Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO – Initial Public Opening) là lần chào bán cổ phiếu đầu tiên của một công ty trên sàn chứng khoán. Các công ty nhỏ đang tìm cách phát triển công ty của thông qua IPO như một cách để tăng vốn mở rộng công ty. Tuy nhiên, không phải cuộc IPO nào cũng thành công. Nguyên nhân thất bại có phải vì không đúng thời điểm hay còn nhiều hơn thế nữa?
Nội Dung
Một số đợt IPO thất bại
- Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex Bình Dương (chỉ hơn 6% cổ phần chào bán đã bán được).
- Tổng công ty Phát điện Genco 3 (bán được hơn 7,2 triệu cổ phiếu trên 267 triệu cổ phần).
- Tổng công ty Hàng hải Vinalines bán được 5,44 triệu cổ phiếu (chiếm 1,11% tổng số cố phẩn đưa ra đấu giá và tương đương 0,38% vốn điều lệ).
- Tổng công ty Sông Đà chỉ bán được 790.900 cổ phần (0,36% số cổ phần đưa ra đấu giá) cho 221 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân là 11.159 đồng/cổ phần, giá trị cổ phần bán được vẻn vẹn 8,8 tỷ đồng.
- Tổng công ty Khoáng Sản – Vinacomin (Vimico) chỉ bán được 2,8% tổng khối lượng cổ phần IPO.
Nguyên nhân sau sự thất bại
Hoạt động kinh doanh cốt lõi không mang đến nhiều lợi nhuận
GENCO 3: Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018, vốn chủ sở hữu của Genco 3 là 10.489 tỉ đồng, vốn điều lệ 10.363 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 442 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này rõ ràng là không hấp dẫn và khó thuyết phục các nhà đầu tư giải ngân, nên thanh khoản giao dịch hàng ngày của Genco 3 chỉ lèo tèo vài trăm cổ phiếu. Ngày nào khối lượng khớp lệnh được một ngàn cổ phiếu đã là cao!
BECAMEX: Trong giai đoạn từ 2018 – 2020, Becamex dự kiến tăng vốn thêm 2.670 tỷ đồng, đạt con số 13.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận của Becamex IDC có phần tỏ ra khiêm tốn. LCông ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 chưa đầy 350 tỷ đồng. Bên cạnh đó tỷ lệ cổ tức chỉ khoảng 2%.
VINALINES: Năm 2014, thực trạng tài chính của Vinalines được nhận định là yếu kém. Cụ thể: lợi nhuận sau thuế năm 2014 của Vinalines âm hơn 3.478 tỉ đồng, 19 đơn vị lỗ hơn 4.332 tỉ đồng, lỗ lũy kế của Vinalines qua đó được phía Kiểm toán Nhà nước tính toán là 24.180.732 triệu đồng.
TỔNG CTY SÔNG ĐÀ: Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, doanh thu công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đạt 2.949 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức doanh thu 7.212 tỷ đồng của năm 2015.
Gánh nặng nợ cao
GENCO 3: Báo cáo tài chính cho thấy nợ ngắn hạn và dài hạn của tổng công ty Genco 3 lên tới 61.029 tỉ đồng, gấp 5,82 lần vốn chủ sở hữu. Giả sử mang số tiền tương đương số nợ gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 6,5%/năm (mức thấp trên thị trường hiện nay), Genco 3 có thể thu về gần 4.000 tỉ đồng mỗi năm, gấp nhiều lần lợi nhuận ròng làm ra.
VINALINES: Nợ của Vinalines phức tạp hơn. Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào tổng công ty trước thềm IPO, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, cho biết nợ của công ty mẹ hiện còn 2.000 tỉ đồng do đã tái cơ cấu. Theo ông, phần lớn nợ của Vinalines đã được bán cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính.
Xem báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm nay của DATC, thấy các khoản nợ gốc mua lại; nợ và tài sản nhận bàn giao của DATC tại ngày 30-6-2018 không có thay đổi nhiều so với đầu năm, chênh nhau vài trăm tỉ đồng. Trong khi đó, các khoản phải trả dài hạn khác tổng cộng khoảng 19.600 tỉ đồng của DATC đã tồn tại trong một vài năm, chủ yếu liên quan đến quá trình tái cơ cấu nợ của Vinashin trước đây. Nếu DATC mua nợ của Vinalines, không biết DATC hạch toán vào đâu.
BECAMEX: Đến cuối năm 2018, nợ vay ngắn và dài hạn của Becamex IDC ở mức 19.655 tỷ đồng. Đặc biệt là các khoản nợ vay và trái phiếu dài hạn đã đến hạn được chuyển sang nợ ngắn hạn hơn 6.700 tỷ đồng, kéo theo nợ ngắn hạn tăng lên mức gần 11.300 tỷ đồng so với mức 8.464 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nợ vay dài hạn đến hạn trả của công ty hiện ở mức 1.103 tỷ đồng; trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả cũng tăng từ 2.538 tỷ lên 5.727 tỷ tính tới cuối năm 2018. Điều đó cho thấy nhu cầu vốn để thanh toán nợ vay của Becamex IDC hiện nay là rất lớn.
TỔNG CTY SÔNG ĐÀ: Nợ phải trả lên tới 12.360 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ cấu nợ của công ty mẹ Tổng công ty sông Đà chủ yếu là nợ ngắn hạn với 6.715 tỷ đồng, gồm chi phí phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước, trong khi vay và nợ thuê ngắn hạn là 2.449 tỷ đồng. Nợ dài hạn lên tới 5.645 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính dài hạn với khoảng 4.481 tỷ đồng.
Thiếu tính minh bạch
VINALINES: Theo quy định, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, các đơn vị cổ phần hóa phải giải quyết minh bạch vấn đề nợ nần. Nợ của Vinalines đã tụt giảm nhanh và nhiều trong năm 2016-2017, vậy liệu Nhà nước có xóa nợ cho tổng công ty? Nhà nước là chủ sở hữu, đương nhiên Nhà nước có quyền xóa nợ cho doanh nghiệp. Xóa nợ có nghĩa là Nhà nước mất tiền. Còn không xóa, mà nợ của Vinalines giảm, thì Nhà nước phải bỏ tiền ra trả nợ cho tổng công ty.
Cái này không thấy làm rõ trong bản công bố thông tin IPO. Ngoài ra, Vinalines cũng không đề cập đến vấn đề thua lỗ của những công ty và công ty liên kết trong lĩnh vực vận tải biển. Hầu hết các công ty này đều đang thua lỗ, nợ ngân hàng cao, vốn chủ sở hữu đã âm hoặc còn rất ít. Vinalines đã tiến hành thoái một tỷ lệ vốn nhỏ (chẳng hạn từ 51% xuống dưới 49%) của các công ty con và chuyển những công ty con này thành công ty liên kết để không phải trích lập dự phòng rủi ro.
GENCO 3: Đã một thời gian dài, phương thức phổ biến trong tiến trình cổ phần hóa là xác định giá trị phần vốn nhà nước, sau đó doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu ra bên ngoài để nâng vốn điều lệ, thu thêm tiền vào, còn vốn nhà nước giữ nguyên và tương đương với một tỷ lệ nhất định nào đó vốn điều lệ công ty. Như Genco 3 dự kiến khi IPO sẽ nâng vốn điều lệ lên 20.809 tỉ đồng.
Phương thức trên đảm bảo lợi ích cho Nhà nước về mọi phương diện, song không tạo sức hút giới đầu tư. Giờ đây nó dần trở nên thiếu thực tế và ít khả thi.
BECAMEX: Ở góc độ là Công ty đại chúng, theo quy định, BCM phải công bố thông tin về báo cáo tài chính năm có kiểm toán và báo cáo thường niên. Việc thực hiện báo cáo tài chính năm trên website của Công ty theo quý đang đầy đủ. Riêng báo cáo thường niên chưa đến hạn BCM phải đăng tải trên website trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính theo quy định.
Có lẽ, việc cần thông tin và tiếp nhận các phản hồi của nhà đầu tư là khâu mà BCM cần quan tâm để thay đổi. Nói đúng hơn là thay đổi tư duy thực hiện quan hệ với nhà đầu tư để nhà đầu tư nắm bắt tốt hơn các quy định và dễ dàng tìm hiểu công ty cùng các cơ hội đầu tư tốt hơn.
Hãy để lại thông tin liên hệ để Babuki có thể gửi đến bạn các bài viết hay hoặc hỗ trợ tư vấn về chiến lược và quản trị.
IPO