Mặc dù McDonald’s không phải là doanh nghiệp nhượng quyền thương mại đầu tiên, nhưng nó đã trở thành ví dụ điển hình cho mô hình kinh doanh này. Và McDonald’s thực sự có sự chuyển mình với sự xuất hiện của Ray Kroc, một nhân viên bán hàng từ Illinois.
Lịch sử hình thành
Khi Ray Kroc ngồi trong xe của mình, anh ấy đã chứng kiến một điều kỳ diệu đang diễn ra. Bãi đậu xe chật cứng, mọi người xếp một hàng dài và khách hàng ra về cùng với đồ ăn đầy trên tay và nụ cười trên môi. Kroc hỏi một vài người để hiểu xem chuyện gì đang xảy ra: “Bạn sẽ có được chiếc bánh hamburger ngon nhất mà bạn từng ăn với giá 15 xu. Và bạn không cần phải chờ đợi và lộn xộn quanh các nữ phục vụ tiền boa.”
Ray Kroc đã đi khắp đất nước để bán máy đánh sữa, ghé qua vô số nhà hàng các loại. Nhưng anh chưa bao giờ nhìn thấy một hoạt động buôn bán như thế này. Đó là năm 1954; 14 năm, sau khi anh em nhà McDonald’s mở cửa hàng bánh mì kẹp thịt (burger) nhỏ của họ tại thị trấn San Bernardino, California.
Hai anh em – Mac và Dick McDonald – đã bắt đầu kinh doanh thức ăn nhanh vào năm 1940, nhưng không đạt được thành công thực sự cho đến 8 năm sau đó. Họ đã biến nhà bếp thành một dây chuyền lắp ráp được cơ giới hóa — với mỗi bước trong quá trình nấu ăn đều được rút gọn và hoàn thành với nỗ lực tối thiểu. Họ đã loại bỏ các nhà hàng và chỗ ngồi trong nhà, và thay thế bằng một hệ thống mà khách hàng sẽ đặt hàng trực tiếp qua các cửa sổ phục vụ ngoài trời.
Bằng cách tập trung nỗ lực vào việc giảm chi phí, hai anh em có thể duy trì mức giá thấp cho một sản phẩm luôn tốt. Điều này tất yếu dẫn đến tỷ lệ quay vòng khách hàng cao. “Toàn bộ mô hình kinh doanh của chúng tôi dựa trên tốc độ, giá thấp hơn và quy mô,” Dick McDonald nhớ lại. “Chúng tôi đang theo đuổi số lượng lớn, rất lớn bằng cách giảm giá và để khách hàng tự phục vụ.” Đến năm 1954, họ đã cấp phép một cách ngẫu nhiên mười nhà hàng “drive-in”, nhiều nhà hàng trong số đó quản lý kém và không có hệ thống nhất quán. Chúng chỉ giống nhau bởi cái tên là McDonald’s.
Sự tham gia của Ray Kroc
Đây là nơi Ray Kroc, một nhân viên bán hàng lanh lợi đến từ Illinois, tham gia vào “cuộc chơi”. Kroc là một người có tầm nhìn xa. Bất kể loại hình kinh doanh nào anh ấy đã theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình, anh ấy đều mơ ước lớn. Từ việc bán máy lắc sữa cho đến khuấy động bất động sản ở Florida, mục tiêu của anh luôn là trở thành người giỏi nhất. Không có chỗ (mục tiêu) cho vị trí thứ hai.
Vì vậy, khi anh ấy giới thiệu ý tưởng nhượng quyền thương mại của mình với anh em nhà McDonald’s, anh ấy đã không ngần ngại suy nghĩ lớn. Kroc sau này nhớ lại: “Hình ảnh các nhà hàng McDonald’s nằm rải rác khắp các ngã tư trên khắp đất nước xuất hiện trong đầu tôi.” Lúc đầu, anh em McDonald lịch sự từ chối. Họ hài lòng với cuộc sống đàng hoàng mà họ đang có, khi chỉ điều hành một nhà hàng ở California. Kroc vẫn tiếp tục, giải thích rằng anh ấy sẽ giúp mở tất cả các nhà hàng — làm tất cả những công việc khó khăn — và hai anh em sẽ chỉ ngồi xung quanh và thu tiền bản quyền. Họ đã đồng ý. Một hợp đồng đã được soạn thảo vào ngày hôm đó.
Hành trình nhượng quyền
Trước khi có thể bắt đầu bán nhượng quyền, Kroc phải xây dựng nhà hàng McDonald’s của riêng mình để chuẩn hóa tất cả các quy trình. Anh ấy đã có thỏa thuận 50-50 với 1 người bạn tại một địa điểm ở Des Plaines, Illinois, mở cửa vào ngày 15 tháng 4 năm 1955. Tất cả các cơ chế tiết kiệm chi phí và thời gian phải giống nhau — cách bố trí của vỉ nướng và thùng chiên cho đến hiệu quả hoạt động. Nhưng trên hết, Kroc kiên quyết trong việc duy trì chất lượng thực phẩm đồng nhất.
Mặc dù địa điểm Des Plaines không hoạt động tốt như McDonald’s ở California, nhưng nhà hàng đã có dòng tiền ngay từ ngày đầu tiên và Kroc giờ đã có đủ tự tin để bắt đầu triển khai các nhà hàng nhượng quyền. Chỉ hơn một năm sau khi khai trương nhà hàng đầu tiên vào năm 1955, đã có 11 nhà hàng được nhượng quyền trên khắp đất nước. Một năm sau nữa, là điểm khởi đầu cho tốc độ tăng trưởng chóng mặt, đã có thêm 25 nhà hàng được mở. Thông qua thỏa thuận với anh em nhà McDonald’s, Kroc đã kiếm được 1,9% tổng doanh thu của tất cả các nhà hàng nhượng quyền McDonald’s và 25% trong số đó thuộc về hai anh em.
Phát triển kinh doanh
Năm 1960, mặc dù có doanh thu toàn hệ thống là 75 triệu đô la, lợi nhuận của McDonald’s chỉ 159.000 đô la. Phải làm gì đó để tăng thêm lợi nhuận. Harry Sonneborn, nhân sự tài chính cừ khôi của công ty, đã nảy ra ý tưởng mua bất động sản tại các địa điểm được nhượng quyền và cho bên vận hành (operator) thuê lại. Franchise Realty Corporation được thành lập vào năm 1956 để đóng vai trò là chủ sở hữu và cho thuê cho các bên nhận quyền hiện tại và tương lai. Khi các bên vận hành bắt đầu trả tiền thuê hàng tháng và số tiền ngày càng tăng, Franchise Realty nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị tạo ra lợi nhuận lớn nhất của McDonald’s.
Năm 1959, quyết định được đưa ra là công ty nên xây dựng và vận hành 10 hoặc hơn 10 địa điểm bên cạnh các hoạt động nhượng quyền của họ. Để có nguồn vốn đầu tư cho việc mở rộng, họ đã nhận được một khoản vay từ ba công ty bảo hiểm trị giá 1,5 triệu đô la để đổi lấy 22.5% cổ phần của McDonald’s. Sau khi nhà hàng McOpCo (Công ty điều hành McDonald) đầu tiên được thành lập, khoản vay sẽ cung cấp nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của McDonald trong những năm sáu mươi.
Ray Kroc mua lại toàn bộ Chuỗi nhà hàng McDonald’s
Bất chấp lợi nhuận mới từ McOpCo và Franchise Realty, Kroc không hài lòng về thỏa thuận của mình với anh em nhà McDonald’s. Năm 1961, ông hỏi 2 anh em về việc nhượng lại toàn bộ công ty và mua lại thành công công ty và thương hiệu McDonald’s với giá 2,7 triệu đô la. Việc mua lại là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà Kroc từng thực hiện.
Kroc từ chức Giám đốc điều hành (CEO) vào năm 1968, nhưng ông vẫn đóng một vai trò tích cực trong công ty. Bất chấp khủng hoảng kinh tế trong những năm 70, ông đã gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo của công ty phải tăng tốc độ tăng trưởng.
Vào thời điểm Kroc qua đời vào năm 1984, hệ thống McDonald’s đã phát triển tới gần 8 nghìn nhà hàng tại 32 quốc gia trên thế giới. Sử dụng các phương pháp tương tự mà Kroc có được và hoàn thiện nó từ anh em nhà McDonald, công ty tiếp tục duy trì vai trò của mình ở vị trí hàng đầu trong thế giới thức ăn nhanh. Vào năm 2008, McDonald đã vượt xa Subway về số lượng tổng số nhà hàng – với con số 31.672. Với doanh thu trung bình trên mỗi nhà hàng là 2,2 triệu USD, McDonald’s vẫn là đơn vị dẫn đầu, không thể tranh cãi, với doanh thu hơn 70 tỷ USD trên toàn hệ thống. Doanh thu 70 tỷ đô đến từ việc phục vụ hơn 21 tỷ khách hàng trong năm 2008 – có nghĩa là trung bình, mỗi người trên hành tinh đã ghé thăm cửa hàng McDonald’s ba lần / năm. Ngay cả Ray Kroc cũng không thể hình dung được điều đó.
Kết
Vậy, ngoài khả năng lãnh đạo tuyệt vời và sự may mắn sẵn có trong bất kỳ câu chuyện thành công nào, McDonald’s đã đạt được những kết quả này như thế nào? Xem xét lịch sử của công ty, có 3 yếu tố nổi bật: mô hình nhượng quyền, sự dẫn đầu về hiệu quả chi phí và thời gian, và khả năng truyền tải những lợi ích đó vào tâm trí khách hàng.
Một khi bạn có một thương hiệu tốt và mô hình phù hợp với khách hàng, mô hình nhượng quyền thương mại sẽ rất hấp dẫn đối với bất kỳ doanh nhân nào. Bạn cung cấp tên, hình ảnh, quy trình, sản phẩm và một số khóa đào tạo, các bên nhận nhượng quyền thực hiện phần còn lại và bạn nhận được tiền bản quyền mãi mãi. Số vốn cần thiết để phát triển hoạt động nhượng quyền là tương đối nhỏ, điều này càng làm cho hoạt động nhượng quyền trở nên hấp dẫn hơn từ quan điểm hoàn vốn đầu tư.
Nguồn: Futureblind
Babuki lược dịch và hiệu đính
F&B
McDonald's
mô hình kinh doanh