Những kết quả kinh doanh nổi bật của Thế giới di động (TGDD) năm 2020
Vị thế và quy mô
- Top 10 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng VNR500.
- Giữ vững vị thế nhà bán lẻ số 1 Việt Nam với khoảng cách vượt trội so với doanh nghiệp cùng ngành.
- Là công ty có doanh số lớn nhất trong tổng giá trị thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
- Là công ty Việt Nam duy nhất lọt vào Top 100 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương.
- Quy mô hơn 4.000 cửa hàng. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh vượt mốc 1.400 cửa hàng và chuỗi Bách Hóa Xanh vượt mốc 1.700 cửa hàng vào cuối tháng 12/2020.
Doanh thu và lợi nhuận
- Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh toàn cầu cùng với tình hình thiên tai liên tục diễn ra tại Việt Nam. Bất chấp các khó khăn, Thế giới di động tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 6% doanh thu đạt 108.546 tỷ đồng, và tăng trưởng 2% Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 3.920 tỷ đồng so với 2019.
- Đặc biệt trong suốt giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, chưa một tháng nào Công ty phải ghi nhận lỗ. Đây là điểm khác biệt lớn của Thế giới di động với các doanh nghiệp cùng ngành, thể hiện nền tảng tài chính tốt, sự bền vững, cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn thể nhân viên. Trong nửa sau năm 2020, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế phần nào hoạt động bình thường trở lại, Thế giới di động đã triển khai thần tốc hàng loạt dự án mới như chuỗi Điện máy xanh (ĐMX) supermini, Bluetronics Campuchia, mô hình Bách Hóa Xanh (BHX) diện tích lớn hơn 500 m2. Nhờ sự bứt phá này, Công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng 10% trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ.
- Để đạt được kết quả như trên, ngoài nỗ lực tối ưu chi phí, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp có đóng góp vô cùng quan trọng, đạt mức 22,1% và là mức cao nhất từ trước tới nay. Biên lợi nhuận gộp của hầu hết các ngành hàng chính được cải thiện nhờ Thế giới di động:
- (i) chủ động đa dạng hóa danh mục sản phẩm (bao gồm cả nhãn hàng riêng, sản phẩm nhập khẩu trực tiếp và sản phẩm độc quyền phân phối) với nhiều thương hiệu và phân khúc giá khác nhau;
- (ii) tập trung đẩy mạnh doanh số các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt;
- và (iii) cải thiện các điều khoản thương mại với nhà cung cấp do lợi thế quy mô doanh thu ngày càng lớn.
- Trong 6 tháng cuối năm 2020, Thế giới di động tập trung mở rộng mạng lưới cửa hàng mạnh mẽ, liên tục thử nghiệm các mô hình mới, tăng cường sức mạnh cho đội ngũ mua hàng, đầu tư cho hệ thống kho vận và các nền tảng hỗ trợ vận hành. Việc này làm tăng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng là sự đầu tư cần thiết giúp Công ty quay lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong tương lai.
Chuỗi Thegioididong.com và ĐIỆN MÁY XANH
- Thị trường đa số các sản phẩm công nghệ và điện tử tiêu dùng năm 2020 tăng trưởng âm so với cùng kỳ (ngoại trừ máy tính xách tay và thiết bị đeo). Trong đó, điện thoại và điện tử bị ảnh hưởng nặng nhất, ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số so với năm 2019. Việc TGDĐ/ĐMX đang làm tốt hơn thị trường ở hầu hết các sản phẩm chính giúp Thế giới di động củng cố vị thế số 1 về bán lẻ thiết bị di động và điện máy, liên tục nới rộng khoảng cách với các nhà bán lẻ khác.
- Công ty đẩy mạnh khai thác các ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và còn dư địa tăng trưởng như:
- Đồng hồ: hơn 500 điểm bán mang về gần 1.600 tỷ đồng (gấp đôi so với năm 2019) từ 1,2 triệu sản phẩm bán ra. Như vậy, Thế giới di động là nhà bán lẻ đồng hồ – thiết bị đeo lớn nhất Việt Nam chỉ sau 2 năm gia nhập thị trường này.
- Máy tính xách tay (MTXT): 26 trung tâm Laptop và hơn 1.000 điểm trưng bày sản phẩm trong TGDĐ & ĐMX đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với năm 2019). Với kết quả này, Thế giới di động ước tính chiếm gần 30% thị phần MTXT tại Việt Nam năm 2020.
- Gia dụng: Sự tập trung khai thác nhóm sản phẩm có giá trị tiêu thụ lớn là quạt điện, máy lọc nước và nồi cơm điện trong năm 2020 giúp nhóm này mang về hơn 3.500 tỷ đồng (tăng hơn 20% so với năm 2019) và đóng góp tới gần 50% doanh số gia dụng nói chung.
- Nỗ lực không ngừng thử nghiệm để tìm ra động lực tăng trưởng mới cho tương lai:
- Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS): sau 6 tháng triển khai, chuỗi ĐMS đã phát triển thần tốc với 302 cửa hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vùng nông thôn tại 61/63 tỉnh thành. Không chỉ tăng nhanh về số lượng (mở mới 200 cửa hàng chỉ trong 2 tháng cuối năm), chuỗi này đã đóng góp hơn 850 tỷ đồng doanh thu lũy kế cho Công ty, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt ổn định hơn 1 tỷ đồng/ tháng. Kết quả kinh doanh khả quan của ĐMS là tiền đề giúp Công ty tự tin nhân rộng mô hình này lên đến 1.000 điểm bán cuối năm 2021.
- Bluetronics: có mặt tại 8/25 tỉnh thành tại Campuchia với tổng số 37 cửa hàng. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,2 tỷ đồng/tháng vào tháng 12/2020. Tổng doanh thu của mảng kinh doanh này tại Campuchia năm 2020 tăng 80% so với năm 2019. Mục tiêu của Bluetronics là trở thành nhà bán lẻ số 1 về thiết bị di động và sản phẩm điện tử tiêu dùng tại Campuchia trong năm 2021 với khoảng 80 điểm bán trên toàn quốc.
- Hoàn thiện quy trình để vận hành hiệu quả: mô hình all-in-one (một nhân viên đảm nhận tất cả các khâu phục vụ khách hàng từ tư vấn bán hàng, thu tiền, thực hiện hồ sơ trả góp…) được áp dụng triệt để nhằm tăng năng suất lao động, tăng hoa hồng dịch vụ và tiết kiệm chi phí vận hành.
Chuỗi Bách Hóa Xanh
- Chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) ghi nhận mức doanh thu gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỷ đồng và đóng góp ~20% trong tổng doanh số của Thế giới di động. Trong năm 2020, Bách Hóa Xanh là động lực tăng trưởng chính của kênh cửa hàng hiện đại (MT) tại Việt Nam. Thị phần hàng tiêu dùng nhanh của Bách Hóa Xanh đã vượt mức 10% tại khu vực thành thị nói chung và trên 20% tại riêng Tp.HCM. Sự tăng trưởng vượt trội của Bách Hóa Xanh so với thị trường là do (i) mở rộng mạnh mẽ hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ và Nam Trung Bộ và (ii) tăng trưởng doanh số tích cực của các cửa hàng cũ.
- Tại thời điểm 31/12/2020, Bách Hóa Xanh có 1.719 cửa hàng có mặt tại 24/63 tỉnh thành (tăng 711 điểm bán so với cuối năm 2019) với doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt xấp xỉ 1,25 tỷ đồng/ tháng.
- Biên lợi nhuận gộp sau hủy hàng và mất mát đạt trên 24% cả năm 2020 (+5% so với năm 2019). Sự gia tăng đáng kể biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh chủ yếu đến từ (i) cải thiện các điều khoản thương mại với nhà cung cấp hàng FMCGs và (ii) nỗ lực tối ưu hiệu quả khâu mua hàng tươi sống. Với biên lợi nhuận gộp này, Bách Hóa Xanh đã có lời EBITDA (chưa bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng và trung tâm phân phối (DC) cho cả năm 2020.
- Sau 6 tháng thử nghiệm, mô hình cửa hàng diện tích lớn 500m2 và cung cấp 6.000-8.000 lựa chọn hàng hóa (phần lớn nâng cấp từ các cửa hàng hiện hữu đang kinh doanh tốt) được lựa chọn là động lực tăng trưởng doanh thu cho chuỗi Bách Hóa Xanh trong năm tới. Cuối tháng 12, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 182 cửa hàng loại này hiện diện tại 19 tỉnh thành (trong đó có 1/3 số cửa hàng đặt tại Tp.HCM). Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng “500m2” tại Tp.HCM đạt ~3 tỷ đồng/ tháng và tính chung cho cả
hệ thống là 2,5 tỷ đồng/tháng do Bách Hóa Xanh đang triển khai mô hình này với mật độ dày đặc hơn và mở rộng ra thị trường tỉnh. Mục tiêu đến cuối năm 2021, Bách Hóa Xanh sẽ có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn đến từ cả nâng cấp và mở mới, phân bố khắp các đô thị khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. - Năm 2020, kênh Bách Hóa Xanh online ghi nhận sự tăng trưởng đột phá về cả số lượng và doanh thu so với 2019. Tháng 12/2020, với 20 trung tâm phân phối, BHX online phục vụ trung bình 7.000 giao dịch mỗi ngày cho khách hàng tại 11 tỉnh thành, những ngày cao điểm lên đến 10.000 đơn hàng.
- Cuối năm 2020, An Khang có 68 nhà thuốc đang hoạt động (trong đó có 53 điểm bán mới, được sắp xếp đi cùng với mô hình Bách Hóa Xanh diện tích lớn).
Hành trình phát triển và tầm nhìn 2030 của Thế giới di động
Hành trình phát triển
- 2004: Thành lập Công ty TNHH Thế Giới Di Động. Cửa hàng thegioididong.com đầu tiên ra đời tại Tp.HCM.
- 2010: Thử nghiệm dienmay.com, tiền thân của chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm điện tử tiêu dùng Điện Máy Xanh.
- 2014: Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM (HSX)
- Cuối 2015-2016: Thử nghiệm mô hình bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh. Cán mốc doanh thu 2 tỷ đô và chính thức trở thành nhà bán lẻ số 1 Việt Nam (2016)
- 2017: Mở rộng sang thị trường nước ngoài với chuỗi cửa hàng bán lẻ thiết bị di động Bigphone tại Campuchia
- 2018: Hoàn tất 2 dự án Mua bán và Sáp nhập với chuỗi điện máy Trần Anh và chuỗi nhà thuốc An Khang
- 2019: Triển khai ngành hàng Đồng hồ và trung tâm Laptop, thử nghiệm cửa hàng bán điện máy đầu tiên tại Campuchia.
- 2020: Thử nghiệm và phát triển thần tốc chuỗi ĐMS phục vụ người dân khu vực nông thôn tại Việt Nam và Bluetronics tại Campuchia. Thử nghiệm mô hình 4KFarm (chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn 4 “Không”)
Tương lai của Thế giới di động năm 2030
- Thế giới di động 2030 là tập đoàn số 1 Đông Nam Á về bán lẻ, thương mại điện tử, và dịch vụ liên quan
- Được Khách Hàng tin yêu bởi sự phục vụ tận tâm và sản phẩm – dịch vụ vượt trội
- Mang lại cho Nhân Viên sự tử tế, niềm vui, sung túc và niềm tự hào
- Đóng góp to lớn vào Trách Nhiệm Xã Hội
- Là minh chứng cho vận hành có Integrity và nhân văn tại bất kỳ nơi nào mà Thế giới di động hiện diện
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: Thế giới di động
bán lẻ
Case Study
TGDD