng thành tố trong dự án
- Xác định các chỉ số cho thấy doanh nghiệp đã đạt được những mục tiêu trên chưa và hiệu quả ra sao, rồi đem các chỉ số đó so sánh với chi phí để tìm ra hiệu suất đầu tư ở nhiều điểm trong suốt hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp
Khả năng đo lường sự thành công của các dự án chuyển đổi số sẽ rất quan trọng vì các doanh nghiệp được cho là sẽ đầu tư những khoản lớn vào các chương trình chuyển đổi trong những năm tới. IDC dự báo rằng mức đầu tư trực tiếp vào chuyển đổi số sẽ đạt tới 6,8 nghìn tỉ USD trong năm 2020 tới 2023.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: TechTarget
Babuki tổng hợp, biên dịch và hiệu đính
chuyển đổi số
doanh nghiệp