Khi chúng ta chứng kiến những ngày cuối cùng của Yahoo với tư cách một doanh nghiệp độc lập, thật khó tưởng tượng cách đây một thập kỷ nó đã từng là đối thủ ngang tầm với Google – giờ đây là một trong những công ty lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa trên thị trường.
Sẽ thật ngớ ngẩn khi bất cứ ai tuyên bố rằng họ đã có thể dự đoán được tình trạng của hai doanh nghiệp hiện nay, nhưng chúng ta vẫn có thể học được điều gì đó từ việc kiểm tra nguyên nhân gì đã đẩy tài sản của hai công ty theo những hướng khác nhau như vậy.
Tôi bắt đầu làm việc cho Google vào năm 2003, thời điểm hai gã khổng lồ công nghệ đang cạnh tranh mạnh mẽ để thống trị thị trường đang phát triển nhanh chóng của World Wide Web. Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, nhưng một yếu tố cụ thể đặc biệt dường như có thể giải thích cho điều này là sự khác nhau trong cách tiếp cận cơ sở hạ tầng cốt lõi của Google và Yahoo.
Có lẽ quan điểm của tôi bị ảnh hưởng bởi thực tế là tôi đã làm việc cho Google, nhưng tôi vẫn tin rằng sự tương phản rõ nét của Google với Yahoo về cơ sở hạ tầng mang đến những bài học sâu sắc về xây dựng một doanh nghiệp bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ chuyển đổi nhanh chóng.
Xây dựng nhanh và xây dựng để trường tồn
Vào đầu thiên niên kỷ mới, Google và Yahoo đã bắt đầu những con đường rất khác nhau để đạt được quy mô khổng lồ đáp ứng như cầu của dung lượng thị trường và nhu cầu nền kinh tế Internet ngày càng tăng (tìm kiếm, email, bản đồ, …).
Đối với Yahoo, giải pháp này là các NetApp Filer (NetApp Filer là một thiết bị lưu trữ dữ liệu, phục vụ lưu trữ qua mạng bằng các giao thức dựa trên tệp hoặc dựa trên khối), cho phép công ty thêm không gian máy chủ với tốc độ chóng mặt. Hầu như mọi dịch vụ mà Yahoo cung cấp cuối cùng đều chạy trên các thiết bị lưu trữ được xây dựng có mục đích của NetApp, được thiết lập nhanh chóng và dễ sử dụng, giúp Yahoo nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường (và sớm trở thành khách hàng lớn nhất của NetApp).
Nhưng ở Mountain View gần đó, Google đã bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật cơ sở hạ tầng được xác định bằng phần mềm của riêng mình, cuối cùng được gọi là Google File System – một hệ thống quản lý tập tin phân tán (DFS), hoạt động như một nền tảng có thể phục vụ nhiều trường hợp sử dụng khác nhau cho tất cả các dịch vụ mà Google sẽ cung cấp như một phần của hệ sinh thái tương lai.
Thay vì sử dụng các thiết bị lưu trữ mới nhất làm nền tảng, Google File System đã sử dụng các máy chủ để hỗ trợ kiến trúc linh hoạt và đàn hồi, có thể giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng và khả năng phục hồi các vấn đề một lần, đơn giản hóa và đẩy nhanh việc triển khai trong tương lai của một loạt các ứng dụng trên nền tảng web, từ bản đồ đến lưu trữ đám mây.
Giảm sự phức tạp
Phải mất bốn năm phát triển liên tục và một lượng lớn tài nguyên kỹ thuật cho đến khi Google File System sẵn sàng được sử dụng cho các hoạt động vận hành quan trọng. Trong khi đó, Yahoo đã có thể thêm các NetApp Filer gần như ngay lập tức để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ của mình. Trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường Internet, có vẻ như Yahoo đã vượt xa về phía trước.
Tuy nhiên, cách tiếp cận thị trường nhanh chóng của Yahoo cũng bắt đầu cho thấy một số vấn đề. Khi nhu cầu tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa, những nhược điểm đối với cơ sở hạ tầng dựa trên thiết bị xuất hiện: công việc kỹ thuật dư thừa, môi trường ngày càng phức tạp và kém hiệu quả, và cuối cùng là chi phí cho nhà cung cấp. Khi Yahoo thêm một dịch vụ mới, cần phải thiết kế lại nền tảng NetApp cho trường hợp sử dụng cụ thể đó.
Do đó, các thách thức giống hệt nhau đối với các dịch vụ riêng biệt, như Yahoo Search và Yahoo Mail, phải được giải quyết nhiều lần trên các cơ sở hạ tầng khác nhau. Cơ sở hạ tầng phân mảnh cũng bộc lộ sự thiếu hiệu quả tài nguyên lớn hơn, vì mỗi trường hợp sử dụng đòi hỏi không gian máy chủ riêng biệt và sức mạnh tính toán không thể chia sẻ trên nền tảng. Trên hết, chi phí để chạy các thiết bị NetApp tăng nhanh làm giảm đáng kể doanh thu của công ty.
Mặt khác, Google đã xây dựng Google File System để dự đoán những thách thức này, do đó việc thêm các trường hợp sử dụng mới hoặc khắc phục các thách thức kiến trúc cơ bản có thể được thực hiện một cách hiệu quả. Ví dụ, sau khi mua YouTube, Google có thể chỉ cần nói, “vứt bỏ back-end của bạn và chúng tôi sẽ đưa bạn lên nền tảng của chúng tôi.” Các kỹ sư có thể thực hiện nâng cấp lên kiến trúc cơ bản một lần và giải pháp sẽ được áp dụng trên tất cả các dịch vụ của Google.
Cuối cùng, nền tảng linh hoạt cho phép chia sẻ tài nguyên và sức mạnh tính toán giữa các trường hợp sử dụng khác nhau, để khi máy chủ không bận tìm kiếm, chúng có thể được sử dụng để xử lý email. Tất cả điều này được xây dựng trên phần cứng thông dụng, và giảm chi phí theo Định luật Moore.
Khi chi phí và mức độ phức tạp của cơ sở hạ tầng cơ bản của Yahoo gắn liền với nhau, công ty đơn giản là không đủ khả năng để theo kịp tốc độ của Google trong việc phát triển và triển khai các ứng dụng lớn mới.
Tầm quan trọng của một khởi đầu mới
Đây có thể là một câu chuyện đơn giản về tầm quan trọng của kiến trúc linh hoạt, nhưng tôi tin rằng những bài học ở đây vượt ra ngoài cơ sở hạ tầng hoặc kỹ thuật ứng dụng và cung cấp cái nhìn sâu sắc về những gì cần thiết để xây dựng một doanh nghiệp bền vững. Điều này nói trực tiếp đến một trong những điều quan trọng nhất mà tôi đã học được từ thời còn ở Google: sự cần thiết phải hiểu hoàn toàn vấn đề trước khi xem xét giải pháp.
Khi bạn hình dung ra một vấn đề, hãy bắt đầu từ vạch xuất phát. Cho dù bạn là kỹ sư hay doanh nhân (hoặc cả hai), hãy chỉ hướng mắt vào các giải pháp và cách làm hiện tại, bỏ qua những gì đã làm trước đây và xây dựng giải pháp lý tưởng của bạn. Khi đã có điều đó, bạn có thể xác định những giải pháp hiện có nên được sử dụng và những gì cần được xây dựng lại.
Đây là một khía cạnh quan trọng trong sự thành công của nhiều công ty khởi nghiệp đã thay thế các doanh nghiệp cũ (xem xét quyết định bán cơ sở hạ tầng của Amazon như là một dịch vụ, đã phá vỡ thành công trước đó của Comdisco trong việc thuê ngoài cơ sở hạ tầng CNTT cho khách hàng doanh nghiệp). Nó cũng ngày càng phổ biến tại các công ty lớn hơn mà không muốn mất vị trí của mình cho đơn vị mới nổi tiếp theo (tương tự như cách Facebook đang xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình, từ kệ máy chủ đến camera).
Tất nhiên, có những lúc phương pháp “bắt đầu lại từ vạch xuất phát” có nghĩa là hy sinh sự tăng trưởng ngay lập tức để có được sự bền vững lâu dài, có thể là một viên thuốc khó nuốt, đặc biệt là trong thế giới ‘di chuyển nhanh’ của Thung lũng Silicon. Nhưng thực hiện nhanh chóng mang lại rủi ro lớn hơn dưới hình thức ngày càng phức tạp và kém hiệu quả.
Google đã xây dựng một nền tảng rộng lớn trải rộng trên toàn bộ web bằng cách tập trung vào sự đơn giản và linh hoạt, trong khi sự phức tạp của cơ sở hạ tầng của Yahoo có thể là lý do khiến nó kết thúc như một phần nhỏ của một doanh nghiệp khác.
Hãy để lại thông tin liên hệ để Babuki có thể gửi đến bạn các bài viết hay hoặc hỗ trợ tư vấn về chiến lược và quản trị.
Why Google beat Yahoo in the war for the Internet
Babuki lược dịch và hiệu đính
Google
Internet
Yahoo