Tiếp nối phần trước của bài viết về Thị trường Dược phẩm, ở phần này hãy cùng chúng tôi tiếp tục tìm hiểu xem thị trường Thuốc kê đơn (ETC) và thuốc không kê đơn (OTC) được dự báo sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới.
Nội Dung
Dự báo Thị trường thuốc kê đơn
Theo dự báo của Fitch Solutions thị trường thuốc kê đơn của Việt Nam sẽ tiếp tục thống trị chi tiêu dược phẩm trong ít nhất 10 năm tới. Gánh nặng bệnh mãn tính ngày càng cao, khả năng tiếp cận tăng lên thúc đẩy việc chuyển từ tự mua thuốc sang sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, làm tăng nhu cầu của người dân.
Dân số tăng nhanh và lão hóa dân số cho thấy tiềm năng mở rộng các công ty dược phẩm. Bên cạnh đó tỷ lệ người bị bệnh tiểu đường, ung thư và tim mạch tăng lên thúc đẩy sự phát triển của các loại thuốc kê đơn có giá trị cao.
Doanh số bán thuốc kê đơn ở Việt Nam ước tính lên tới 115,9 nghìn tỷ VND (5,0 tỷ USD) vào năm 2019. Fitch Solutions dự đoán con số này sẽ tăng lên 170,1 nghìn tỷ VND (7,0 tỷ USD) vào năm 2024, và 244,4 nghìn tỷ VND (8,9 tỷ USD) vào năm 2029, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 5,5%.
Thuốc kê đơn sẽ chiếm thị phần ngày càng tăng trong thị trường chung, tăng dần từ 75,1% tổng doanh số bán dược phẩm năm 2019 lên 77,6% vào năm 2029, khi môi trường tiếp cận và quản lý được cải thiện.
Nhu cầu mua thuốc kê đơn sẽ gia tăng do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân: thu nhập tăng, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Trong nhóm thuốc kê đơn, phân khúc thuốc gốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán thuốc kê đơn mặc dù giá thuốc gốc thấp hơn sẽ kéo theo sự phát triển thị trường dược phẩm nói chung. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang hướng tới mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm trong nước để giảm sự phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu và do đó giảm tổng chi tiêu cho dược phẩm của quốc gia.
Dự báo thị trường thuốc biệt dược (thuốc được cấp bằng sáng chế)
Thị phần thuốc biệt dược trên thị trường thuốc kê đơn được dự báo sẽ giảm trong 10 năm tới.
Doanh thu thị trường thuốc biệt dược tại Việt Nam ước tính đạt 30,7 nghìn tỷ VND (1,3 tỷ USD) vào năm 2019 và dự báo sẽ tăng lên 39,2 nghìn tỷ VND (1,6 tỷ USD) vào năm 2024 và đạt 44,1 nghìn tỷ VND (1,8 tỷ USD) vào năm 2029, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm là 3,7% .
Các loại thuốc biệt dược sẽ mất thị phần trên thị trường chung, giảm từ 19,9% vào năm 2019 xuống còn 15,3% vào năm 2029. Tương tự, thị phần thuốc biệt dược trên thị trường thuốc kê đơn sẽ giảm từ 26,5% vào năm 2019 xuống còn 19,7% vào năm 2029.
Tăng trưởng trong thị trường thuốc biệt dược sẽ chậm hơn so với tăng trưởng trong phân khúc thuốc generic (thuốc gốc), phần lớn là do chính sách thay thế thuốc biệt dược. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu thuốc theo toa rất quan trọng, dẫn đến việc tiếp tục bán hàng ngay cả khi bằng sáng chế hết hạn.
Những người có thu nhập cao ở thành thị thường sử dụng các loại thuốc biệt dược hơn. Mặc dù việc thực thi luật sở hữu trí tuệ vẫn còn chưa tốt sẽ khiến các loại thuốc biệt dược khó giữ được độc quyền trên thị trường.
Tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hiệp định thương mại đa phương được 11 nước ký kết – có hiệu lực tại Việt Nam. CPTPP yêu cầu mỗi thành viên phải có hệ thống liên kết bằng sáng chế dược phẩm.
Có nghĩa là trước khi cấp phép lưu hành cho bất kỳ loại thuốc biệt dược nào, Việt Nam phải thông báo cho chủ sở hữu bằng sáng chế của thuốc gốc về đơn xin phê duyệt của thuốc gốc. Điều này giúp chủ sở hữu bằng sáng chế có đủ thời gian để yêu cầu các thủ tục tố tụng hành chính hoặc tư pháp để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tính hợp lệ hoặc vi phạm của bằng sáng chế hiện hành.
Ngoài ra, Việt Nam có thể áp dụng cơ chế phi tư pháp để ngăn cản việc cấp phép lưu hành cho thuốc biệt dược dựa trên các thông tin liên quan đến bằng sáng chế sẵn có.
Dự báo thị trường thuốc gốc (thuốc generic)
Các biện pháp hạn chế chi phí ngày càng tích cực sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong dài hạn. Điều này sẽ có tác động tích cực đến phân khúc thuốc gốc khi nhà nước tìm cách giảm việc sử dụng các loại thuốc biệt dược có giá trị cao và tăng việc sử dụng các loại thuốc gốc có giá trị thấp hơn để giảm chi tiêu cho dược phẩm.
Thuốc gốc sẽ tiếp tục chiếm phần lớn doanh số bán thuốc kê đơn với giá trị 85,3 nghìn tỷ VND (3,7 tỷ USD) vào năm 2019. Giá trị này được dự báo sẽ tăng lên 130,9 nghìn tỷ VND (5,4 tỷ USD) vào năm 2024 và lên tới 180,3 triệu đồng (7,1 tỷ USD) vào năm 2029, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong 10 năm là 7,8%
Đến năm 2029, thị phần của thị trường thuốc gốc sẽ tăng lên gần 62,4% (tăng từ 55,2% vào năm 2019), và thuốc gốc cũng tăng thị phần trong thị trường kê đơn (từ 73,5% lên 80,4%).
Thị trường thuốc gốc của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, nhờ sự khuyến khích của Chính phủ đối với ngành công nghiệp thuốc gốc, cũng như việc mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Sản xuất thuốc trong nước sẽ vẫn vững chắc trong lĩnh vực thuốc gốc do thiếu chuyên môn khoa học để phát triển thuốc mới, nhưng chủ yếu do nhu cầu cao hơn đáng kể đối với thuốc gốc trong cả nước. Ngoài ra, sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam sẽ làm tăng khả năng tiếp cận thuốc chất lượng cao hơn, nhưng khả năng chi trả của người dân vẫn còn thấp và cơ hội cho các nhà sản xuất thuốc biệt dược sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Thuốc gốc cũng bắt đầu được chú ý trong đấu thầu mua thuốc cạnh tranh. Hơn nữa, Việt Nam đặt mục tiêu nâng thị phần thuốc sản xuất trong nước lên 80% vào năm 2020, tập trung vào sản xuất thuốc gốc.
Dự báo thị trường thuốc không kê đơn – OTC
OTC tại Việt Nam sẽ vẫn là một ngành đóng góp tương đối nhỏ vào tổng thị trường dược phẩm. Mặc dù vậy, do phần lớn dân số có sức mua thấp nên việc tự mua thuốc được ưa chuộng hơn ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, đặc biệt là đối với những người dân không có bảo hiểm y tế đầy đủ.
Ngành OTC đã đạt được mức tăng trưởng tương đối mạnh mẽ trong vài năm qua. Năm 2019, doanh số bán dược phẩm OTC đạt 38,5 nghìn tỷ VND (1,7 tỷ USD). Giá trị này được dự báo sẽ tăng lên 52,7 nghìn tỷ VND (2,2 tỷ USD) vào năm 2024 và 64,6 nghìn tỷ VND (2,6 tỷ USD) vào năm 2029, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,3%.
Tăng trưởng của ngành OTC ở Việt Nam sẽ bị cản trở bởi nhu cầu mua thuốc kê đơn của người dân đang tăng nhanh nhờ mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế. Đặc biệt, dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong phân khúc thị trường thuốc gốc và thuốc biệt dược sẽ dần dần làm xói mòn thị phần của OTC trên thị trường dược phẩm.
Tuy nhiên, với việc tiếp tục hiện đại hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – cùng với nhu cầu tiết chế chi phí và nâng cao nhận thức về sức khỏe của người dân nói chung – tăng trưởng thị trường OTC sẽ ngày càng rõ ràng. Việc Chính phủ tiếp tục khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân có thể thúc đẩy thị trường OTC vì giá cả cao hơn buộc bệnh nhân phải tìm cách tự mua thuốc.
Kết luận
Những cải cách được đề xuất nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người dân là một dấu hiệu tốt cho sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các công ty dược phẩm quốc tế. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về việc phần lớn dân số có bảo hiểm y tế vào năm 2025 cũng sẽ dẫn đến việc đầu tư đáng kể vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Những nỗ lực của Chính phủ, cũng như nhu cầu của người dân ngày càng tăng đang mở rộng tiềm năng của thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe Việt Nam, không chỉ đối với các doanh nghiệp trong nước, mà đối với cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: Fitch Solutions
Babuki lược dịch & hiệu đính
dược phẩm
phân tích thị trường
Thuốc kê đơn