Thương mại xã hội ngày càng sôi động ở Đông Nam Á
Sự thành công của nền tảng thương mại xã hội Pinduoduo ở Trung Quốc hay Meesho ở Ấn Độ đã tác động mạnh đến những doanh nghiệp ở Đông Nam Á, khiến họ phải đẩy nhanh kế hoạch huy động vốn của mình.
Chỉ trong một thời gian ngắn – từ năm 2020 đến đầu năm nay – gần 20 công ty khởi nghiệp thương mại xã hội ở Đông Nam Á đã công bố các đợt gọi vốn mới, trong đó các công ty khởi nghiệp ở Indonesia dẫn đầu lĩnh vực này. Gần 10 công ty trong khu vực đã nhận được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong thời gian qua, đến từ các quốc gia như Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Thương mại xã hội – hoạt động mua và bán sản phẩm thông qua các mạng xã hội như Facebook, WhatsApp, Telegram, LINE, WeChat – vẫn đang ở giai đoạn đầu ở Đông Nam Á, so với thương mại điện tử truyền thống.
Thương mại xã hội có thể ứng dụng trên nhiều loại nền tảng – từ những nền tảng chuyên mua hàng theo nhóm, đến các mạng truyền thông xã hội tích hợp các tính năng mua sắm, và những người bán nhỏ có thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng.
Adrian Li, Managing Partner tại AC Ventures cho biết: “Thương mại xã hội là một mô hình kinh doanh có thể thâm nhập vào những thị trường mới, và có thể tăng trưởng nhanh chóng để phục vụ nhu cầu gia tăng từ người dùng hiện tại cũng như người dùng mới”.
Mỗi mô hình phục vụ cho một danh mục sản phẩm nhất định – có thể là thời trang, FMCG hoặc sản phẩm tươi sống – với các phân khúc thị trường cụ thể (các thành phố nhỏ hơn hoặc các thành phố đông đúc), cùng với chiến lược tiếp cận thị trường dựa trên mạng xã hội, cộng đồng và nội dung, theo ông Yuto Kono – Giám đốc và người đứng đầu văn phòng Việt Nam của Genesia Ventures, đơn vị gần đây đã hỗ trợ nền tảng thương mại xã hội Selly.
Ông nói thêm: “Vẫn còn sớm để nói rằng mô hình nào sẽ hoạt động tốt nhất trên thị trường và những công ty nào có thể thành công”.
Trong khi Selly đã kiếm được 2,6 triệu USD trong vòng Series A từ các nhà đầu tư bao gồm CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures và JAFCO Asia vào đầu tháng, Selly cũng đã củng cố kế hoạch huy động thêm một vòng nữa vào cuối năm nay.
Theo bà Amy Do, Investment manager tại JAFCO Châu Á, mô hình mạng lưới đại lý sẽ có lợi thế hơn so với mô hình dựa trên nội dung trong những năm tới. Mô hình mạng lưới đại lý có thể xây dựng lòng tin với người mua dễ dàng hơn vì “các đại lý có thể là bạn bè, hàng xóm của bạn hoặc một người nào đó mà bạn đã quen biết một thời gian”, bà Amy nói thêm.
Các nền tảng thương mại xã hội gọi vốn từ năm 2020 đến đầu năm 2022
Thương mại xã hội đang phát triển ở Indonesia, do sự phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội. Facebook có 200 triệu người dùng trung bình hàng tháng (MAU) ở nước này và Instagram có 100 triệu. Giờ đây, với việc TikTok của Trung Quốc là công ty mới nhất tham gia vào thương mại xã hội, lĩnh vực này đang sẵn sàng đi xa hơn trên toàn khu vực.
“Đại dịch đã khiến nhiều người nghĩ rằng họ cần an toàn tài chính hơn nữa… điều đó khiến họ tích cực tìm kiếm các cơ hội để tăng thêm thu nhập hoặc tìm kiếm các nguồn thu nhập khác dễ dàng và linh hoạt”, Ghufron Mustaqim, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty Evermos cho biết. Startup này đã huy động được 30 triệu USD trong vòng Series B do Quỹ Asia Impact Investment Fund II của UOB Venture Management dẫn đầu vào tháng 9 năm ngoái. Các nhà đầu tư khác đã tham gia vòng này là IFC, MDI Ventures, Telkomsel Mitra Innovation và Future Shape, bên cạnh các nhà đầu tư hiện tại của họ là Jungle Ventures và Shunwei Capital.
Trong số các thương vụ khác đã được thực hiện trong lĩnh vực này tại Indonesia gần đây, RateS tháng trước đã huy động được 6 triệu USD trong vòng Series A+ do quỹ đang hỗ trợ là Vertex Ventures Southeast Asia & India dẫn đầu. Vòng này đã nâng mức định giá của công ty lên 65 triệu USD. Giám đốc Chiến lược của startup này, Albert Ho, tin rằng thương mại xã hội vẫn còn là một thị trường ngách, mặc dù nó đang phát triển nhanh chóng. Ông cho biết RateS có kế hoạch mở rộng hoạt động của mình tới 10 thành phố mới ở các khu vực cấp 2 và cấp 3, và đang huy động vốn Series B.
“Mặc dù những công ty thương mại điện tử như Shopee và Tokopedia rất lớn, nhưng phần lớn GMV của họ vẫn tập trung ở các thành phố lớn hơn. Do vậy, vẫn còn chỗ để hoạt động ở các khu vực bên ngoài các thành phố lớn này”, Albert nói thêm.
Sau Indonesia, thương mại xã hội ở Việt Nam cũng đang chứng kiến sức hút đáng kể. Trong hai tháng qua, có tới ba công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã huy động được nguồn vốn mới, trong đó bao gồm những cái tên như Mio, ON và Selly.
Theo ông Thống Lê Anh Tuấn, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại Selly, công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng 50-70% hàng tháng vào năm 2021. Facebook và nền tảng xã hội “cây nhà lá vườn” của Việt Nam – Zalo – là hai kênh phổ biến nhất của các đại lý bán lẻ của Selly. Hiện tại, công ty có hơn 300.000 đại lý với 80% đại lý ở nông thôn. Thuật ngữ reseller (đại lý) dùng để chỉ một cá nhân hoặc công ty bán mặt hàng mà họ đã mua từ người khác.
Tại Singapore, công ty khởi nghiệp thương mại xã hội Raena đã huy động được 20 triệu USD trong 13 tháng qua, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Sreejita Deb chia sẻ với DealStreetAsia. Ông Deb cho biết: “Những đối tác nội bộ tin tưởng vào tầm nhìn của chúng tôi và nhanh chóng tăng gấp đôi khoản đầu tư dựa trên sức tăng trưởng của Raena”. Trong khi Alpha Wave Incubation dẫn đầu vòng Series A+ của startup này, AC Ventures tăng cường đầu tư. Alfamart và Alto Partners cũng tham gia vòng này.
Nguyễn Đông Xuân, đồng sáng lập và phó giám đốc điều hành Ecomobi do VinaCapital Venture hậu thuẫn, cho biết đại dịch, logistics và người sáng tạo nội dung là ba yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của thương mại xã hội. Ecomobi là công ty khởi nghiệp kết nối người bán với người sáng tạo nội dung và các KOLs để thúc đẩy thương mại thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Công ty tuyên bố đã đạt mức tăng trưởng 200% mỗi năm trong thời kỳ đại dịch.
Dữ liệu của Bain & Co. cho thấy thương mại xã hội chiếm gần một nửa (44%) thị trường thương mại điện tử trị giá 109 tỷ USD của Đông Nam Á chỉ riêng trong năm 2020. Tuy nhiên, giá trị giao dịch được thực hiện thông qua thương mại xã hội trên toàn thế giới vào năm 2020 đạt khoảng 240 tỷ USD, theo ước tính của Research and Markets. Đến năm 2026, con số này được dự báo sẽ chạm mức 1,95 nghìn tỷ USD.
Sự cạnh tranh giữa thương mại xã hội và thương mại điện tử
Hiện tại, công nghệ thương mại xã hội vẫn chủ yếu diễn ra trên các nền tảng truyền thông xã hội lớn như Facebook, Instagram và WhatsApp. Điều này hạn chế sự lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ có sẵn. Hơn nữa, phần lớn người dùng vẫn chưa coi những nền tảng này là những lựa chọn bán lẻ đáng tin cậy.
Mặt khác, các nền tảng thương mại điện tử đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc hợp lý hóa quá trình trải nghiệm của khách hàng từ đầu đến cuối, bao gồm quản lý tích hợp hàng tồn kho đến kho bãi và giao hàng.
Theo một nghiên cứu của nền tảng tương tác khách hàng iKaLa, sự thiếu tin tưởng, ít quen thuộc và gian lận đang là những rào cản lớn đối với các nhà bán lẻ trong khu vực. “Thương mại xã hội đang phát triển nhanh chóng, và mỗi ngày các công ty truyền thông xã hội đang bổ sung thêm các năng lực mới để hỗ trợ sự tăng trưởng này. Đối với các nhà bán lẻ, cơ hội là rõ ràng, nhưng để thực sự thành công, họ phải tìm cách làm cho trải nghiệm mua sắm có tính trực tiếp, tương tác và liền mạch”, Sega Cheng, Giám đốc điều hành & Đồng sáng lập của iKala cho biết.
Tuy nhiên, như ông Adrian Li của AC Ventures đã lưu ý, hoạt động mua theo nhóm có thể giảm chi phí của hàng hóa trên thương mại điện tử. “Sẽ hữu ích khi bạn sử dụng các đại lý cho các dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ logistic, đặc biệt là với giao hàng chặng cuối”.
Albert Ho từ RateS tin rằng “ưu điểm khi thu hút các đại lý so với việc thu hút người tiêu dùng cuối là bạn không phải đốt hàng tấn tiền mặt cho chiết khấu và khuyến mại để có được khách hàng”.
Thách thức lớn nhất của mô hình này là lòng tin. Ông Thống Lê Anh Tuấn từ Selly cho biết: “Chúng tôi cần tạo niềm tin ở cả hai đầu, cho cả người bán và người mua”. Ông cũng chia sẻ thêm rằng lĩnh vực này yêu cầu các chính sách cấp phép nghiêm ngặt với các sản phẩm được đăng bán trên nền tảng Selly và phải mất khá nhiều thời gian để educate những đại lý ở các vùng nông thôn với tỉ lệ áp dụng công nghệ thấp.
Bà Amy Do của JAFCO nói thêm rằng các công ty thương mại xã hội cần dịch vụ khách hàng tốt và dịch vụ hậu cần đáng tin cậy. Trong tương lai, lĩnh vực này dự kiến sẽ chứng kiến nhiều nền tảng ở các khu vực thử nghiệm các chiến lược kinh doanh khác nhau, khi người mua sắm tiếp tục đón nhận làn sóng kỹ thuật số để mua hàng hoá.
Tuy nhiên, như ông Kono của Genesia Ventures đã chỉ ra, thương mại xã hội có thể là một mô hình thâm dụng vốn và không phải là lĩnh vực mang lại lợi ích chung. Như vậy, cho đến khi một công ty khởi nghiệp có thể đạt tăng trưởng, nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động vốn từ bên ngoài.
Ông Albert Ho cho biết: “Đối với lĩnh vực như thương mại xã hội, các nhà đầu tư luôn để mắt tới các đối thủ ngang hàng, có thể là ở Trung Quốc, Ấn Độ. Bởi vì Trung Quốc đang chịu thiệt hại, tôi đoán các nhà đầu tư đang nghi ngờ hơn một chút đối với hoạt động kinh doanh tiêu dùng”.
“Thương mại xã hội sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn toàn cầu… Chúng ta sẽ thấy nhiều thử nghiệm hơn, nhưng thách thức khó khăn nhất là việc các công ty cố gắng đạt được sự tăng trưởng”, ông Adrian Li từ AC Ventures cho biết.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: DealStreetAsia
Babuki biên dịch & hiệu đính
đầu tư
ecommerce
Thương mại điện tử
thương mại xã hội