Thị trường dược phẩm, y tế Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2021, cũng như duy trì triển vọng hấp dẫn trong dài hạn.
Kết quả kinh doanh dược phẩm năm 2020 có sự phân hóa
Đầu năm 2020, nhóm doanh nghiệp ngành dược phẩm, y tế được kỳ vọng hưởng lợi từ sự bùng phát của Covid-19, khiến nhu cầu về dược phẩm, vật tư y tế gia tăng. Kết quả thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã có mức tăng trưởng tốt.
-
CTCP Dược Hậu Giang (DHG): lợi nhuận sau thuế đạt 738,5 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019, mức tăng trưởng tốt nhất trong vòng 4 năm.
-
CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP): lợi nhuận trước thuế tăng 26,2% so với năm 2019, đạt 255,4 tỷ đồng.
-
Lợi nhuận tăng trưởng cũng là kết quả ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Dược -Trang thiết bị Y tế Bình Định (BDP), CTCP Dược phẩm Traphaco (TRA)…
-
Trong mảng dụng cụ y tế, Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) là cái tên nổi bật, với doanh thu đạt 701 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng 262%.
Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
-
CTCP Xuất nhập khẩu Y tế (DOMESCO-DMC): doanh thu thuần trong năm 2020 tăng 5,6% so với năm 2019, đạt 443,5 tỷ đồng, nhưng các chi phí tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận sau thuế cả năm giảm 22,6% so với năm 2019, chỉ đạt 180,1 tỷ đồng.
-
Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm – DVN): lợi nhuận cả năm 2020 giảm 6,4% so với 2019.
-
CTCP Dược Bến Tre (DBT): mức giảm lợi nhuận lên đến gần 50%.
-
CTCP Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar-LDP): báo lỗ 4,9 tỷ đồng.
Đánh giá môi trường kinh doanh năm 2020, CTCP Chứng khoán SSI nhận định, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và kiểm soát chặt chẽ việc đến bệnh viện đã làm gián đoạn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khiến nhiều doanh nghiệp dược phẩm sụt giảm doanh thu trên cả kênh ETC (kênh bệnh viện, thuốc kê đơn) và kênh OTC (kênh nhà thuốc, thuốc không kê đơn).
-
Trên kênh ETC, lo ngại lây nhiễm dịch bệnh và quy trình thăm khám bệnh viện nghiêm ngặt trong mùa dịch đã hạn chế số lượng bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe định kỳ, với số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc trong 3 quý đầu năm giảm 10 – 15% so với cùng kỳ năm 2019.
-
Dịch bệnh còn gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu dược phẩm chính do có tới 70% nguồn nguyên liệu này phải nhập khẩu. Giá nguyên liệu dược phẩm thiếu và tăng giá khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành tăng lên, song nhiều sản phẩm không thể tăng giá bán đầu ra, nên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dư địa tăng trưởng vẫn sáng
-
Nhu cầu với các loại trang thiết bị y tế, các dụng cụ bảo hộ phòng dịch và các dòng thuốc tăng cường sức đề kháng vẫn được dự báo tiếp tục ở mức cao trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
-
Về triển vọng dài hạn, ngành dược phẩm, y tế cũng được đánh giá là hấp dẫn nhờ thị trường nội địa lớn, xu hướng già hóa và thu nhập tăng kéo theo nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng tăng.
-
Nguồn cung nguyên liệu đã phục hồi từ cuối quý I/2020 và không còn là một rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm.
-
Ở mảng sản xuất, tiến độ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau khi cả việc di chuyển của các chuyên gia tới Việt Nam và việc xét duyệt tiêu chuẩn từ xa được cho phép.
-
Đối với kênh đấu thầu thuốc, tỷ lệ cung ứng của doanh nghiệp nội địa chỉ là 6% đối với nhóm 1; 15% ở nhóm 2 và 3% ở nhóm 3.
-
Việt Nam đang có nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất trong nước.
Tuy vậy, triển vọng với từng doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa mạnh, trong đó, lợi thế chỉ thuộc về các doanh nghiệp lớn, đã và đang đầu tư các nhà máy hiện đại, đáp ứng được tiêu chuẩn cao về sản xuất thuốc. Để hiện đại hóa, không ít doanh nghiệp chủ trương hợp tác với đối tác nước ngoài. Thị trường dược phẩm Việt Nam đã và đang chứng kiến xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) của nhiều tập đoàn nước ngoài với các doanh nghiệp nội địa.
-
CFR International SPA đã nâng sở hữu tại Domesco lên 51% vốn vào năm 2016 (sau đó chuyển nhượng cho Abbott Laboratories).
-
Taisho Pharmaceutial nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên mức chi phối vào đầu năm 2019.
-
Trong năm 2020, Stada Service Holding B.V và tổ chức liên quan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Pymepharco lên hơn 98%…
Sự tham gia của các “ông lớn” nước ngoài đã giúp các doanh nghiệp thực hiện M&A tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó gia tăng thị phần, trong khi các doanh nghiệp nội địa quy mô nhỏ, yếu kém hơn về năng lực sản xuất, tài chính, công nghệ sẽ đối diện áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, thậm chí đứng trước nguy cơ bị đào thải, nếu không sớm thay đổi, tìm ra lời giải cho bài toán kinh doanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
dược phẩm
phân tích thị trường