Các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang trải qua một giai đoạn với những thách thức lớn chưa từng có kể từ chiến tranh thế giới thứ II, đó là sự đứt gẫy của hàng loạt chuỗi cung ứng toàn cầu, sự sụt giảm không phanh của dòng doanh thu, nhiều thương hiệu lớn lâu đời đóng cửa hoặc chìm sâu vào khủng hoảng, thậm chí những công ty startup kỳ lân như Wework, Airbnb với mô hình kinh doanh đột phá từng truyền cảm hứng trên toàn thế giới cũng đứng trên bờ vực phá sản. Tất cả là do đại dịch Covid-19 gây ra.
Mặc dù vậy, trong đại dịch lần này, chúng ta vẫn thấy một số thương hiệu và công ty vẫn trụ vững, thậm chi giá cổ phiếu tăng phi mã như Zoom, Alibaba, Amazon,.. Đó đều là những công ty số thuần chủng, vận hành trên nền tảng số và đặc biệt là dịch vụ mà họ cung cấp đáp ứng đúng nhu cầu và hành vi của khách hàng trong thời đại số và chính họ là một phần của cái gọi là bình thường mới (New Normal) mà một sự kiện long trời lở đất như đại dịch Covid-19 gây ra.
Điều đó chứng tỏ rằng, khái niệm về một mô hình kinh doanh bền vững qua một hay hai thập kỷ sẽ không còn tồn tại nữa, và tính linh hoạt, cùng với khả năng thích ứng nhanh sẽ là những năng lực lõi để doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng bền vững trong thập niên 2020 này. Không phải đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, vấn đề đổi mới mô hình kinh doanh mới trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước mà trong suốt một thập kỷ vừa qua, chuyển đổi số đã làm đảo lộn bối cảnh cạnh tranh trong nhiều ngành công nghiệp, xóa sổ nhiều thương hiệu lâu đời không chịu hoặc chậm chân trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, cập nhật tuyên bố giá trị để thích ứng với tình hình mới, nhu cầu và hành vi mới của thị trường.
Sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới trên thế giới và ở Việt Nam
“Tech Giants rethink the Businesses that Made them Big” là tiêu đề một bài báo gây xôn xao trên tờ Wall Street Journal gần đây, ám chỉ việc ngay cả những ông lớn công nghệ như Apple, Facebook, Google, Amazon,..cũng đang phải tư duy lại về mô hình kinh doanh đã giúp họ có được vị thế dẫn đầu trong ngành hiện nay dù dòng tiền đổ về tài khoản vẫn đang tiếp tục tăng. Amazon chính là công ty thành công nhất trong lịch sử xét về khía cạnh đổi mới mô hình kinh doanh, chuyển đổi liên tục từ xuất phát điểm là công ty bán sách trực tuyến, nay trở thành nền tảng thương mại điện tử bán mọi thứ và còn là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới với thị phần chiếm gần 50% thị trường toàn cầu.
Facebook bắt đầu tìm cách lấn sân sang mảng Fintech với dự án Libra, còn Google đặt cược lớn vào mảng xe tự hành là những ví dụ cho thấy các tập đoàn lớn lớn trên thế giới đang cố gắng tìm những biên giới mới, thị trường và khách hàng mới để sẵn sàng cho tình huống mảng kinh doanh cốt lõi hiện tại, sản phẩm và dịch vụ hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh mới.
Châu Á, với lợi thế về dân số đông, trẻ, yêu thích công nghệ, và cởi mở hơn về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, đang được xem là khu vực tiềm năng và tăng trưởng nhanh nhất xét về việc ứng dụng công nghệ số, là nơi khách hàng nói chung đang được thụ hưởng những giá trị vượt trội và khác biệt nhờ sự phát triển và ứng dụng của hàng loạt công nghệ số tiên tiến vào mọi mặt đời sống.
Là một quốc gia khá năng động ở khu vực Asean có quy mô 800 triệu dân, Việt Nam có thể hưởng lợi lớn từ xu hướng dịch chuyển nhanh sang nền kinh tế số ở Châu Á. Được sự hậu thuẫn từ dòng vốn đầu tư mạo hiểm, các mô hình kinh doanh mới đã triển khai thành công trên thế giới như các ứng dụng gọi xe, ngân hàng số, ví điện tử, các nền tảng thương mại và dịch vụ đã lần lượt xuất hiện ở Việt Nam, có thể kể tới Be (gọi xe), Vnpay (trung gian thanh toán), GHN & Xtaypro (giao nhận), Base (dịch vụ phần mềm dạng SaaS), Abivin (kho vận) v.v…
Các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong nước cũng bắt đầu tìm cách đa dạng hóa các nguồn doanh thu bằng các mô hình kinh doanh mới: Viettel tiến vào lĩnh vực ngân hàng số – Viettelpay, còn Vingroup với VinID đang trên đường trở thành siêu ứng dụng, thu hút hàng triệu người dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ giải trí cho hàng triệu gia đình Việt.
Một câu hỏi đặt ra ở đây là để chuyển đổi mô hình kinh doanh thành công, doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu và dựa vào những căn cứ chiến lược nào? Tuyên bố giá trị chính là khía cạnh đầu tiên mà doanh nghiệp cần rà soát để chuyển đổi mô hình nhằm thích ứng với bối cảnh cạnh tranh mới.
Đổi mới mô hình kinh doanh bắt đầu từ việc rà soát lại tuyên bố giá trị
Tuyên bố giá trị (value proposition) được hiểu là sự cam kết hay lời hứa của doanh nghiệp với thị trường về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của họ, vì sao bạn vượt trội so với đối thủ. Có thể nói khi doanh nghiệp chuyển sang một mô hình kinh doanh mới, cùng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xây dựng và theo đuổi một tuyên bố giá trị mới. Một tuyên bố giá trị mạnh mẽ và thuyết phục phải hàm chứa những yếu tố giúp phân khúc khách hàng mục tiêu giải quyết nỗi đau (painpoint) của họ, khiến họ hạnh phúc và đặc biệt giúp họ giải quyết một nhiệm vụ cụ thể nào đó (a job-to-be-done).
Ngày nay giá trị của sản phẩm, dịch vụ trong mô hình kinh doanh không đơn thuần nằm ở những khía cạnh căn bản như giá cả, tính năng sử dụng, mẫu mã, chất lượng nữa mà được phản ánh ở rất nhiều yếu tố bổ sung như làm nổi bật cá tính của người dùng, thỏa mãn mọi giác quan, hoàn thành một sứ mạng xã hội, giúp khách hàng gỡ bỏ stress, giảm bớt phiền hà, khơi gợi cảm xúc, v.v. Một chiếc điện thoại như iPhone phản ánh được tất cả những mong muốn giá trị đó, một thương hiệu xe hơi cũng phải cố gắng cung cấp toàn bộ những giá trị đó để chiếm được trái tim của khách hàng.
Những áp lực khiến tuyên bố giá trị hiện tại của doanh nghiệp không phù hợp nữa
Thực tế, có rất ít doanh nghiệp dũng cảm phá vỡ mô hình kinh doanh hiện tại hay “nồi cơm” đang cung cấp dòng tiền nuôi sống họ mỗi ngày. Họ chỉ thay đổi khi những áp lực cạnh tranh mới tới gõ cửa, và những áp lực có thể được xếp vào ba nhóm chính: sự xuất hiện của các công nghệ mới, nhu cầu thay đổi của khách hàng và các sản phẩm thay thế.
Chính sự phát triển ngoạn mục của công nghệ đám mây cùng với công nghệ di động 4G đã làm xuất hiện những mô hình kinh doanh đột phá như Uber, Grab, Airbnb, Netflix và tạo ra sự gián đoạn (disruption) ở một loạt ngành công nghiệp. Hay trong ngành sản xuất đồ gia dụng, khi các thiết bị trong nhà ngày càng thông minh hơn và kết nối vào mạng nhờ công nghệ IoT, điện toán biên, những doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và tiếp cận những dòng sản phẩm này sẽ giành lợi thế so với những doanh nghiệp chậm chuyển đổi hoặc chỉ quen làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Loại áp lực thứ hai, nhu cầu thay đổi của khách hàng mới là yếu tố thách thức nhất đối với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Xu hướng chuyển đổi số vốn đã làm nhu cầu của khách hàng thay đổi nhanh chóng, nhất là khi người dùng ngày càng tiếp xúc và kết nối qua các mạng lưới xã hội trực tuyến. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới nhận ra vấn đề này khi chứng kiến hành vi ngày càng khó nắm bắt của thế hệ khách hàng Millennials và Gen Z. Ikea, hãng nội thất lớn nhất thế giới bắt đầu thử nghiệm mô hình kinh doanh dưới hình thức cho thuê nội thất, Philips với mô hình kinh doanh cho thuê ánh sáng (Lighting-as-a service), BMW thử nghiệm mô hình kinh doanh thuê bao (Subscription), cho phép khách hàng trải nghiệm nhiều mẫu xe khác nhau.
Đại dịch Covid-19 được cho là đưa nền kinh tế thế giới vào trạng thái “bình thường mới”, với các mô hình kinh doanh mới, hiểu theo nghĩa rộng là doanh nghiệp phải thích ứng với thói quen tiêu dùng mới, phương thức bán hàng mới, kênh bán mới, v.v. Ví dụ do giãn cách xã hội và để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch, các cuộc họp, hội thảo sang chảnh tại khách sạn năm sao đã được thay thế bằng họp trực tuyến trên Zoom, Webex, Microsoft Team,..hay đi chợ truyền thống được thay thế bằng dịch vụ đi chợ thuê ngay trên các siêu ứng dụng như Grab, Now.
Loại áp lực thứ ba, các sản phẩm thay thế thường là yếu tố mà các doanh nghiệp chủ quan và chậm trễ ứng phó nhất theo kiểu “con ếch nằm trong nồi nước”, đến khi con ếch cảm nhận được mình đang bị luộc trong nồi nước sôi thì đã quá muộn, sự thay thế thường tới từ những đối thủ cạnh tranh bất đối xứng. Netflix với mô hình kinh doanh thay rạp chiếu phim, mô hình học trực tuyến trên coursera thay cho các lớp học trên lớp, xe ô tô chạy điện sẽ thay thế các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là một vài ví dụ về những sản phẩm thay thế đang lấy đi một lượng lớn khách hàng của các dịch vụ, sản phẩm truyền thống.
Từng doanh nghiệp cần nhìn nhận xem và bám sát chặt những diễn biến của thị trường hay của sự phát triển công nghệ nói chung để xem đã xuất hiện những áp lực kể trên trong ngành của mình hay chưa. Bất kỳ loại áp lực nào trong ba áp lực đó xuất hiện cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải rà soát và điều chỉnh tuyên bố giá trị, và nếu cả ba áp lực đó cùng xuất hiện, doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi việc phải tìm ra một mô hình kinh doanh mới để tồn tại và phát triển bền vững.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: Phạm Anh Tuấn & Bùi Thanh Tú
chuyển đổi số
mô hình kinh doanh