- Việt Nam vừa trải qua một năm 2021 đầy thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, cùng với đó là lệnh đóng cửa nghiêm ngặt gây tổn hại trực tiếp đến nền kinh tế.
- Các đợt bùng phát liên tục và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2022.
- Với chính sách mở cửa lại nền kinh tế cùng tâm thế lạc quan từ phía nhà đầu tư nước ngoài, nền kinh tế nước nhà vẫn có nhiều triển vọng, dự kiến đạt mức GDP tăng trưởng 6,5% trong năm 2022.
Năm 2021 đối với Việt Nam là một năm đầy thử thách. Mặc dù là một trong những quốc gia có thành tích chống dịch tốt nhất thế giới, sự xuất hiện của biến thể mới Delta vẫn tiềm tàng nhiều mối đe dọa. Các lệnh đóng cửa vẫn được duy trì trong năm, sản xuất và chuỗi cung ứng vẫn đang trong tình trạng gián đoạn.
Trong khi hầu hết các quốc gia phương Tây phải chịu đựng một năm 2020 kinh khủng, năm 2021 của Việt Nam lại rất khắc nghiệt khi hậu quả của đại dịch đã đánh trực tiếp vào GDP. Trong quý 3 năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận mức GDP âm (6,17%) kể từ năm 2000. Con số này đã một phần thể hiện sức công phá của COVID-19 đến các doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, với chính sách mở cửa lại nền kinh tế và chiến lược “sống chung an toàn với COVID” của Chính Phủ, GDP trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh trở lại. Mặc dù hầu hết các ngân hàng và tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo cho sự sụt giảm GDP của Việt Nam, họ vẫn duy trì tâm lý kinh doanh mạnh mẽ, phong thái lạc quan hướng đến sự tăng trưởng GDP tích cực trong tương lai gần.
Trong năm 2022, Chính Phủ dự báo GDP của nước ta sẽ tăng trưởng từ 6 – 6,5%.
Căn cứ vào tình hình kinh tế hai năm vừa qua, có nhiều khả năng môi trường kinh doanh của Việt Nam ít nhiều sẽ thay đổi trong năm 2022.
COVID-19 và chuỗi cung ứng
Kể từ đợt dịch thứ tư bùng phát, lệnh đóng cửa toàn thành phố bắt đầu được triển khai nghiêm ngặt. Người dân bao gồm cả người lao động chỉ được ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Hầu hết các nhà máy và nhà sản xuất muốn hoạt động đều phải thực hiện chính sách “ba tại chỗ”, nghĩa là công nhân ăn, ngủ và làm việc tại công ty, hoặc chính sách một tuyến hai điểm đến, nơi công nhân được đưa đón từ nơi cư trú của họ hoặc ký túc xá bằng xe của công ty đến công trình.
Tuy nhiên, chính sách này gặp nhiều phản hồi không tốt từ phía các doanh nghiệp do thời gian thông báo khá gấp, công nhân viên khó có thể sắp xếp sinh hoạt ngay tức thời. Hơn nữa, quy định sinh hoạt tại chỗ làm việc cũng góp phần làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Chưa kể trong thời gian lưu trú tại công ty, công nhân viên nhiễm bệnh có nguy cơ lây lan theo tập thể, buộc công ty phải dừng hoạt động.
Chịu hậu quả từ việc đóng cửa nhà máy, một số doanh nghiệp quốc tế như Nike, Abercrombie & Fitch, Adidas và Everlane đã bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty may mặc Everlane cho biết họ phải đối mặt với sự chậm trễ từ 4 đến 8 tuần, trong khi Nike thông báo về việc cắt giảm dự báo doanh thu do thời gian sản xuất tại Việt Nam bị hoãn đến 10 tuần.
Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp tại thị trường như Mỹ và châu Âu do phải đối mặt với nhu cầu về sản phẩm tăng lên trong kỳ nghỉ lễ cận kề. Lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt của Chính Phủ đã khiến cho tình hình càng trở nên căng thẳng, tài xế xe tải, hàng hóa bị mắc kẹt nhiều hơn tại các cảng, nhà máy và nhà kho. Với tình hình như trên, nếu như nền kinh tế có mở cửa trở lại cũng phải mất từ 6 tháng cho đến 1 năm mới có thể giải quyết hết các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Mặc cho tình hình hiện tại đang gặp khá nhiều bất lợi, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Nike tự tin tuyên bố rằng việc các nhà máy sớm hoạt động trở lại sẽ xoay chuyển tình hình và thúc đẩy sự phục hồi của công ty.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ra sức triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả như tăng cường tiêm chủng miễn phí cho người dân trên toàn quốc. Chỉ sau 4 tháng thực hiện, số người được tiêm chủng đầy đủ đã từng từ dưới 3% vào tháng 7 lên đến 69%. Một con số đáng khích lệ có thể đem so sánh với các cường quốc như Mỹ. Mặc dù sự xuất hiện của biến thể Omicron mang đến nhiều thách thức, nhưng với tâm thế lạc quan và các chiến lược đúng đắn của Chính Phủ, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm vượt qua cơn bão.
Mặt khác, chuỗi cung ứng không chỉ bị gián đoạn tại Việt Nam, tình trạng này cũng diễn ra trên toàn thế giới. Do đó các doanh nghiệp muốn phát triển phải đa dạng hóa và tìm cách tối ưu chi phí để đảm bảo chuỗi cung ứng sẽ sớm phục hồi. Chưa kể, các cảng ở Mỹ và các quốc gia khác cũng đang rơi vào tình trạng quá tải khi các công-ten-nơ không thể đến được địa điểm phân phối.
Tùy thuộc vào loại hình công nghiệp và nguồn nguyên liệu hiện có, các doanh nghiệp có thể xem xét đến các phương án xây dựng nhà máy tại địa điểm khác mà vẫn đảm bảo đi đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, khi tình hình vận tải lưu thông bình thường trở lại, tiêm chủng vacxin hoàn thành, các doanh nghiệp hãy cố gắng tận dụng thời cơ để xây dựng những phương án dự phòng tốt hơn trong tương lai.
Các hiệp định thương mại tự do và RCEP
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam liên tục ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đây được xem là một trong những cơ hội thu hút các nhà đầu tư quốc tế hiệu quả. Việc tham gia các FTA chính là công cụ để củng cố sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính, đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm sản xuất công nghệ thấp và hàng hóa sơ cấp sang hàng hóa công nghệ cao phức tạp hơn như điện tử, máy móc, phương tiện và thiết bị y tế. Hiệp định thương mại tự do EU-Vietnam (EVFTA) được ký kết vào năm ngoái là ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sắp tới sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2022. Theo như các điều khoản đề ra, RCEP sẽ giảm thuế quan và đặt ra các quy tắc thương mại, đồng thời giúp liên kết lại chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong thời điểm COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, FTA dự kiến sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh doanh như thương mại, dịch vụ, thương mại điện tử, viễn thông và bản quyền.
Theo dự kiến mức thuế quan sẽ giảm trong vòng 20 năm. RCEP bao gồm thị trường 2,3 tỷ dân và sản lượng toàn cầu 26,2 nghìn tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 30% dân số trên toàn thế giới và hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Theo nguồn tài liệu từ Ngân hàng Thế giới dự báo rằng các quốc gia tham gia RCEP sẽ có GDP tăng 1,5% và thỏa thuận này có thể bổ sung gần 200 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Khi Việt Nam trở thành nhà sản xuất công nghệ cao, RCEP có thể giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường xuất khẩu và thu hút hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng. Ngoài ra, với thế mạnh vốn có từ ngành nông, thủy sản, Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang nhiều quốc gia hơn cũng như thu về một mức lợi nhuận đáng kể.
Mua bán và sáp nhập (M&A)
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhiều khả năng sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Mặc dù trong năm 2020 hoạt động M&A bị gián đoạn do đại dịch, sang 9 tháng đầu năm 2021, các thương vụ M&A được ký kết nhiều hơn với tổng giá trị lên đến khoảng 3 tỷ USD. Đối với thị trường quốc nội, dẫn đầu cho các thương vụ M&A là Tập đoàn Masan và Vingroup mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao và bán lẻ. Trong đó, ba lĩnh vực nổi trội nhất năm 2021 là công nghiệp và hóa chất, hàng tiêu dùng và bất động sản.
Mặc dù các thương vụ M&A đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trong việc đề phòng các rủi ro liên quan đến đại dịch. Giai đoạn cuối năm 2021, Chính phủ cũng đã nới lỏng một số yêu cầu trong luật đầu tư và doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ M&A. Cùng với đó là hy vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi và hoạt động M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa vào năm 2022.
Các gói hỗ trợ từ Chính Phủ
Với tình hình diễn biến khá phức tạp của COVID-19, Chính Phủ đã ban hành một số gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân để giúp thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp nên tận dụng quyền lợi từ Chính Phủ để cải thiện dòng tiền, ổn định lại công việc kinh doanh trong năm 2022.
Ngày 19/10/2021, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 406 bao gồm việc cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Việc giảm thuế TNDN được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng (8,8 triệu USD) trong năm 2021. Nghị quyết sẽ được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ ( không tính đến số lượng lao động và thiệt hại tài chính thực tế). Ngoài ra, Chính Phủ cũng hỗ trợ thêm các quyền lợi khác như giảm tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả tiền một lần, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người lao động.
Giấy phép cho người lao động ngoài nước
Sau khi Nghị định 152 về việc thắt chặt các yêu cầu đối với lao động nước ngoài theo được ban hành hồi đầu năm, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 105 nới lỏng các yêu cầu cấp và gia hạn giấy phép lao động. Theo như nội dung của Nghị quyết mới, trình độ học vấn của người lao động ngoài nước không nhất thiết phải liên quan đến vị trí công việc, đồng thời người lao động ngoài nước có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế hơn so với kinh nghiệm tại nước sở tại.
Ngoài ra, một số vấn đề khác liên quan đến giấy tờ như hộ chiếu công chứng cũng được Chính Phủ loại bỏ. Những thay đổi thiết thực trong Nghị định 105 đã cho thấy Chính Phủ đang lắng nghe các doanh nghiệp nhiều hơn, đặc biệt là sau khi họ lên tiếng quan ngại về các yêu cầu của Nghị định 152. Việc nới lỏng các yêu cầu làm việc và đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh vào năm 2022 sẽ giúp các doanh nghiệp và người lao động vào Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm hơn trong tương lai.
Mở cửa du lịch năm 2022
Ngành du lịch của Việt Nam có thể nói là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát. Thời điểm trước đại dịch, năm 2019, Việt Nam đã đón gần 18 triệu lượt khách du lịch, mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 cả nước chỉ có 140.100 khách du lịch đến trong 11 tháng đầu năm, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí, con số này là do Chính Phủ đã cho phép một chương trình thí điểm cho phép khách du lịch quốc tế tại các điểm du lịch được chỉ định. Tuy nhiên, khi đại dịch đang ở mức có thể kiểm soát, Chính Phủ dự kiến sẽ xây dựng lộ trình mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế vào tháng 6 năm 2022. Theo như kế hoạch đề ra, Việt Nam sẽ đón tiếp những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ tại ba điểm đến đầu tiên là Phú Quốc, Hội An và Nha Trang theo các tour du lịch trọn gói.
Cũng trong năm 2022, Chính Phủ có kế hoạch cho phép những khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ tự kiểm dịch tại nhà. miễn là có kết quả âm tính. Mặc dù tình hình có thể thay đổi tùy vào sự biến chuyển của biến thế Omicron nhưng việc mở cửa lại ngành du lịch quốc tế vẫn được Chính Phủ đề cao hàng đầu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục chế độ miễn thị thực cho khách du lịch lưu trú tại Việt Nam dưới 15 ngày. Ngoài ra, chín đường bay quốc tế bao gồm Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan sẽ bắt đầu hoạt động trở lại.
Tầm nhìn năm 2022
Năm 2021 là một năm đầy thách thức cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Họ phải chịu áp lực từ việc duy trì hoạt động kinh doanh trong nước, vừa phải giải quyết những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù các vấn đề do đại dịch vẫn chưa thực sự được oán triệt trong năm 2021, nhưng với những mục tiêu cụ thể, tập trung vào vấn đề trọng tâm, dự kiến kinh tế Việt Nam 2022 sẽ mang lại nhiều triển vọng.
Kế hoạch kinh tế 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua sẽ tập trung vào nền tảng kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường kết nối vùng, tăng cường vai trò của các khu kinh tế trọng điểm và tái cơ cấu để đạt được mục tiêu nền kinh tế xanh và bền vững trong số những nền kinh tế khác.
Với môi trường kinh doanh năng động, việc hiểu rõ các chính sách và mục tiêu phát triển của Việt Nam là cần thiết để điều chỉnh kịp thời các chiến lược phát triển kinh doanh và hạn chế rủi ro.
Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2022. Trong năm tới, Việt Nam vẫn là một ứng cử viên sáng giá cho đầu tư từ ASEAN và hơn thế nữa. Với các chính sách thu hút nhà đầu tư, sự ổn định kinh tế và chính trị, tối ưu chi phí hiệu quả và nhu cầu triển vọng của người tiêu dùng, Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng ở châu Á bên cạnh việc thu hút một loạt nhà đầu tư mới về địa lý và lĩnh vực.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Theo Vietnam Briefing
Babuki tổng hợp, biên dịch & hiệu đính
2022
chuỗi cung ứng
GDP
kinh tế
tăng trưởng
Việt Nam