Trong bối cảnh Covid – 19 khiến nhiều ngành bị ảnh hưởng lớn (du lịch, nhà hàng, khách sạn, hàng không,…) thì ngành Y tế nói chung và ngành Dược phẩm nói riêng không những ít bị ảnh hưởng mà còn có thêm những cơ hội nhất định trong và sau giai đoạn này.
Ngày 23/09 vừa qua, hội thảo “Xu hướng chuyển dịch mô hình thương mại hóa trong lĩnh vực dược phẩm” đã được Công ty Cổ phần Babuki và các đơn vị đồng hành tổ chức với sự tham gia của hơn 150 nhân sự đến từ các công ty, đơn vị đang kinh doanh trong lĩnh vực Dược phẩm, thực phẩm chức năng. Hội thảo đã nhận được nhiều chia sẻ có giá trị từ các chuyên gia, nhân sự điều hành startup trong lĩnh vực này.
Hội thảo “Xu hướng chuyển dịch mô hình thương mại hóa trong lĩnh vực dược phẩm”
quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong linh vực dược
Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường BMI, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt quy mô 7,1 tỷ USD vào năm 2020, với mức tăng trưởng 10% trong giai đoạn 2017-2020. Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 50 USD/người/năm vào năm 2020 với mức tăng trưởng 14%/năm.
Về bán lẻ, cơ hội đến từ sự gia tăng mạnh số lượng các chuỗi dược phẩm gần đây, như Pharmacity, FPT Long Châu, Trung Sơn, Phano,… và sự gia nhập thị trường của Chuỗi dược mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi lớn nhất Nhật Bản trong năm 2020 này. Mặt khác, khảo sát của Google cho thấy lượng người dùng Việt Nam tìm kiếm mua hàng trực tuyến tăng hơn 40% vì ảnh hưởng của dịch. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và có thể là “kim chỉ nam” cho các chiến lược thương mại hóa ở tất cả các ngành, trong đó có lĩnh vực Dược phẩm trong thời gian tới đây.
Vậy làm sao nắm bắt được xu hướng chuyển dịch của ngành Dược phẩm, nhất là xu hướng chuyển dịch của Mô hình thương mại hóa sản phẩm trong lĩnh vực này?
Anh Vương Vũ, đồng sáng lập, Giám đốc thương mại của startup Thuocsi.vn cho biết, cần cách mạng hóa phân phối dược phẩm bằng áp dụng công nghệ. Trên thực tế, chưa có kênh phân phối đa thương hiệu nào đủ lớn tại Việt Nam trong ngành dược. Hầu hết các thương hiệu thuốc đều sở hữu kênh phân phối riêng, nên nguồn cung cho các nhà thuốc rất phân tán. Sự phân mảnh là lý do thuocsi.vn ra đời. Sau 2 năm phát triển, đến nay, thuocsi.vn đã có trên 6.000 nhà thuốc ở 63 tỉnh thành thường xuyên sử dụng trong số 24.000 tài khoản đăng ký và 200 nhà sản xuất, đơn vị phân phối trong hệ thống, cung cấp trên 8.000 sản phẩm, từ thuốc đến thực phẩm chức năng, sản phẩm y tế. Bên cạnh giải pháp phân phối, thuocsi.vn cũng cung cấp các giải pháp hỗ trợ các nhà sản xuất trong việc thương mại hóa sản phẩm: đặt banner quảng cáo, email marketing, mua sản phẩm tặng quà, tạo mã giảm giá,… để tạo sự thu hút cũng như góp phần tăng trưởng doanh thu cho các nhãn hàng.
Theo Vũ, lợi thế của các nhà thuốc nhỏ là gần, có tâm huyết và kinh nghiệm hơn dược sĩ ở chuỗi. Tuy nhiên, hạn chế của đa số các nhà thuốc nhỏ, lẻ là ít sử dụng phần mềm và chất lượng dịch vụ. Để có thể cạnh tranh tốt hơn thì đây là một trong những khía cạnh cần được cải thiện.
Diễn giả Nguyễn Quỳnh Dương, nhà sáng lập, Tổng giám đốc của nền tảng Nhanh.vn chia sẻ về cách thức Xây dựng bộ máy bán hàng online ngành Dược phẩm, Mỹ phẩm, Thực phẩm chức năng. Thông qua nền tảng Nhanh.vn, các hoạt động bán hàng đa kênh trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN trở nên dễ dàng, minh bạch hơn. Chị cũng chia sẻ thêm: trong quá trình xây dựng kênh bán hàng online thì cần một số lưu ý. Một là: lựa chọn kênh bán phải phù hợp vì hiện tại có quá nhiều kênh. Xây dựng website thì cần tối ưu trải nghiệm người dùng (đơn giản hóa UX / UI dễ sử dụng), fanpage phải có đủ độ tin tưởng. Hai là: bộ máy bán hàng đa kênh thì từ quản lý điểm bán, quản lý vận hành tới cổng vận chuyển thì tất cả các bước cần đồng bộ hóa với nhau để tối ưu hóa về hoạt động và vận hành. Ba là: nên cần thực sự biết kênh nào mang lại lợi nhuận cho mình, cần phải đo lường được tỷ lệ thành công, phân tích / phân loại khách hàng cũng như lập bảng danh sách chu kỳ khách hàng (số liệu khách hàng quay lại sử dụng).
Về xu hướng chuyển dịch mô hình trong Dược phẩm, chị Nguyễn Trần Bích Ngọc, đồng sáng lập, giám đốc điều hành của startup Ecom Easy Asia cho rằng Online là cách thức triển khai và thẩm định sản phẩm nhanh. Tuy nhiên, các nhãn hàng sẽ cần theo sát và phản ứng nhanh nhạy với sự thay đổi của thị trường. Kinh doanh trên các sàn Thương mại điện tử là cơ hội tiềm năng cho đa số sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trước xu hướng tỷ lệ khách hàng mua sắm online ngày càng tăng nhất là trong và sau giai đoạn dịch Covid.
Ecom Easy là nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử năng động cho các thương hiệu tiêu dùng tại Việt Nam, hỗ trợ các thương hiệu đưa hàng hóa lên sàn TMĐT hàng đầu như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo. Chị cũng chia sẻ thêm thông tin thêm về kinh doanh trên sàn TMĐT Lazada: thất thoát 13% (do hủy hàng, giao chậm,…); những nhóm sản phẩm với số lượng sản phẩm nhiều nhất là trị mụn, kem chống nắng; những hàng bán được đều đều là dầu gội, sữa tắm…
Bên cạnh đó, hội thảo cũng có nhiều chủ đề có giá trị với ngành dược như việc hiểu tâm lý khách hàng, chất lượng dịch vụ trong thời đại số….
Cùng với sự tăng trưởng của thị trường và sự phát triển của công nghệ, các thương hiệu tham gia vào ngành dược đang có sự vận động nhanh chóng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Hội thảo “Xu hướng chuyển dịch mô hình thương mại hóa trong lĩnh vực dược phẩm” hi vọng góp phần chia sẻ kiến thức, kết nối các nguồn lực doanh nghiệp, từ đó tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các đơn vị hoạt động trong ngành.
dược phẩm