Mô hình Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) khá nổi tiếng và phổ biến ở các startup vùng thung lũng Silicon, nhưng không hẳn thật sự phù hợp với tất cả loại hình doanh nghiệp. Kế hoạch kinh doanh tinh gọn (Lean Planning) là sự kết hợp hài hòa giữa mô hình khởi nghiệp tinh gọn và các yếu tố của kế hoạch kinh doanh truyền thống.
Khi nghĩ đến Kế hoạch kinh doanh, các công ty nghĩ rằng, họ chỉ có 2 lựa chọn:
- Theo cách truyền thống, tạo ra “mô hình tĩnh”, một lần mà không bao giờ thay đổi hoặc xem lại
- Áp dụng cách tiếp cận “khởi nghiệp tinh gọn” của Thung lũng Silicon – Lean Startup – mô hình hoạt động thực sự hiệu quả cho các startup công nghệ cao ở giai đoạn đầu, được tài trợ vốn bởi các nhà đầu tư.
Mô hình khởi nghiệp tinh gọn – Chiếc áo không vừa cho tất cả
Khởi nghiệp tinh gọn khởi động bằng cách tập trung vào các vòng lặp và tạo ra các sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) để thử nghiệm với khách hàng thực và sau đó nhanh chóng điều chỉnh rồi tung ra các sản phẩm / công nghệ mới. Startup trong lĩnh vực công nghệ có thể nhanh chóng tìm hiểu xem sản phẩm của mình có gây được tiếng vang với khách hàng mục tiêu hay không và điều chỉnh / phát triển lại sản phẩm dựa trên phản hồi của thị trường. Về cơ bản, đây là cách thức một công ty tạo ra giá trị cho bản thân và khách hàng.
Phương pháp này đã đạt sức hút rất lớn vì nhiều người muốn như các startup ở Thung lũng Silicon và nghĩ rằng phù hợp với các startup tức là phù hợp với họ.
Thực tế, đối với các doanh nhân bên ngoài Thung lũng Silicon, phương pháp khởi nghiệp tinh gọn không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bởi vì không phải công ty nào cũng có thể nhanh chóng lặp lại và tạo một ứng dụng hoặc dịch vụ trực tuyến để thử nghiệm với khách hàng. Làm cách nào để bạn tạo MVP khi bạn đang mở một nhà hàng? Hoặc nếu bạn đang cố gắng phát triển kinh doanh từ mô hình truyền thống của gia đình? Những loại công ty này chỉ đơn giản là không có cấu trúc hoặc loại sản phẩm phù hợp với MVP và phương pháp luận Khởi nghiệp tinh gọn. Nhưng những doanh nghiệp nhỏ này vẫn cần đặt ra các mục tiêu và lập một kế hoạch kinh doanh đơn giản nhưng đầy đủ để giúp họ đi đúng hướng và giúp họ hiểu được ý nghĩa tiền mặt của việc bắt đầu và phát triển một doanh nghiệp.
Một khi tìm ra vấn đề từ mô hình này, bạn vẫn cần dự báo và ngân sách thực tế, dự kiến dòng tiền, vạch ra các mốc quan trọng để thực hiện chiến lược. Điều đó đồng nghĩa bạn sẽ cần lập một kế hoạch kinh doanh (Business plan)
Kế hoạch kinh doanh tinh gọn – Lean Planning và những điều cần lưu ý
Kế hoạch kinh doanh tinh gọn thực sự rất hữu ích cho nhiều doanh nghiệp hiện nay, nhưng cũng là cái bẫy nếu chúng ta không sử dụng đúng cách, bởi:
- Ngoài những lợi ích giúp doanh nghiệp làm rõ hơn về kinh doanh của công ty, ở góc nhìn khác, kế hoạch kinh doanh tinh gọn không làm công ty thu hút với các nhà đầu tư khi họ cần những kế hoạch lâu dài hay rõ ràng về tài chính.
- Tuy mang nhiều lợi thế, kế hoạch kinh doanh tin gọn không phải là một thứ dùng vô thời hạn. Sẽ có rất nhiều thông tin trong mô hình đầu tiên cần phải sửa đổi liên tục dựa trên những dữ liệu thu thập được từ hoạt động của công ty trên thị trường hay phản hồi của khách hàng. Hãy bắt đầu bằng việc tìm mô hình kinh doanh phù hợp nhất và phát triển kế hoạch hoạt động và dự báo tài chính dựa trên đó.
Vì vậy, dù bạn đang khởi nghiệp, sẵn sàng bắt đầu với Khởi nghiệp tinh gọn hay doanh nghiệp nhỏ muốn tăng trưởng và hoạt động hiệu quả, mỗi doanh nghiệp có thể thực hiện KẾ HOẠCH KINH DOANH TINH GỌN (Lean Planning)
LEAN PLANNING = LEAN STARTUP MODEL + BUSINESS PLAN
Kế hoạch kinh doanh tinh gọn bảo tồn các yếu tố lập kế hoạch thiết yếu có trong các kế hoạch kinh doanh truyền thống, đồng thời cung cấp sự nhanh nhẹn và linh hoạt cần thiết cho cách tiếp cận khởi nghiệp tinh gọn.
Các thành phần chính của Kế hoạch kinh doanh Tinh gọn bao gồm:
- Tóm tắt điều hành (Executive Summary) – Tổng quan về câu chuyện công ty của bạn với biểu đồ và hình ảnh
- Kế hoạch tài chính (Financial Plan) – Bao gồm: ngân sách chi tiêu, dự báo bán hàng, dự báo dòng tiền, bảng cân đối kế toán và các tài liệu kế hoạch tài chính quan trọng khác
- Kế hoạch hành động (Action Plan) – Lịch trình các mốc quan trọng và trách nhiệm giải trình cho việc hoàn thành các nhiệm vụ hoặc hoạt động quan trọng
- Theo dõi hiệu suất (Performance Tracking) – So sánh kết quả tài chính thực tế với các chỉ số dự báo
Lập kế hoạch kinh doanh tinh gọn giải quyết các khía cạnh tài chính và kinh doanh cơ bản mà hầu hết startup cần xem xét. Tuy nhiên, các thành phần này chỉ là một phần của phương pháp lập kế hoạch kinh doanh tinh gọn – phần khác liên quan đến chính quy trình thực hiện.
Cách thức hoạt động của quy trình lập Kế hoạch kinh doanh tinh gọn
Không giống như các kế hoạch kinh doanh truyền thống, các kế hoạch kinh doanh tinh gọn là linh hoạt và được thiết kế để liên tục thích ứng với nhu cầu của thị trường. Quá trình này xoay quanh các chỉ số tài chính và thường tuân theo cách tiếp cận 03 bước:
1/ Dự báo
Dự báo thiết lập các số liệu chính thúc đẩy quá trình lập kế hoạch kinh doanh tinh gọn.
Trong giai đoạn đầu này, bạn cần phải xem xét cẩn thận giá vốn hàng bán, tỷ suất lợi nhuận gộp, chi phí tiếp thị và các biến số khác ảnh hưởng đến thành công của công ty bạn. Sau khi xác định chính xác các biến này, bạn có thể bắt đầu đặt mục tiêu dự báo cho các chỉ số tài chính và kinh doanh chính.
Dự báo cũng giúp bạn hiểu phần quan trọng nhất của sức khỏe tài chính của doanh nghiệp: tiền mặt. Bạn cần hiểu những động lực đằng sau việc giữ tiền mặt trong ngân hàng đảm bảo rằng bạn có đủ số vốn nhất định cho phép bạn phát triển doanh nghiệp của mình với lộ trình dài – cho dù thông qua các nhà đầu tư, hạn mức tín dụng hay khoản vay cơ bản.
2/ Đánh giá hàng tháng
Các cuộc họp đánh giá hàng tháng cho phép bạn đánh giá và phân tích sự khác biệt giữa kết quả theo kế hoạch và kết quả kinh doanh thực tế. Khía cạnh quan trọng nhất của giai đoạn này của quy trình là xác định lý do tại sao các kế hoạch và dự báo của bạn không thành công.
Trong một số trường hợp, dự báo của bạn có thể dựa trên những giả định không chính xác, trong khi những trường hợp khác, bạn có thể phát hiện ra rằng các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Trong khoảng thời gian vài tháng, các xu hướng sẽ xuất hiện để hướng dẫn các bước tiếp theo của doanh nghiệp bạn.
3/ Điều chỉnh hàng quý
Cứ ba hoặc bốn tháng, bạn thực hiện những điều chỉnh nhỏ để giải quyết sự khác biệt giữa kế hoạch của bạn và kết quả kinh doanh thực tế. Tận dụng thông tin chi tiết thu thập được từ các đánh giá hàng tháng, bạn có thể nhanh chóng thực hiện các thay đổi đối với sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh của mình.
Lập kế hoạch kinh doanh tinh gọn cung cấp một kế hoạch có cấu trúc đảm bảo dòng tiền và tài chính vững chắc, đồng thời cung cấp cho bạn thông tin cần thiết để nhanh chóng điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình với kết quả thực tế – mang lại cho startup của bạn sự linh hoạt và nhanh nhẹn cần thiết để phát triển trong thị trường cạnh tranh cao hiện nay.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: inc.com
Babuki tổng hợp và hiệu đính
Kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch tinh gọn