Tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong hơn một năm qua đạt mức cao kèm theo việc nhiều công ty khởi nghiệp trở thành kì lân.
Đầu tư vào startup Việt năm 2021: kỷ lục mới & những kỳ lân
Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Phát triển Thương mại và Khởi nghiệp Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tiết lộ rằng các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã lập kỷ lục mới khi huy động được 1,35 tỷ USD trong năm 2021. Thị trường này cũng ghi nhận những thương vụ lớn như Tiki (258 triệu USD), VNlife (250 triệu USD), Sky Mavis (152 triệu USD), MoMo (100 triệu USD) và Equest (100 triệu USD).
Ngoài ra, còn có 100 vòng Pre-seed, Seed, Pre-series A và nhiều vòng khác với giá trị đầu tư từ 500.000 USD đến 3 triệu USD. Một số công ty khởi nghiệp như MoMo, Loship và Sky Mavis đã công bố hoạt động gọi vốn hai lần vào năm ngoái, tạo cảm hứng cho các công ty khởi nghiệp khác.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, nhà đồng sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, cho biết: “Theo số liệu của chúng tôi, vốn rót vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang có sự phục hồi đáng kể và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021. Khi thị trường tài chính toàn cầu đang dần có những tín hiệu phục hồi, các nhà đầu tư đã tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới tại các thị trường mới nổi, đưa các hoạt động đầu tư công nghệ vào Việt Nam trở lại với tốc độ trước đại dịch”.
Bà Lê Vy lưu ý rằng đã có sự trở lại của các thương vụ lớn trong thanh toán kỹ thuật số, thương mại điện tử và trò chơi điện tử. Bà nói: “Những lĩnh vực này đang phát triển theo hướng trưởng thành và bắt đầu thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn”.
Vào tháng 12/2021, ví điện tử MoMo đã huy động được 200 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E do ngân hàng Nhật Bản Mizuho dẫn đầu cùng với các nhà đầu tư toàn cầu hàng đầu khác gồm Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Với vòng gọi vốn này, MoMo đã trở thành kỳ lân mới nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với mức định giá vượt mốc 2 tỷ USD.
Vào tháng 10, Sky Mavis, cha đẻ của dòng trò chơi điện tử trên nền tảng blockchain Axie Infinity, đã trở thành kỳ lân ở Việt Nam sau khi đem về 152 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do Andreessen Horowitz từ a16z dẫn đầu. Các kỳ lân công nghệ khác của Việt Nam gồm có VNPay và VNG.
Bà Chelsea Nguyễn, giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư ThinkZone Ventures, cho biết: “Đó là kết quả của một hành trình dài. Những doanh nghiệp kỳ lân này đã dành nhiều năm cải tiến các dòng sản phẩm, đồng thời giáo dục thị trường. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có tốc độ thâm nhập Internet nhanh chóng và dân số có thu nhập trung bình đang tăng lên, cùng với nền kinh tế ổn định và môi trường kinh doanh rất năng động”.
Triển vọng & thách thức trong gọi vốn khởi nghiệp năm 2022
Nguồn vốn mạo hiểm tiếp tục đổ vào Việt Nam nhờ sự phát triển của hệ sinh thái kỹ thuật số. Cùng với việc thu hút các quỹ nước ngoài mới trên thị trường này, nhiều quỹ đầu tư trong nước đã xuất hiện để chủ động hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp phát triển cả về tài chính lẫn chiến lược.
“Tôi nghĩ rằng động lực tích cực này sẽ tiếp tục vào năm 2022 đối với lĩnh vực đầu tư công nghệ tại Việt Nam”, bà Lê Vy từ Do Ventures cho biết. “Khi việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng, có rất nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam tận dụng thói quen ứng dụng hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch”.
Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào một số lĩnh vực đang phát triển như quản lý tài sản trực tuyến, các doanh nghiệp cho vay theo ngành dọc như thế chấp và hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng, nền kinh tế sáng tạo, blockchain, v.v, bà Vy nói thêm.
Do Ventures đã hoàn thành các mục tiêu của quỹ này đặt ra cho năm ngoái, với một số khoản đầu tư nổi bật trong năm qua bao gồm MFast, VUIHOC và Bizzi.
Bà Chelsea Nguyễn từ quỹ đầu tư ThinkZone lưu ý rằng hầu hết 4.000 công ty khởi nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam đều ở giai đoạn mới phát triển (early stage), và thách thức lớn nhất mà các doanh nhân Việt Nam phải đối mặt là làm thế nào để mở rộng quy mô.
Bà nói: “Các nhà sáng lập không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng bán hàng giỏi và chiến lược tiếp thị tốt, vì họ đang chủ yếu tập trung xây dựng mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Họ nên suy nghĩ một cách có chiến lược về việc huy động vốn đầu tư, đừng để công ty rơi vào trạng thái cạn vốn và sau đó gọi vốn chỉ để tồn tại. Hãy chủ động với việc gọi vốn và kết nối với các nhà đầu tư ngay từ sớm”.
Bà cho biết thêm, ngày càng có nhiều vườn ươm doanh nghiệp và chương trình tăng tốc doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, từ việc cung cấp các khoá đào tạo và cố vấn cho đến việc kết nối họ với các đối tác kinh doanh.
Năm 2021, ThinkZone Ventures đã thực hiện 6 khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, từ giai đoạn pre-seed đến seed round, trong các lĩnh vực edtech và fintech. Bà Chelsea Nguyễn cho biết các công ty được đầu tư đến nay đã cho thấy hiệu quả hoạt động tốt, nhờ việc nắm bắt và tận dụng những thay đổi gần đây trong hành vi của khách hàng.
Quỹ này không chỉ đầu tư vào các công ty mới mà còn tham gia vào các vòng gọi vốn của các công ty trong danh mục đầu tư hiện có của mình.
Theo Vietnam Investment Review
Bài có sử dụng ảnh tư liệu từ Vietnam Business Insider
công nghệ
đầu tư
gọi vốn
khởi nghiệp
kì lân
startup