Sau các đợt giãn cách, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi nhờ những nguyên tắc cơ bản của thị trường.
Bên cạnh những “tín hiệu” tích cực, các doanh nghiệp đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi quay trở lại hoạt động kinh doanh. Một số rào cản có thể kể đến như yêu cầu phải test nhanh, chứng nhận ngừa covid và một số điều khoản chưa rõ ràng khác. Tuy nhiên, khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập và các quy định trở nên rõ ràng hơn, các doanh nghiệp sẽ sớm thích nghi được với tình hình này.
Dưới đây là một số đánh giá tổng quan về cơ hội, thách thức và triển vọng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam khi chính sách mở cửa trở lại.
Những thách thức kinh doanh sau đợt dịch thứ tư
Có thể nói, sức ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch thứ tư thực sự tàn bạo đối với các doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn. Không chỉ các tổ chức lớn mà một số doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân cũng bị giảm thu nhập do không được phép ra ngoài trừ trường hợp khẩn cấp.
Đóng cửa nhà máy và gián đoạn chuỗi cung ứng
Để tiếp tục hoạt động, hầu hết các nhà máy và nhà sản xuất đều phải thực hiện chính sách “ba tại chỗ”, nghĩa là công nhân ăn, ngủ và làm việc tại công ty, hoặc chính sách một tuyến hai điểm đến, nơi công nhân được đưa đón từ nơi cư trú của họ hoặc ký túc xá bằng xe của công ty đến công trình. Tuy nhiên, chính sách này gặp nhiều phản hồi không tốt từ phía các doanh nghiệp do thời gian thông báo khá gấp, công nhân viên khó có thể sắp xếp sinh hoạt ngay tức thời. Hơn nữa, quy định sinh hoạt tại chỗ làm việc cũng góp phần làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Chưa kể trong thời gian lưu trú tại doanh nghiệp, công nhân viên nhiễm bệnh có nguy cơ lây lan theo tập thể, buộc công ty phải dừng hoạt động.
Hậu quả từ việc nhà máy đóng cửa, công ty may mặc Everlane cho biết họ phải đối mặt với sự chậm trễ từ 4 đến 8 tuần. Hãng Nike thông báo cắt giảm dự báo doanh thu với lý do thời gian sản xuất tại các nhà máy Việt Nam bị hoãn đến 10 tuần. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các doanh nghiệp tại thị trường như Mỹ và châu Âu do phải đối mặt với nhu cầu về sản phẩm tăng lên trong kỳ nghỉ lễ cận kề. Chưa kể, hợp đồng sản xuất ở Việt Nam chiếm đến 51% tổng sản phẩm của thương hiệu Nike năm 2020. Tình trạng hàng hóa tồn kho kéo dài cộng thêm chính sách nghiêm ngặt đối với tài xế xe tải và nhân viên khiến cho hàng hóa bị kẹt tại cảng, nhà máy và nhà kho ngày một nhiều.
Những dẫn chứng trên đây đã phần nào cho thấy các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự chậm trễ trong quá trình lưu thông hàng hóa. Theo dự báo, có thể mất thêm từ 6 tháng cho đến 1 năm nữa các nhà máy mới có thể quay lại hoạt động bình thường. Ngay cả “ông lớn” Apple cũng phải tuyên bố rằng thời gian giao hàng của những chiếc iPhone mới có thể chậm hơn dự kiến do việc đóng cửa nhà máy ở Việt Nam.
Các nhà sản xuất suy nghĩ lại về việc sản xuất và đa dạng hóa
Từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam trở thành “điểm nóng” được các tập đoàn lớn lựa chọn để xây dựng nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ các đợt giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp đã bắt đầu có ý định chuyển hướng. Gần đây nhất, theo tạp chí Nikkei Asia, Apple đã tạm dừng sản xuất một số dòng MacBook và iPad do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Ngoài ra, hãng đã lựa chọn sản xuất dòng AirPods 3 mới nhất tại nhà máy Trung Quốc mà không phải Việt Nam.
Theo khảo sát của AmCham – Hiệp Hội Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, tháng 8 vừa qua, có đến 20% doanh nghiệp Mỹ đã chuyển một số nhà máy sản xuất ra khỏi Việt Nam. Động thái này cũng được ghi nhận với 18% thành viên của Eurocham (Hiệp hội thương mại các doanh nghiệp châu Âu) khi quyết định chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác. Để vượt qua khủng hoảng, một số doanh nghiệp đã cắt giảm đơn hàng do hạn chế về năng lực và lượng hàng tồn đọng.
Người lao động di cư
Khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, hàng nghìn công nhân đang sinh sống tại vùng dịch có xu hướng về quê do tâm lý lo sợ dịch sẽ bùng phát lại và lệnh giãn cách sẽ tiếp tục. Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết từ tháng 7 đến ngày 15 tháng 9 đã có khoảng 1,3 triệu lao động về quê, trong đó bao gồm cả những người bị mất việc làm và mắc kẹt do các hạn chế về cắt giảm lao động. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức hơn cho các doanh nghiệp và nhà máy muốn tiếp tục sản xuất nhưng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Các nhà chức trách chính phủ cũng ra sức kêu gọi nhân viên ở lại để duy trì hoạt động kinh doanh với hy vọng phục hồi sau đại dịch. Sau khi các lệnh cấm được dỡ bỏ, một số nhà máy báo cáo chỉ có 50% nhân viên là công nhân nhập cư trở về nhà.
Trong tình hình đó, các doanh nghiệp bắt đầu cung cấp các ưu đãi như xét nghiệm COVID-19 miễn phí, chỗ ở khách sạn, bữa ăn miễn phí và tiền trợ cấp hàng ngày để khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc. Các cơ quan chức năng của chính phủ cũng đang cung cấp dịch vụ vận chuyển từ các tỉnh trở lại địa điểm sản xuất để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã dự kiến trước điều này nên đã chuẩn bị các phương án tuyển dụng sớm hơn 1 tháng trước khi đợt đóng cửa kết thúc.
Hiện tại – Hoạt động kinh tế dần trở lại
Tính đến tháng 11/2021, đã có khoảng 2/3 các ngành công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa trở lại. Số lượng doanh nghiệp trong các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động trở lại đạt khoảng 66%, trong khi tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn của Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 74%. Intel và Samsung đang đặt mục tiêu sẽ tiếp tục hoạt động đầy đủ các nhà máy của họ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11 với hy vọng có thể giảm bớt tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngành giao thông vận tải tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Các chuyến bay nội địa đang dần hoạt động trở lại cùng với việc di chuyển bằng đường bộ và đường sắt liên tỉnh. Tuy nhiên mọi hành khách đều phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ. Các điểm du lịch tại một số địa phương cũng mở cửa trở lại nhằm thu hút khách du lịch trong nước khi thiếu khách quốc tế.
Chính phủ đã ban hành một nghị quyết về kiểm soát đại dịch, cụ thể là đưa ra hướng dẫn về bốn cấp độ rủi ro lây truyền – thấp, trung bình, cao và cực kỳ cao. Các tiêu chí sẽ dựa trên nghị quyết dự kiến sẽ được áp dụng trên toàn quốc, góp phần giúp các doanh nghiệp hoạt động trở lại dễ dàng hơn.
Ngoài ra, chính phủ đã đưa ra một số biện pháp để giúp các doanh nghiệp và cá nhân phục hồi sau COVID-19. Các giải pháp bao gồm cắt giảm tiền thuê đất, hoãn nộp thuế và tiền đất, chính sách trả tiền một lần cho người lao động và nới lỏng một số hạn chế đối với lao động ngoại quốc.
Triển vọng tương lai
GDP, FDI và chuỗi cung ứng
GDP của Việt Nam sụt giảm mạnh trong quý 3 năm nay với 6,17%. Đây cũng là lần đầu tiên nền kinh tế có mức tăng trưởng âm trong một quý kể từ năm 2000 do các lệnh đóng cửa. Trong 9 tháng đầu năm, GDP đã tăng 1,42%. Hiện tại, mọi hy vọng sẽ đổ dồn vào quý 4 và nền kinh tế phục hồi như thế nào khi đất nước mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, trước đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025. Con số này ước tính GDP năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 3 – 3,5% so với mức tăng trưởng năm 2020 là 2,91%.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về các khía cạnh tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Gần đây nhất, Nestlé đã đầu tư thêm 130 triệu USD để thực hiện các dự án trong vòng hai năm tới. Công ty Tetra Pak của Thụy Điển cũng cho biết sẽ tái đầu tư 5,86 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất hiện có tại tỉnh Bình Dương. Gần đây nhất, LG Display của Hàn Quốc đã đầu tư thêm 1,4 tỷ USD để mở rộng nhà máy ở phía Bắc Hải Phòng. Cũng trong tháng 9, chính quyền Quân Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Jingko Solar Việt Nam (công ty liên kết của công ty Jing Solar Holding Co của Trung Quốc).
Mặc dù tình hình sản xuất tại Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại, AmCham vẫn nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và kỳ vọng Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Hiệp hội cũng cho biết Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, bao gồm cả việc di dời ra khỏi Trung Quốc. IHS Markit cũng nhận định rằng sức ảnh hưởng của đại dịch chưa đủ lớn để làm giảm vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn vẫn phải phụ thuộc vào Việt Nam như một trung tâm sản xuất chính. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc giữa việc gánh chịu hậu quả gián đoạn tạm thời hay bỏ ra nhiều chi phí hơn cho các kế hoạch di dời nhà máy sản xuất.
Tiêm chủng vacxin
Các yếu tố cơ bản về thị trường Việt Nam vẫn duy trì mạnh mẽ và nền kinh tế của Việt Nam cũng trở nên linh hoạt hơn để thích ứng với tình hình của đại dịch. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu tích cực trong vấn đề tiêm chủng được nhận thấy trong thời gian gần đây. Cụ thể, từ tháng 10 đến cuối năm nay, 35 triệu liều vắc xin COVID-19 dự kiến sẽ được phân phối trên khắp cả nước. Theo Nikkei COVID-19 Recovery Index, Việt Nam ban đầu khá chậm trong việc tiêm chủng cho dân số, nhưng đến hiện tại quốc gia này đã nằm trong số 10% các quốc gia sử dụng nhiều liều vắc xin nhất hàng ngày tính trên đầu người. Thành phố Hồ Chí Minh, vùng dịch trọng điểm hiện đã tiêm phòng đầy đủ cho 75,9% người dân, trong khi Hà Nội cũng đã đạt 52% chỉ tiêu tiêm phòng tính đến ngày 14 tháng 10. Đây chính là những con số thống kê mang lại “tín hiệu” tích cực trong việc phòng chống dịch cũng như mở cửa lại nền kinh tế.
Các đợt bùng phát và lệnh giãn cách trong tương lai
Với tính hình như hiện tại, việc Chính Phủ tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách thời gian dài là rất khó. Mặc dù các đợt bùng phát cục bộ và các biến thể COVID-19 có thể xảy ra trong tương lai gần, nhưng Chính Phủ có thể sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn cụ thể nhỏ để đảm bảo phục hồi hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phát triển vắc xin COVID-19 tự sản xuất trong nước và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2022. Điều này sẽ giúp Việt Nam giảm bớt nhu cầu phụ thuộc vào vắc xin nước ngoài, đảm bảo cung cấp đủ cho người dân trong nước cũng như có thể xuất khẩu sang các thị trường khác.
Du khách và du lịch quốc tế
Trước tình hình “đóng băng” khá lâu của ngành du lịch, Chính Phủ cũng đang bắt đầu xây dựng lộ trình mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế vào tháng 6 năm 2022. Kế hoạch sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn với chương trình thí điểm cho khách du lịch quốc tế được tiêm chủng đầy đủ đến đảo Phú Quốc vào tháng 11 năm 2021. Dự kiến các địa điểm khác như Nha Trang, Hạ Long, Hội An, và Đà Lạt sẽ được mở cửa vào tháng 12.
Nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng tích cực
Mặc dù Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm, nhưng những yếu tố triển vọng nêu trên sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư tiếp tục hoạt động kinh doanh, thậm chí chuyển hoạt động sản xuất sang trong nước. Hơn nữa, những thách thức hiện tại chỉ mang tính ngắn hàng, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm vẫn ở mức cao và điều này sẽ đảm bảo rằng các nhà máy sản xuất sẽ tiếp tục hoạt động trong thời gian tới, với mức công suất thấp hơn.
Tờ báo The Economist cũng lưu ý rằng COVID-19 ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi theo ít nhất ba cách: khoanh vùng dân số của họ, thiệt hại về thu nhập xuất khẩu và ngăn chặn dòng vốn nước ngoài. Việt Nam đã giải quyết vấn đề đầu tiên và vẫn đang trong hành trình tiếp tục giải quyết các vấn đề còn lại.
Hiền Nguyễn Babuki tổng hợp, biên dịch và hiệu đính
đầu tư
hậu giãn cách
kinh tế
tăng trưởng
Việt Nam