Mỗi ngày, 7,7 tỷ người trên thế giới tiêu thụ 14,5 triệu tấn thực phẩm. Tuy nhiên chúng ta ăn món gì, khi nào, ở đâu và như thế nào sẽ thay đổi theo quốc gia và người tiêu dùng. Điều này được thể hiện rõ ràng hơn ở khu vực Châu Á. Khu vực này chiếm hơn một nửa dân số thế giới – 4,4 tỷ người và hàng chục nền văn hóa với truyền thống và gu ẩm thực độc đáo khác nhau, từ các loại gia vị của Ấn Độ đến hương vị theo mùa của Nhật Bản. Và mỗi nơi lại tồn tại các loại hình ăn uống khác nhau, từ ẩm thực đường phố đến ẩm thực cao cấp.
Khu vực này là nơi có một hệ sinh thái thực phẩm đa dạng và có mối liên hệ với nhau, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ rồi đến người tiêu dùng, hỗ trợ tạo lên nền văn hóa ẩm thực phong phú. Tuy nhiên, khi công nghệ và sở thích của người tiêu dùng thay đổi, món ăn và cách chúng ta ăn cũng thay đổi, đôi khi theo những cách bất ngờ.
Hệ sinh thái thực phẩm và mối quan hệ giữa những đơn vị tham gia đang phát triển để thích ứng với những thay đổi này. Điều này có thể là thách thức và đem lại cảm giác không chắc chắn đối với những đơn vị trong ngành. Tuy vậy sự thay đổi này sẽ đem lại nhiều cơ hội mới để phát triển.
Nội Dung
Hiện trạng của ngành thực phẩm
Thực phẩm là một ngành công nghiệp có quy mô lớn và đang phát triển. Đôi khi, đường đi của thực phẩm rất đơn giản: thẳng từ trang trại đến hộ gia đình nhưng thông thường, thực phẩm chúng ta sử dùng phải trải qua nhiều lớp trung gian: từ nông dân, nhà sản xuất chế biến bán cho các cửa hàng tạp hóa và cuối cùng là được chế biến bởi các nhà hàng.
Do sự thay đổi công nghệ, sở thích tiêu dùng, toàn cầu hóa, ngành công nghiệp này đang dịch chuyển. Hệ sinh thái thực phẩm ngày càng trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau. Sự dịch chuyển này được thúc đẩy bởi người tiêu dùng, những người trả tiền và quyết định thực phẩm nào sẽ là xu thế.
Trước khi xem xét tương lai của ngành công nghiệp thực phẩm ở khu vực Châu Á, sẽ rất quan trọng để xem xét hiện trạng của hệ sinh thái thực phẩm hiện tại.
Hệ sinh thái thực phẩm
Từ xưa, các đơn vị sản xuất kinh doanh trong “chuỗi thực phẩm” luôn khác biệt và hoạt động độc lập. Có một quy trình tuyến tính hợp lý rõ ràng để đưa thức ăn từ trang trại đến bàn ăn.
Tuy nhiên như các ngành khác, thị trường này cũng dần dịch chuyển.
- Các công nghệ mới đang tạo ra một hệ sinh thái thực phẩm đa dạng hơn. Nó bao gồm các nhà sản xuất thực phẩm mới (ví dụ: nhà sản xuất thịt nhân tạo), sự gia tăng của các nền tảng hỗ trợ bởi công nghệ kết nối các doanh nghiệp thực phẩm với người tiêu dùng, và các đơn vị chỉ kinh doanh online cung cấp thực phẩm tiện lợi với giá thấp hơn.
- Sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng đang làm mờ ranh giới truyền thống giữa những đơn vị trong ngành. Chẳng hạn như, các cửa hàng tạp hóa đã bắt đầu cung cấp các bữa ăn được chuẩn bị sẵn (ready to cook).
Hệ sinh thái thực phẩm ngày càng liên kết và phụ thuộc lẫn nhau này đang tạo ra nhiều giá trị và sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Giá nguyên liệu thô đang giảm (ví dụ, giá lúa mì toàn cầu đã giảm 35% tính theo giá trị thực trong 30 năm qua), nhưng tổng giá trị thực phẩm lại tăng lên; kết quả của việc nhiều “người chơi” hơn gia tăng giá trị thông qua chuỗi cung ứng.
Mỗi đơn vị đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thực phẩm ngày nay, nhưng chính thông qua các tương tác mà ngành công nghiệp tạo ra thực phẩm và trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Hiện trạng của ngành công nghiệp thực phẩm sẽ được xem xét kỹ hơn trong các nội dung bên dưới.
Tiện lợi là trên hết
Nhóm khách hàng bận rộn đang tăng lên và cũng có nhiều lựa chọn hơn trước, và chúng ta đáng chứng kiến một sự dịch chuyển trong các yếu tố cấu thành chi tiêu cho thực phẩm. Phần lớn ngân sách thực phẩm hiện nay dành cho thực phẩm được chế biến sẵn ở các quán ăn, cửa hàng tạp hóa,… Khoảng hai phần năm người tiêu dùng châu Á cho rằng ăn tối ở ngoài là một trong năm chi phí tăng nhanh nhất của họ.
Tiện lợi không chỉ là việc tiết kiệm thời gian nấu ăn. Nó cũng đề cập đến việc có được thực phẩm bất cứ khi nào, bất kỳ đâu mà bạn muốn. Các nền tảng công nghệ giao thực phẩm cho các cửa hàng tạp hóa, các món ăn được chế biến sẵn, các món ăn được sơ chế sẵn (ready to cook) đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và chi phí lao động thấp trên một số thị trường ở Châu Á đặc biệt rất phù hợp với dịch vụ giao hàng tận nhà. Và người tiêu dùng đang là những đối tượng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển này.
Các món ăn được chuẩn bị sẵn (prepared meals)
Khi người tiêu dùng không còn dư dả thời gian như trước, bữa ăn chuẩn bị sẵn đem lại cho các hộ gia đình bận rộn sự tiện lợi trong việc cung cấp các bữa ăn cho gia đình. Thường các bữa ăn như vậy chỉ yêu cầu hâm nóng trước khi sử dùng. Loại hình này đặc biệt phổ biến trong giới trẻ.
Doanh thu của phân khúc này đã tăng trưởng trong 5 năm vừa qua, thúc đẩy bởi sự gia tăng các bữa ăn được cá nhân hóa cũng như sự gia tăng của tính kinh tế bởi quy mô (sản lượng lớn).
Các món ăn chế biến sẵn (ready to eat meals)
Việc giao đồ ăn cho các nhà hàng đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Một phần ba người tiêu dùng hiện đang sử dụng dịch vụ giao đồ ăn và 7% người tiêu dùng sử dụng dịch vu giao đồ ăn ít nhất 1 lần / tuần. Con số này được thúc đẩy bởi sự mở rộng của các nền tảng giao hàng trực tuyến mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn và tiện lợi hơn vào giờ ăn tối. Dịch vụ giao hàng tận tay người tiêu dùng đã tăng 14% ở châu Á chỉ trong năm ngoái.
Thị hiếu thay đổi
Cách con người sản xuất, mua sắm và tiêu thụ thực phẩm đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, thói quen ăn uống sẽ tiếp tục thay đổi do sự tiến bộ công nghệ, thay đổi sở thích của người tiêu dùng và dân số ngày càng tăng.
Ngoài ra, công nghệ đang nhanh chóng được tích hợp vào mọi khía cạnh của ngành công nghiệp thực phẩm.
Công nghệ đang phá vỡ hệ sinh thái thực phẩm
Cá nhân hóa
Sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi và trở nên phức tạp hơn. Điển hình là số lượng người tiêu dùng theo chế độ cắt giảm tinh bột và ăn thuần chay đang tăng lên. Phân tích dữ liệu và các nền tảng kỹ thuật số cho phép các doanh nghiệp thực phẩm có thể thích ứng theo những xu hướng này và tạo ra các bữa ăn đáp ứng mọi nhu cầu về thực phẩm.
Minh bạch hóa
Người tiêu dùng có quyền truy cập nhiều hơn vào dữ liệu về thực phẩm và dinh dưỡng nhờ các ứng dụng di động và các thiết bị theo dõi sức khỏe. Họ có thể sẽ yêu cầu nguồn thông tin minh bạch về thực phẩm mà các doanh nghiệp cung cấp. Điều này khiến cho các nhà cung cấp chịu áp lực không nhỏ. Tuy nhiên, các nhà cung cấp sẽ hiểu rõ hơn về sở thích của khách hàng và các yếu tố thức đẩy giá trị như các dữ liệu sẵn có hơn.
Công nghệ thực phẩm
Bản thân những tiến bộ trong công nghệ sản xuất thực phẩm sẽ thay đổi cách chúng ta ăn. Các doanh nghiệp đang tìm kiếm những cách thức mới để chế biến thực phẩm, từ thịt tổng hợp in 3D và những tiến bộ trong cách bảo quản thực phẩm tươi sống. Giá trị cổ phiếu của startup “Beyond Meat”, 1 startup sản xuất thịt từ thực vật ở Silicon Valley, đã tăng tới 163% sau ngày đầu tiên giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Hệ thống kiểm soát tự động
Khi khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn, việc canh tác ở ngoài tự nhiên có thể bị đe dọa bởi các hiện tượng thời tiết, chất lượng đất kém hoặc sâu bệnh. Vì vậy, hệ thống có kiểm soát như nuôi trồng trong nhà (nhà kính), cho phép nuôi trồng đa dạng các loại cây chất lượng cao, không phụ thuộc vào điều kiện của địa phương.
Làn sóng công nghệ tiếp theo
Các công nghệ mới như ô tô và máy bay không người lái có thể cách mạng hóa ngành giao đồ ăn. Tương tự, công nghệ AR, VR và các công cụ hỗ trợ bằng giọng nói giúp khách hàng tương tác với các doanh nghiệp thực phẩm, ngay cả khi họ không dùng bữa tại nhà hàng
Sự trỗi dậy của các nền tảng
Các nền tảng kết nối người tiêu dùng với các dịch vụ đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết và dự đoán sẽ tiếp tục duy trì trong những năm tới. Các công ty như eBay, Uber và Airbnb đang phá vỡ những mô hình kinh doanh truyền thống và cho phép những giao dịch hiệu quả hơn giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tại NSW (ở Úc), doanh thu kiếm được trong nền kinh tế chia sẻ đã tăng 68% trong một năm.
“Trăm hoa đua nở”
Internet cho phép các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận các thị trường mới, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp thực phẩm địa phương. Ngày nay, 89% các doanh nghiệp nhỏ của Úc có một trang web và một số sử dụng mạng xã hội.
Nhà bếp gia đình
Khả năng tiếp cận dễ dàng của Internet đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thực phẩm tiềm năng. Các doanh nghiệp chỉ giao hàng giúp giảm đáng kể nhu cầu vốn đầu tư ban đầu. Ngày nay, nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh (82% ở các nước đang phát triển), khách hàng có thể tương tác với các doanh nghiệp giao đồ ăn nhiều hơn.
Thay đổi sở thích của người tiêu dùng
Có ý thức về mặt đạo đức
Gần chín trong số mười người tiêu dùng cho hay họ sẽ lựa chọn mua hàng từ các công ty đề ra giải pháp và giải quyết các vấn đề xã hội như: chuỗi cung ứng bền vững, mức lương cho nhân viên và chất thải thực phẩm. Những điều này đang ảnh hưởng tới độ tin cậy của người tiêu dùng đối với thương hiệu và lựa chọn thương hiệu tiêu dùng.
Ăn chay
Hơn 50% người Úc cho biết rằng họ đang “ăn ít thịt đỏ hơn”. Sự gia tăng về sự sẵn có của các protein (chất đạm) thay thế, kết hợp cùng với những lợi ích về sức khỏe, môi trường và kinh tế trong việc ăn ít thịt hơn, đang thúc đẩy hệ sinh thái dựa trên thực vật.
Khỏe mạnh
Nhận thức ngày càng tăng về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe đã khiến người tiêu dùng chuyển sang ăn uống sạch để đáp ứng các mục tiêu sức khỏe của họ. Cụ thể, 40% thanh niên từ 18 đến 30 tuổi đang áp dụng chế độ ăn uống sạch. Người tiêu dùng sẽ có nhu cầu ngày càng tăng với thực phầm sống và chưa qua chế biến, tránh thực phẩm nhiều đường, chất béo hoặc chất phụ gia.
Tiện lợi
Xã hội ngày càng bận rộn và người tiêu dùng cũng đề cao sự tiện lợi khi mua thực phẩm hơn. Khi các quy trình sản xuất thực phẩm được chuẩn hóa hơn, dịch vụ thuê ngoài đang trở nên khả thi hơn. Sự phổ biến của điện thoại thông minh (smartphone) kích thích nhu cầu được đáp ứng trong thời gian thực của người tiêu dùng. Ngoài ra giá trị thời gian của khách hàng ngày càng lớn hơn chi phí cho thuê ngoài chuẩn bị thực phẩm, và người tiêu dùng sẽ tăng sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến hoặc đi ăn bên ngoài.
Thời gian cho gia đình
Nhịp sống bận rộn hiện nay khiến nhiều gia đình coi trọng thời gian bữa ăn. Ba phần tư các bậc cha mẹ ước rằng họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và họ đang sử dụng thời gian ăn tối như một cách để gắn kết lại với nhau. Đối với những người tiêu dùng này, chuẩn bị bữa ăn và ăn cùng nhau là một truyền thống gia đình ngày càng quan trọng.
Độ nổi tiếng trên Instagram
Hiện có hơn 340 triệu bài đăng trên Instagram cho #food và hơn 124 triệu cho # foodie. Người tiêu dùng đang đưa ra lựa chọn về món ăn và địa điểm ăn uống dựa trên sự những hình ảnh hấp dẫn của món ăn và chia sẻ của các “food reviewer”.
Kinh tế trải nghiệm
Hàng hóa và dịch vụ ngày càng đa dạng khiến người tiêu dùng tập trung hơn vào các trải nghiệm. Các nhà hàng thành công đang tìm cách mang đến trải nghiệm ăn uống ở nhiều khía cạnh hơn không chỉ riêng hương vị.
Ngươi thăng va kẻ thua
Các xu hướng truyền thông xã hội có khả năng thay đổi sở thích của khách hàng theo những cách cực đoan, tạo ra nhu cầu không đồng đều. Sẽ có một số doanh nghiệp ‘siêu sao’ chiếm thị phần đáng kể về nhu cầu. Nhưng những siêu sao này sẽ thoái trào theo thời gian khi người tiêu dùng chuyển sang cơn sốt thực phẩm tiếp theo.
Nguồn: Deloitte 2019
Lược dịch và hiệu đính: Bảo Châu (Babuki)
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, chiến lược kinh doanh và chuyển đổi số. Anh/ chị có thể bấm vào đây để gửi yêu cầu.
Hệ sinh thái
Hệ sinh thái thực phẩm
thực phẩm