Quản lý hàng tồn kho bán lẻ phụ thuộc nhiều vào nhân viên, quy trình và các hệ thống công nghệ tại cửa hàng. Quản lý hàng tồn kho bán lẻ kém là lý do phổ biến khiến việc kinh doanh thất bại. Chi phí hàng tồn kho có thể có tác động đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận của bạn.
Chi phí hàng tồn kho bán lẻ gồm những chi phí nào?
Chi phí hàng tồn kho có thể được chia thành các loại sau:
- Chi phí đặt hàng là chi phí liên quan đến việc mua hàng tồn kho. Điều này có thể bao gồm chi phí làm việc với nhà cung cấp, kiểm tra hàng hóa và chi phí vận chuyển.
- Chi phí thiếu hàng là các chi phí khác nhau xuất hiện khi sản phẩm hết hàng, như giao hàng nhanh, sự hài lòng của khách hàng,…
- Chi phí lưu kho là chi phí kết hợp để lưu giữ hàng trong kho và thường sử dụng giá trị thực của sản phẩm lưu giữ (đa số dựa trên giá mua vào từ nhà cung cấp, chứ không phải dựa trên giá bán ra tới người tiêu dùng).
Quản lý hàng tồn kho bán lẻ có thể là chìa khóa để giảm chi phí. Các cửa hàng sẽ cần lập chiến lược để có thể duy trì lượng hàng tồn kho phù hợp và từ đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà không cần giữ hàng tồn kho dư thừa tại cửa hàng (khiến phát sinh chi phí).
Các cách thức hiệu quả trong quản lý hàng tồn kho bán lẻ
Đầu tư vào hệ thống quản lý hàng tồn kho
Bạn có thể thực hiện quản lý hàng tồn kho theo cách thủ công, nhưng nó có thể tốn nhiều công sức và thỉnh thoảng phát sinh sai sót dẫn đến số lượng tồn kho không chính xác.
Phần mềm quản lý hàng tồn kho cho phép bạn tự động hóa quá trình theo dõi và giúp bạn tiết kiệm một lượng thời gian đáng kể. Tìm phần mềm tích hợp với POS bán lẻ của bạn, để số lượng hàng tồn kho của cửa hàng được hiển thị theo thời gian thực hoặc sử dụng phần mềm POS đã có sẵn chức năng quản lý hàng tồn kho này.
Thiết lập cảnh báo hàng tồn kho
Cảnh báo hàng tồn kho có thể giúp bạn ngăn ngừa tình trạng thiếu sản phẩm tại cửa hàng bán lẻ của mình. Khi bạn thiết lập cảnh báo hàng tồn kho, bạn có thể chọn mức tồn kho tối thiểu cho mỗi sản phẩm của mình và nhận thông báo khi các mặt hàng gần hoặc dưới ngưỡng.
Chọn nhà cung cấp chiến lược
Với mỗi nhà cung cấp, hãy xem xét giá mua, chất lượng sản phẩm, uy tín và hiệu quả.
Để quản lý tốt nhất mối quan hệ với các nhà cung cấp, hãy đảm bảo đặt kỳ vọng ngay từ đầu và xây dựng mối quan hệ bền chặt.
Triển khai việc quản lý theo mặt hàng (SKU)
Các đơn vị bán lẻ tiếp tục tăng danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tích trữ một lượng lớn sản phẩm tại cửa hàng bán lẻ của mình. Điều này thực sự có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của cửa hàng.
Quản lý SKU là quá trình phân tích chi phí lưu kho cho từng mặt hàng để xác định sản phẩm nào mang lại giá trị tốt nhất cho cửa hàng của bạn. Nếu một số SKU nhất định không góp phần hiệu quả cho doanh thu / lợi nhuận, hãy cân nhắc việc ngừng kinh doanh các SKU này trong cửa hàng bán lẻ của bạn.
Tối ưu hóa số lượng trong đơn đặt hàng
Khi bạn lên kế hoạch một cách chiến lược cho một đơn đặt hàng số lượng lớn nguyên vật liệu từ một nhà cung cấp, bạn sẽ giảm thiểu chi phí mua và vận chuyển.
Phân tích các hành vi mua của người tiêu dùng, với sự hỗ trợ của các công cụ phân tích dữ liệu trong POS, sẽ cung cấp cho bạn sự thật ngầm hiểu (insight) về cách thức hiệu quả cho việc tạo đơn đặt hàng.
Xem xét “Drop shipping”
Nếu bạn bắt đầu một cửa hàng trực tuyến, bạn có thể muốn xem xét cách thức “drop shipping”, một phương thức “fulfillment” bán lẻ trong đó cửa hàng không giữ hàng tồn kho. Thay vào đó các sản phẩm được vận chuyển từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Nguồn: Squareup.com
Babuki lược dịch và hiệu đính
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, chiến lược kinh doanh và chuyển đổi số. Anh/ chị có thể bấm vào đây để gửi yêu cầu.
bán lẻ
Hàng tồn kho