Grab đã khởi động bữa tiệc IPO ở Đông Nam Á vào ngày 2/12/2021. Mặc dù việc niêm yết đạt kết quả thấp hơn kỳ vọng, thành tích của Grab vẫn có thể truyền cảm hứng cho những công ty khác đang hi vọng IPO trong khu vực, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam.
Báo cáo Internet mới nhất từ Asia Partners cho thấy một nửa trong số 39 kỳ lân hiện tại ở Đông Nam Á có thể ra mắt công chúng trong thập kỷ tới. Sau Grab và GoTo, các công ty khởi nghiệp như Carousell, Carsome, Carro, Ninja Van có thể sẽ là những cái tên sẽ niêm yết tiếp theo.
Khi nào các công ty công nghệ Việt Nam sẽ tham gia bữa tiệc IPO ở Đông Nam Á?
Điều đáng chú ý là vào năm 2014 – khi Grab vẫn còn là công ty khởi nghiệp được 2 năm có tên MyTeksi tại Malaysia – thì VNG và Garena là hai kỳ lân duy nhất ở Đông Nam Á.
Cuộc hành trình của họ không thể khác hơn. Công ty mẹ của Garena, Sea Group, đã trở thành một tập đoàn khổng lồ được niêm yết tại New York với giá trị thị trường là 140 tỷ USD. Shopee, chi nhánh thương mại điện tử của Sea Group, đang tích cực phát triển đế chế của mình trên khắp Ấn Độ, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh.
Trong khi đó, các nỗ lực toàn cầu của VNG vẫn còn tương đối non trẻ. Bloomberg đã đưa tin rằng VNG đang tìm cách huy động tới 300 triệu USD trước khi niêm yết ở Mỹ. Vào năm 2017, công ty đã ký một biên bản ghi nhớ với Nasdaq để IPO nhưng màn ra mắt thị trường chứng khoán nước ngoài được nhiều người mong đợi này vẫn chưa thành hiện thực.
Trước câu hỏi của Tech in Asia, đại diện của VNG từ chối tiết lộ chi tiết về kế hoạch niêm yết.
Điểm nóng nhưng chưa có IPO tại Đông Nam Á
Vào năm 2020, Tech in Asia đã chỉ ra rằng so với Indonesia, hệ sinh thái đang phát triển của Việt Nam có ít công ty khởi nghiệp huy động vốn vòng Series A và các vòng sau đó hơn.
Kể từ đó, bức tranh đã thay đổi đáng kể.
Trong nửa đầu năm 2021, tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng vọt lên 1,3 tỷ USD, theo báo cáo mới nhất SEA e-Conomy do Google thực hiện.
Dữ liệu được theo dõi bởi Tech in Asia cũng cho thấy rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã bắt đầu trưởng thành, với lượng vốn đầu tư ở các vòng series B đến C và xa hơn nữa tăng lên đáng kể vào năm 2021.
Những cái tên đáng chú ý
Cho đến giờ, chỉ có công ty thương mại điện tử lớn Tiki tuyên bố ý định khai thác thị trường đại chúng ở nước ngoài trước năm 2025.
Kế hoạch của Tiki rất có ý nghĩa vì giá trị của Tiki đã đạt 850 triệu USD sau vòng series E. Trong khi đó, định giá của MoMo được cho là đã vượt quá 2 tỷ USD vì ứng dụng thanh toán này đã nhận được khoản đầu tư 200 triệu USD trong vòng series E do Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản dẫn đầu. Momo cho biết họ không vội vàng trong việc IPO tại thị trường quốc tế và “kế hoạch IPO sẽ được xem xét trong khoảng vài năm tới”.
Nhưng ngoài hai công ty điện tử này và các kỳ lân hiện có (VNG, VNLife, Sky Mavis), Việt Nam hiện không có nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị cao. Một báo cáo của Cento Ventures cho thấy có một số công ty tại Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD, chẳng hạn như công ty edtech Topica, Batdongsan (thuộc sở hữu của PropertyGuru) hoặc Misa (sản xuất phần mềm kế toán).
Trong số những ngôi sao công nghệ này, Sky Mavis, chủ sở hữu của trò chơi phổ biến toàn cầu dựa trên blockchain Axie Infinity, là một ngoại lệ. Công ty khởi nghiệp 3 năm tuổi này, được coi là kỳ lân của Việt Nam, không được thành lập trong nước và hầu hết người dùng của họ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài
Nhìn chung, “chúng ta vẫn đang ở giai đoạn khá sớm trong chu kỳ công nghệ tại Việt Nam”, ông Olivier Raussin, Managing Partner tại FEBE Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. “Các công ty ở Việt Nam được cấp vốn tư nhân rất tốt và không có nhu cầu cấp bách về việc IPO ngay bây giờ”.
Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi Joel Shen, một đối tác của công ty luật Withers, người cũng lãnh đạo nhóm công nghệ của Withers ở châu Á. Ông lưu ý rằng Đông Nam Á đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ mua bán và sáp nhập đầu tiên ngay khi các công ty công nghệ trưởng thành nhất trong khu vực như Grab niêm yết trên sàn chứng khoán.
Do đó, còn quá sớm để những startup Việt Nam đang kì vọng IPO có thể tham gia vào cuộc đua ra mắt công chúng. Shen nói: “Việt Nam có lẽ vẫn đang ở phía sau… Đừng hiểu sai ý tôi – thị trường này đang rất sôi động. Việt Nam cũng giống như Indonesia vào năm 2015 hoặc 2016”.
Các quy định là trở ngại
Công ty luật Freshfields của Vương quốc Anh lưu ý trong bài viết “Vietnam Spotlight – Offshore IPOs” (“Điểm sáng Việt Nam – IPO tại nước ngoài”) rằng “việc một công ty Việt Nam với các nhà sáng lập người Việt và có nguồn gốc từ Việt Nam IPO ra nước ngoài sẽ viết nên một chương mới đầy thú vị cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994, Freshfields nhấn mạnh rằng các công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài “chủ yếu thuộc sở hữu nước ngoài trước khi niêm yết và / hoặc hoạt động ở các thị trường khác”. Họ cũng lưu ý rằng “các công ty niêm yết này thường được thành lập ở nước ngoài”.
Một ví dụ gần đây là Society Pass được thành lập tại Mỹ, họ tuyên bố là công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết bên ngoài thị trường nội địa. Công ty đã mất gần 90% giá trị cổ phiếu trong tháng 11/2021.
Trong năm 2021, Việt Nam đã chứng kiến một số tập đoàn công bố kế hoạch niêm yết ra nước ngoài như VinFast (đơn vị sản xuất ô tô của VinGroup) và The CrownX (nền tảng bán lẻ của Masan Group).
Quay trở về về năm 2017, phát biểu với Bloomberg, Vietjet Air cho biết hãng muốn trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết ở nước ngoài. Điều đó vẫn chưa xảy ra và với đại dịch Covid-19, mục tiêu của hãng hàng không giá rẻ này có thể là một giấc mơ xa vời.
Bỏ qua vấn đề thời gian, các quy định là yếu tố chính trong cuộc chạy đua để cổ phiếu ra mắt công chúng, ngay cả đối với các tập đoàn lớn. Ví dụ, các cổ đông nước ngoài bị cấm sở hữu trên 50% công ty trong một số lĩnh vực nhất định tại Việt Nam. Tổ chức niêm yết phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận cho phép niêm yết ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu một pháp nhân không phải của Việt Nam được niêm yết thì sẽ không chịu sự chi phối của các quy định này.
Vào tháng 5, Tiki đã thành lập Tiki Global, một công ty cổ phần có trụ sở tại Singapore, sở hữu hơn 90% hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Thành lập pháp nhân tại Singapore cũng là cách tiếp cận của Grab, công ty ban đầu có trụ sở tại Malaysia. Nhưng khác với siêu ứng dụng đã có chỗ đứng trong khu vực, Tiki chỉ hoạt động tại Việt Nam và vẫn đặt trụ sở chính trong nước.
Ngay cả khi đó, toàn bộ quy trình thực hiện niêm yết vẫn là “một công việc rất phức tạp”, Chris Milliken, một luật sư chuyên về M&A tại văn phòng Freshfields Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. “Nếu quyết định niêm yết một công ty không phải là công ty Việt Nam, bạn phải cân nhắc việc sẽ đưa công ty Việt Nam vào bộ máy đó ra sao”.
Một trong những điều phức tạp là các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị giới hạn tỷ lệ sở hữu bởi cá nhân hay tổ chức nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định, Milliken cho biết thêm.
Về việc niêm yết trong nước, ông giải thích rằng hiện tại hầu hết các công ty công nghệ ở Việt Nam đều không thể ra mắt thị trường chứng khoán trong nước. Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 của Việt Nam yêu cầu các công ty phải có lãi trong ít nhất hai năm và không có lỗ lũy kế tại thời điểm niêm yết, đây là một thách thức lớn đối với hầu hết các công ty công nghệ tiêu dùng, thậm chí trên toàn thế giới.
Trong hơn 15 năm qua, chỉ có 3 công ty công nghệ trong nước lần đầu ra mắt thị trường chứng khoán: FPT (công nghệ thông tin, niêm yết năm 2006), Yeah1 Group (mạng truyền thông, 2018) và Clever Group (quảng cáo, 2020).
Lên sàn chứng khoán có phải là tất cả?
Vinnie Lauria, Founding Partner tại Golden Gate Ventures, cho biết: “Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của sự bùng nổ được mong đợi… Đây là thị trường mà các nhà đầu tư sẽ không thể bỏ qua trong vài năm tới”.
Golden Gate Ventures, với mục tiêu huy động 120 triệu USD cho quỹ thứ 4 của họ, đã tập trung vào Việt Nam từ giữa những năm 2010. Trong báo cáo “SEA Exit Landscape 2.0”, quỹ này dự báo sẽ có tổng cộng 468 vụ exit từ năm 2020 đến 2022 trên toàn khu vực, với khoảng 80% được thúc đẩy bởi hoạt động mua bán và sáp nhập, 15% do bán lại cổ phần và chỉ khoảng 5% bởi các đợt IPO.
Sự sụt giá hiện tại của Grab trên sàn Nasdaq có thể là lời cảnh tỉnh cho những hy vọng IPO khác. Các chuyên gia trong ngành cho biết, chào bán ra công chúng không nên được coi là điểm đến cuối cùng và đó chắc chắn không phải là lộ trình mà tất cả các công ty phải thực hiện.
Tuy nhiên, Lauria vẫn lạc quan rằng dòng vốn đầu tư VC đến Việt Nam hiện tại có thể tạo tiền đề cho “một nhóm các công ty Việt Nam có tiềm năng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán”.
Nhưng các công ty Việt Nam đang kì vọng vào IPO có thể đem lại câu chuyện gì cho các nhà đầu tư toàn cầu? VNG, Tiki và MoMo chủ yếu phục vụ thị trường trong nước – một chiến lược mà Asia Partners gọi là “chỉ dành cho Việt Nam”.
Joel Shen từ công ty luật Withers nói: “Bạn không cần phải có một doanh nghiệp quốc tế để niêm yết công khai nhưng phải có một câu chuyện”.
Ví dụ, GoTo – tổ chức hợp nhất của các công ty khởi nghiệp ở Indonesia là Gojek và Tokopedia – đã không thực sự phát triển ở nước ngoài. Tokopedia rõ ràng chỉ dành cho Indonesia và Gojek cũng không dẫn đầu ở bất kỳ thị trường nước ngoài nào của mình. Tuy nhiên, GoTo đã huy động được 1,3 tỷ USD trong vòng tiền IPO.
GoTo đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho một thế hệ doanh nhân Indonesia và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý địa phương. Tháng 12/2021, Indonesia đã công bố sửa đổi các quy tắc, cho phép phát hành nhiều cổ phiếu có quyền biểu quyết, trải thảm đỏ cho GoTo ra thị trường đại chúng. Malaysia gần đây cũng đã sửa đổi khung pháp lý về SPAC của mình để “tạo điều kiện tiếp cận nhiều hơn với hoạt động gọi vốn đầu tư” trong nước.
“Nếu đó là điều mà Việt Nam muốn khuyến khích, họ sẽ phải suy nghĩ về việc liệu các quy tắc về IPO có cần được thay đổi hay không… Tuy nhiên, các công ty công nghệ lớn nhất có thể vẫn muốn vươn ra nước ngoài vì đó là thị trường lớn nhất”, Milliken từ Freshfields chia sẻ.
Nhưng việc niêm yết tại nước ngoài không đem lại toàn điều tích cực. Hãy nhìn vào số lượng bài viết tiêu cực về giá cổ phiếu đang giảm của Grab. Định giá hiện tại của Grab là khoảng 26,7 tỷ USD, giảm sâu so với mức ban đầu gần 40 tỷ USD.
Trong khi các công ty công nghệ Việt Nam thu hút các nhà đầu tư tên tuổi như SoftBank, Goldman Sachs, Warburg Pincus, Goodwater Capital, họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn và áp lực phải tạo ra kết quả theo quý nếu họ niêm yết.
Ông Nam Lê, một cố vấn của Touchstone Partners, quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á tập trung vào Việt Nam, cho biết: “Rủi ro trở thành một trong số những người đầu tiên là điều dễ gây nản lòng”.
“Nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập từ nhiều năm trước không có cấu trúc dễ dàng nhất để niêm yết ở nước ngoài. Thế hệ công ty khởi nghiệp tiếp theo có thể cởi mở hơn với [một] đợt IPO ra nước ngoài, nhưng cần có thời gian để tăng quy mô”.
Theo TechinAsia & VnExpress
Babuki tổng hợp, biên dịch & hiệu đính
đầu tư
gọi vốn
IPO
khởi nghiệp
startup