DoorDash IPO với mức định giá 32 tỷ đô la. Được biết đến với nền tảng giao hàng thực phẩm, DoorDash đã nhanh chóng mở rộng quy mô kể từ khi chính thức ra mắt vào năm 2013, và tăng tốc trong thời gian bùng phát Covid-19. Những nhà sáng lập công ty: Tony Xu, Stanley Tang, Evan Moore và Andy Fang.
Giới thiệu
Sản phẩm phù hợp với thị trường đã bao giờ đến nhanh như vậy chưa?
45 phút sau khi trang web của Palo Alto Delivery ra mắt vào năm 2013, nó đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên: pad thai giao tới Alpine Road.
Như chia sẻ của nhà đồng sáng lập Stanley: “Và rồi, ngày hôm sau, có thêm hai cuộc điện thoại. Ngày hôm sau nữa, chúng tôi nhận được năm, sau đó trở thành bảy, và sau đó trở thành mười. Và ngay sau đó, chúng tôi bắt đầu có được sức hút trong khuôn viên trường thông qua PaloAltoDelivery.com.
- Điều này khá điên rồ, bởi vì hãy nghĩ về nó: Đây chỉ là một trang đích. Bạn phải tra cứu menu ở dạng file pdf để đặt hàng và sau đó gọi điện thoại đến.
- Đây không phải là trang web chuyên nghiệp nhất, nhưng chúng tôi liên tục nhận được điện thoại; chúng tôi tiếp tục nhận được đơn đặt hàng.
Và đó là lúc chúng tôi biết rằng chúng tôi đang làm gì đó. Chúng tôi biết rằng chúng tôi tìm thấy nhu cầu mà mọi người muốn khi mọi người sẵn sàng thực hiện tất cả những điều này.
Ngay sau đó là khoản đầu tư, với việc công ty huy động được 2,4 triệu đô la từ Khosla Ventures, CRV, SV Angel và những nhà đầu tư khác.
Mặc dù ra mắt sau đối thủ cạnh tranh Grubhub gần một thập kỷ, DoorDash đã vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực giao hàng thực phẩm ở Mỹ, chiếm tới 50% thị phần tính đến tháng 10 năm 2020.
Ngoài vị trí số một, DoorDash đã thu hút hơn 18 triệu khách hàng, 400 nghìn người bán và hơn 1 triệu nhân viên giao hàng (Dashers). Được hỗ trợ bởi đại dịch, doanh thu tăng hơn 226% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,9 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2020. Trước đó, trong năm 2019, doanh thu của DoorDash cũng tăng 204%.
Lịch sử của DoorDash
Cha mẹ của Xu nhập cư từ Trung Quốc đến Mỹ khi anh mới 5 tuổi. Cha của anh đã được nhận vào chương trình tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không của Đại học Illinois. Mẹ anh, một bác sỹ, đã làm việc tại một nhà hàng để hỗ trợ gia đình. Điều đó đã mang lại cho Xu sự hiểu biết về vận hành của một doanh nghiệp dịch vụ ăn uống.
Sau đại học, sự hiểu biết đó càng được phát triển khi Xu làm việc tại eBay trong bộ phận Phát triển Doanh nghiệp trước khi đến Stanford để gia nhập trường kinh doanh. Anh ấy tiếp tục thực tập tại Square vào mùa hè trước khi sáng lập ra DoorDash.
Tại Stanford, Xu đã hợp tác với đồng học MBA Moore và các sinh viên chưa tốt nghiệp Tang và Fang. Là một phần của khóa học phổ biến “Startup Garage”, bộ tứ này cần phải điều tra thị trường và thực hiện các cuộc phỏng vấn khách hàng.
Trong một cuộc thảo luận với chủ một cửa hàng bánh hạnh nhân địa phương, Chloe, những nhà sáng lập đã tình cờ phát hiện ra cơ hội giao hàng tại địa phương. Tang kể lại: “Ngay khi chúng tôi chuẩn bị rời đi, Chloe đề cập, “Chà, có một điều tôi muốn cho các bạn xem.” Cô lấy ra một tập sách dày. Đó là nhiều trang ghi chú các đơn đặt hàng giao hàng. “Điều này khiến tôi phát điên. Tôi không có tài xế để hoàn thành đơn hàng và tôi là người phải làm tất cả.” Và đó là khoảnh khắc của sáng kiến.
Ba tháng sau tiết lộ ban đầu đó, vào tháng 1 năm 2013, trang web Palo Alto Delivery ra mắt, và món pad thai là món đầu tiên được triển khai.
Trong hai tháng tiếp theo, những nhà sáng lập đã nghiên cứu vào ban ngày và lái xe vào ban đêm. Kể lại giai đoạn đó trong một bài phát biểu năm 2014, Tang vẽ nên một bức tranh kinh điển về sự hỗn loạn vui vẻ, sự cống hiến mãnh liệt và những cú “hack” tài tình: trả lời các cuộc gọi hỗ trợ khách hàng ở giữa một bài giảng, theo dõi các đơn đặt hàng trong Google Doc và theo dõi các tài xế thông qua “Find My Friends”. Palo Alto Delivery thu về nhiều tiền mặt đến mức Square nghĩ rằng họ có thể đang rửa tiền và đóng quyền truy cập thanh toán của họ.
Đến tháng 3, Giao hàng Palo Alto đã được Y Combinator chấp nhận, gọi vốn thành công 120 nghìn đô la. Sau đó, công ty được đổi tên thành DoorDash và logo của công ty được lấy cảm hứng từ hình dạng của tàu cao tốc Shinkansen, Nhật Bản.
Trong những năm sau đó, DoorDash đã mở rộng quy mô nhanh như tốc độ công ty huy động được tiền đầu tư.
Vào thời điểm công ty gọi vốn thành công vòng Series A trị giá 17,3 triệu đô la, do Sequoia Capital dẫn đầu, 1 trong 6 hộ gia đình ở Bay Area được báo cáo là đã sử dụng dịch vụ giao hàng của DoorDash. Tiếp theo, mở rộng các khu vực địa lý mới: đầu tiên là LA, sau đó là Boston.
Và với số tiền đầu tư lớn hơn: 40 triệu đô la do Kleiner Perkins dẫn đầu. Không lâu sau đó, công ty mở rộng sang Toronto, Canada.
Một chu kỳ quen thuộc được thiết lập: đầu tư thúc đẩy việc mở rộng và muốn mở rộng thì cần gọi vốn đầu tư. Tổng cộng, DoorDash đã huy động thành công 2,5 tỷ đô la trong hành trình đưa công ty lên vị trí là đơn vị lớn nhất trong ngành. Khoản tài trợ đó cũng cho phép DoorDash thực hiện thương vụ mua lại chiến lược, đáng chú ý nhất là Caviar với giá 410 triệu đô la.
Dữ liệu từ Crunchbase
Chương mới nhất trong lịch sử của DoorDash có thể là chương quan trọng nhất. Sự bùng phát của virus Covid-19 đã làm trì hoãn kế hoạch IPO của công ty nhưng lại mang đến một cơ hội lớn. Không chỉ có tổng số đơn đặt hàng và tổng giá trị đơn đặt hàng (GOV) tăng vọt, mà DoorDash còn có khả năng tài chính và khả năng lãnh đạo sắc sảo để tự điều chỉnh mình trong bối cảnh khủng hoảng.
Các nhà hàng có từ 5 địa điểm trở xuống đã chứng kiến phí hoa hồng giảm 50% trong những ngày đen tối nhất của đại dịch, một động thái đã ảnh hưởng đến 180 nghìn địa điểm (nhà hàng). Hơn 270 nghìn bữa ăn miễn phí đã được chuyển đến các thành viên cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Kết quả là một doanh nghiệp trông khác hẳn so với cách đây 12 tháng, một nền tảng thiết yếu dành cho “những người lao động” chứ không phải là một nền tảng kinh doanh nhỏ lẻ.
Thị trường
Cơ sở khách hàng của DoorDash mới chỉ 6% dân số Mỹ sử dụng. Quy mô ngành công nghiệp thực phẩm nhà hàng / café là lên tới 375 tỷ đô la (báo cáo của Morgan Stanley). Trong đó, giao hàng thực phẩm được cho là tăng trưởng tới 18% một năm, với tỷ lệ thâm nhập ngày càng tăng từ 6% lên 13% vào năm 2025.
Dữ liệu từ Morgan Stanley
Điều này cho thấy quy mô thị trường nội địa đối với sản phẩm cốt lõi của DoorDash là 22,5 tỷ USD, có khả năng tăng lên 60,7 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. DoorDash hiện nắm giữ 50% thị phần – 58% ở vùng ngoại ô – và IPO với mức định giá 32 tỷ USD. Mặc dù có cơ hội ở nước ngoài, nhưng hiện tại DoorDash vẫn là một doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ. DoorDash cũng đã mở rộng danh mục sản phẩm của mình, bao gồm “hàng tạp hóa và hoa” và các dịch vụ logistics.
Trong thị trường giao hàng thực phẩm, DoorDash có vị trí tốt ở các thị trường ngoại ô và đô thị nhỏ, nơi có thể giành được thị phần dẫn đầu. Ngoài việc không được phục vụ đầy đủ, đây là những thị trường có giá trị để giao thực phẩm vì đây là những khu tập trung các gia đình sinh sống, điều này thường có nghĩa là giá trị đơn hàng cao hơn. Cũng ít ùn tắc hơn, logistics thông suốt. Giao hàng trực tiếp cũng phổ biến hơn ở những khu vực địa lý này, với các công ty như Dominos và Pizza Hut nắm giữ cổ phần lớn hơn so với ở các đô thị, nơi tỷ lệ nhà hàng / quán café độc lập cao hơn.
Thường bị bỏ qua, mô hình “drive-through” cũng đóng một vai trò quan trọng trong những thị trường này. Trong khi cư dân thành phố quen thuộc hơn với việc giao hàng, “drive-through” là một thị trường lớn hơn đáng kể, mở rộng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch. Chỉ riêng trong tháng 3, “drive-through” đã mang lại doanh thu 8,3 tỷ đô la, tương đương mức chi tiêu hàng năm gần 100 tỷ đô la. So với giao hàng, “drive-through” cũng tiết kiệm chi phí hơn cho các nhà hàng. Điều đó dẫn đến việc nhiều người bán tính phí một mức giá cho giao dịch mua tại chỗ và một mức giá cao hơn cho giao hàng.
Sản phẩm
Nền tảng
Sản phẩm nền tảng cốt lõi của DoorDash bao gồm 4 thành phần quan trọng:
- Một ứng dụng dành cho người tiêu dùng
- Một ứng dụng cho Dasher
- Phần mềm và dịch vụ cho người bán
- Quản lý logistics để hoàn thiện đơn hàng
Một sản phẩm giao hàng thực sự xuất sắc phụ thuộc vào hai yếu tố chính yếu: quy mô và tối ưu hóa logistics.
Đối với người tiêu dùng, một nền tảng cần có nhiều lựa chọn, có khả năng cung cấp các đơn đặt hàng chính xác và đúng giờ.
Như đề cập, tối ưu hóa logistics là động lực quan trọng thứ hai cho sự xuất sắc của sản phẩm. Để giao hàng thực phẩm tươi sống, DoorDash cần trả lời những câu hỏi như “làm cách nào để chúng tôi đảm bảo Dashers đến ngay sau khi nhà hàng chuẩn bị xong một đơn đặt hàng?”
Giải pháp – chỉ gửi đơn đặt hàng đến nhà hàng khi biết thời gian đến của Dasher – được sắp xếp thông qua phần mềm. Có rất nhiều đầu vào cho hệ thống, chẳng hạn như mất bao lâu để đi bộ lên cầu thang hoặc tốc độ di chuyển theo thời gian thực tùy theo tình hình của giao thông. Đây là những biến số thách thức cần xem xét; DoorDash đã thực hiện công việc khó khăn và tốn kém để giải quyết bài toán này. Những khoản đầu tư đó mang lại một số lợi ích tích lũy cho người tiêu dùng, nhưng cũng mang đến nhiều lợi ích cho Dasher, cho phép họ kiếm được nhiều tiền hơn với việc định tuyến và phân phối đơn hàng được tối ưu hóa tốt hơn. Tất nhiên, khoản đầu tư cũng mang lại lợi ích cho bản thân DoorDash với việc xử lý tốt hơn sản lượng lớn hơn nhờ thuật toán cải tiến.
Người tiêu dùng
Vào năm 2018, công ty đã ra mắt sản phẩm dành cho thành viên có tên là DashPass, có giá 9,99 đô la / tháng và giúp bạn có được quyền lợi được giao hàng miễn phí từ những người bán đối tác đủ điều kiện. DashPass đã có 5 triệu thành viên đăng ký hoạt động tính đến tháng 9 năm 2020. DashPass và các cải tiến nền tảng khác đã cho phép DoorDash giảm 20% chi phí sử dụng của người tiêu dùng kể từ quý 3 năm 2017.
Dashers (người giao hàng)
Ứng dụng Dasher cho phép người giao hàng theo dõi các mục tiêu tài chính và hiển thị đầy đủ chi tiết đơn hàng trước khi chấp nhận. Nó cũng nhấn mạnh rằng Dashers không cần phải có một chiếc ô tô để thực hiện công việc giao hàng và có thể làm việc cho DoorDash ở bất kỳ nơi nào nền tảng này đang hoạt động.
Người bán
So với các nền tảng khác, các công cụ thương mại của DoorDash dường như ít hơn. Ví dụ: Etsy kiếm được một phần tư doanh thu từ dịch vụ cho người bán, bao gồm quảng cáo, đóng gói và gửi thư cũng như là một nền tảng bán buôn.
Điều này có thể là một cơ hội tiềm năng lâu dài cho DoorDash. Hiện tại, nền tảng này cung cấp lập kế hoạch quảng cáo, “dashboard” phân tích, hỗ trợ khách hàng, xử lý thanh toán và dịch vụ tư vấn.
Các dòng sản phẩm khác
Dịch vụ giao hàng
Ngoài sản phẩm cốt lõi (nền tảng), DoorDash cung cấp một sản phẩm chỉ thực hiện hoàn thiện đơn hàng, được thiết kế cho các chuỗi lớn sở hữu nền tảng đặt hàng của DoorDash.
Trong mô hình này, người tiêu dùng đặt hàng trực tiếp từ một chuỗi như Chipotle, sử dụng ứng dụng hoặc trang web của nhà hàng. Sau khi đặt hàng, Chipotle chuyển việc giao hàng cho DoorDash. Đây cũng là cách DoorDash hợp tác với các doanh nghiệp sử dụng giải pháp đặt hàng “white-label” như ChowNow. Trong dịch vụ này, DoorDash tính phí tối thiểu là 7 đô la, cộng thêm 1 đô la cho mỗi dặm (mile) vận chuyển thêm sau dặm đầu tiên.
Các khách hàng chính bao gồm Albertsons, Walmart và Macy’s. Vào tháng 10, DoorDash đã công bố hợp tác với Sam’s Club để cung cấp dịch vụ hoàn thiện đơn hàng kê đơn trong ngày từ 500 cửa hàng ở 41 tiểu bang thông qua trang web của nhà bán lẻ.
Giải pháp đặt hàng trực tiếp
Trước Covid-19, DoorDash nhận thấy rằng 40% người bán nhà hàng của mình thiếu kênh đặt hàng trực tiếp. Các giải pháp này cho phép các nhà hàng bán trực tiếp cho khách hàng của họ, duy trì mối quan hệ tiếp thị trực tiếp trong khi tránh được hoa hồng cho nền tảng cao. Để đối phó với nguy cơ các nhà hàng đối tác rời khỏi nền tảng để chuyển qua kênh đặt hàng trực tiếp, vào tháng 7 2020, công ty đã tung ra Storefront, giải pháp đặt hàng trực tuyến “white-label” của riêng mình. Storefront tính phí giao hàng cố định 2 đô la cho mỗi đơn đặt hàng mà không có phí lấy hàng (pickup fee). Đổi lại, các nhà hàng phải trả phí thiết lập 199 đô la một lần và phí bản quyền phần mềm 79 đô la định kỳ hàng tháng. Cả hai phí này, cùng với phí giao hàng, đều được miễn cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2021.
Sản phẩm hiện đang được sử dụng bởi một nhóm nhỏ nhưng đa dạng các nhà hàng, từ chuỗi nhà hàng bít tết lớn như Morton’s và Del Frisco’s cho đến các nhà hàng đơn lẻ tại địa phương. DoorDash cung cấp cho mỗi thương hiệu một tên miền phụ trên URL ‘order.online’ và cho phép thương hiệu hiển thị logo của mình thay vì của DoorDash. Với Storefront, chi phí gia tăng của một đơn đặt hàng trung bình 30 đô la sẽ giảm từ mức hoa hồng cho nền tảng thông thường 20-30% xuống ~ 7%. Đây là một giải pháp thay thế hấp dẫn cho nhiều người bán và cạnh tranh trực tiếp với các công ty như ChowNow.
Điều thú vị là mô hình doanh thu định kỳ của Storefront xung đột trực tiếp với mô hình kinh doanh nền tảng cốt lõi của DoorDash, khiến điều này giống như một chiến lược phòng thủ hơn là một cơ hội tăng trưởng thực sự.
Giải pháp cho các cửa hàng tiện lợi và tạp hóa
DoorDash đang mở rộng dịch vụ sang phân khúc các cửa hàng tiện lợi khi kết hợp với các bên thứ ba và với cách tiếp cận tích hợp theo chiều dọc. Vào tháng 4 2020, công ty đã ra mắt dịch vụ mới này với sự hợp tác của 7-Eleven, Walgreens, CVS và Chevron. Dịch vụ đã được triển khai tới 2.500 cửa hàng trên 1.100 thành phố trên toàn quốc.
Hai tháng sau, DoorDash bắt đầu triển khai cửa hàng tiện lợi của riêng mình “DashMart”, bán hơn 2.000 mặt hàng có thể giao trong vòng chưa đầy 30 phút. Các sản phẩm bao gồm tất cả mọi thứ từ túi nóng đông lạnh đến thuốc không kê đơn cho đến sữa hạnh nhân. DoorDash hiện đang vận hành 15 địa điểm “DashMart” và đang mở rộng ra 18 thành phố mới. Sự thay đổi từ cung cấp dịch vụ nền tảng giao hàng sang vận hành các cửa hàng tiện lợi của riêng mình giống với mô hình dịch vụ như GoPuff và Prime Now của Amazon. Với việc dự trữ một lượng lớn các mặt hàng ổn định trên kệ giúp đến gần hơn với người tiêu dùng, DoorDash có cơ hội tăng giá trị đơn đặt hàng trung bình (AOV) và cải thiện lợi nhuận mà không có rủi ro tồn kho lớn.
Cửa hàng tạp hóa đại diện cho một mối quan tâm khác. Vào tháng 8 2020, công ty đã công bố quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ như Smart & Final, Meijer, Hy-Vee và Gristedes / D’Agostino. Mục tiêu mối quan hệ đối tác này là cung cấp cho người tiêu dùng một danh mục sản phẩm với hơn 10.000 mặt hàng tạp hóa trong vòng chưa đầy một giờ, tiêu chuẩn vàng do Instacart thiết lập.
Mô hình kinh doanh
Trước tiên, hãy xem cách DoorDash kiếm tiền. Cách thức tạo doanh thu chính của công ty đến từ hoa hồng do người bán trả (để niêm yết trên nền tảng của DoorDash) và các khoản phí biến đổi do người tiêu dùng trả (bao gồm phí giao hàng và dịch vụ).
Đối với một đơn đặt hàng thực phẩm khoảng 33 đô la, DoorDash giữ ~ 5 đô la doanh thu, chiếm tỷ lệ là 15%. Khoảng 28 đô la còn lại được chia cho người bán và Dasher. Người bán nhận được ~ 20 đô la (chiếm 61%), trong khi Dasher kiếm được ~ 8 đô la (24%).
Nhà đầu tư
Cho đến trước khi IPO, Doordash đã huy động được một khoản tiền khổng lồ 2,5 tỷ đô la, gần đây nhất là Series H vào đầu năm 2020 do Durable Capital dẫn đầu, được cho là định giá công ty ở mức 16 tỷ đô la.
Ngay từ đầu, công ty đã thu hút được sự quan tâm từ các công ty hàng đầu. Sau khi tốt nghiệp Y Combinator vào năm 2013, DoorDash đã gọi vốn thành công vòng hạt giống do Keith Rabois, sau đó là Khosla Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của Charles River Ventures, Kleiner Perkins và các nhà đầu tư thiên thần.
Vậy ai là chủ sở hữu DoorDash?
Chỉ có 3 nhà đầu tư vượt qua ngưỡng 5%: Sequoia Capital, Softbank Vision Fund và Greenview Investment Partners.
Sequoia có được một phần lớn vốn chủ sở hữu bằng cách dẫn đầu Series A của DoorDash, tăng gấp đôi bằng cách dẫn đầu Series C. Công ty tiếp tục đầu tư trong những năm sau đó, ngay cả khi định giá của DoorDash tăng vọt. Tổng cộng, Sequoia được cho là đã đầu tư 217 triệu đô la để đảm bảo cổ phần của mình.
Softbank Vision Fund và GIC đều đầu tư vào Series D. Tại thời điểm này, DoorDash đã là một kỳ lân (định giá trên 1 tỷ đô la).
Do DoorDash cạnh tranh với các đối thủ có vốn đầu tư tốt, nhiều người trong số họ đã có khởi đầu đáng kể, việc huy động tiền kiểu này có ý nghĩa. Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy quy mô tài trợ mà các công ty khởi nghiệp nhất định cần để thành công, yêu cầu các nhà đầu tư phân bổ số vốn ngày càng tăng để bảo vệ quyền sở hữu đối với những “người chiến thắng” tương ứng của họ.
Điểm nổi bật về Tài chính
DoorDash đã kiếm được 291 triệu đô la doanh thu vào năm 2018, tăng lên 885 triệu đô la vào năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, DoorDash đã mang lại 1,9 tỷ đô la doanh thu.
Liên quan đến doanh thu, chi tiêu cho Bán hàng và Tiếp thị (S&M) giảm đáng kể từ 9 tháng đầu năm 2019 đến cùng kỳ năm 2020, giảm từ 75% doanh thu xuống 32%. Trong khi đó, Chi phí vận hành, bao gồm thanh toán cho Dasher, giảm từ 60% vào năm 2019 xuống 47% vào năm 2020.
Đây là những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho DoorDash, cho thấy công ty đã thành công trong việc giảm chi phí bằng cách cải thiện hiệu quả hoạt động logistics của mình. Tương ứng là sự giảm đáng kể trong các khoản lỗ hoạt động, giảm từ 479 triệu đô la vào năm 2019 xuống còn 131 triệu đô la vào năm 2020.
Những kết quả kinh doanh khích lệ có được bởi tổng giá trị đơn đặt hàng (GOV) tăng gần gấp đôi, đạt 16,49 tỷ đô la. Trước đó, GOV tăng hơn gấp đôi mỗi năm trong các năm 2016, 2017 và 2018 trước khi tăng thêm 250% trong Quý 1 năm 2019.
Đánh giá của GOV cho thấy một điều thú vị: trước COVID, sự tăng trưởng của DoorDash chủ yếu bằng cách mở rộng hoạt động kinh doanh lặp từ các khách hàng hiện tại thay vì thông qua việc kiếm khách hàng mới.
Kinh tế học đơn vị
Khách hàng của DoorDash có giá trị như thế nào?
Đây là phép toán đơn giản cho một khách hàng từ dữ liệu tháng 1 năm 2019, sau khi chuẩn hóa tác động của COVID-19 để đo lường kinh tế học đơn vị hậu đại dịch:
- DoorDash chi 6 đô la ở S&M để có được một khách hàng mới. Đó là chi phí có được khách hàng (CAC).
- Khách hàng chi khoảng 30 đô la mỗi lần đặt hàng.
- DoorDash giữ tỷ trọng ngày càng tăng của 30 đô la đó trong tổng lợi nhuận – khoảng 2% trong năm đầu tiên, tăng lên khoảng 12% vào cuối năm thứ ba.
- DoorDash chi thêm 2,3% hoặc hơn cho việc bán hàng và tiếp thị (S&M) cho mỗi đơn đặt hàng lặp lại. Điều đó có nghĩa rằng tỷ lệ đóng góp trên các đơn đặt hàng lặp lại tăng từ 0% trở xuống trong những năm đầu lên khoảng 10% trong năm thứ ba.
- Tần suất đặt hàng tăng dần theo thời gian. Khách hàng trung bình đặt ~ 1,6 đơn đặt hàng lặp lại trong năm đầu tiên, ~ 3,5 đơn đặt hàng trong năm hai và nhiều hơn nữa trong những năm tiếp theo. Khách hàng đặt trung bình hơn 20 đơn đặt hàng trong 5 năm đầu tiên của họ.
- Khi dự báo doanh thu trong tương lai, trừ đi giá vốn hàng bán và S&M, DoorDash kiếm thêm khoảng 60 đô la trong vòng 5 năm tới cho mỗi khách hàng mới. Con số đó gấp khoảng 10 lần số tiền 6 đô la mà DoorDash đã chi cho CAC để có được khách hàng mới.
Tuy nhiên, do tính chất dồn ứ của các đơn đặt hàng, lợi nhuận gộp và hiệu quả của S&M, nên mất khoảng 16 tháng để hòa vốn trên khoản đầu tư ban đầu dành cho khách hàng.
Theo nghĩa này, kinh tế học đơn vị của DoorDash gần giống như một công ty B2B SaaS. Có một khoản đầu tư trả trước tương đối đáng kể, thời gian hoàn vốn dài, nhưng cải thiện đáng kể khả năng kiếm tiền theo thời gian, dẫn đến ROI lớn.
Mức độ cạnh tranh
Trong mục tiêu thống trị lĩnh vực giao hàng thực phẩm và hơn thế nữa, DoorDash cạnh tranh với nhiều đối thủ khác nhau, từ các nền tảng khác: dịch vụ giao hàng tạp hóa, nhà bếp ma (nhà hàng ảo) và chuỗi nhà hàng tích hợp theo chiều dọc. Trong khi DoorDash tìm cách trao quyền cho các SMB (người bán nhà hàng) và mở rộng hoạt động logistics của mình, công ty cạnh tranh với các nền tảng đặt hàng “white-label”, hệ thống POS, nhà cung cấp logistics bên thứ ba và các nhà bán lẻ trực tuyến trực tiếp.
Trong số đó, những nhóm đối thủ chính ở trong các phân khúc: nền tảng giao hàng và nhà bếp ma.
Nền tảng giao hàng
Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất của DoorDash là Uber Eats, Grubhub và Postmate.
Không giống như ba đối thủ của mình, Grubhub bắt đầu như một nền tảng thuần túy, tổng hợp nhu cầu đặt hàng và để người bán quản lý việc giao hàng thực tế. Theo thời gian, công ty đã giới thiệu dịch vụ logistics chặng cuối. Just Eat Takeaway, chủ sở hữu mới của Grubhub, cũng bắt đầu tương tự, chỉ bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Deliveroo và Uber Eats.
DoorDash hiện đang ở vị trí tốt so với các đối thủ cạnh tranh khi chiếm tới 51% thị phần ở Mỹ, với sự thâm nhập mạnh hơn ở các thị trường ngoại ô (tính đến tháng 10 năm 2020). Uber Eats và Grubhub lần lượt nắm giữ 23% và 18%. Uber đã mua lại Postmate vào cuối năm 2020, giúp công ty tăng thêm 7% thị phần.
Dữ liệu từ Second Measure
Các nền tảng đã cố gắng giữ vững vị thế của mình bằng cách ký kết các giao dịch độc quyền với các chuỗi lớn và buộc khách hàng phải đăng ký. Ví dụ như Uber Eats đã giành được quyền phân phối độc quyền các sản phẩm của Starbucks, trong khi DoorDash tự hào có quan hệ đối tác với Wingstop. DashPass cố gắng khóa người tiêu dùng, tương tự như Eat Pass của Uber, Postmate Unlimited và Grubhub +. Trong trường hợp của DoorDash, nó dường như đang là giải pháp hiệu quả khi chiếm 20% khách hàng.
Bếp ma (Nhà hàng ảo)
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền tảng / nhà hàng 1:1 là những bếp ma.
Các doanh nghiệp như CloudKitchens của Travis Kalanick tổng hợp nguồn cung từ hơn 100 nhà hàng và thương hiệu dưới một cơ sở duy nhất, cho phép giao hàng trong vòng vài phút mà người tiêu dùng không phải trả thêm phí. Bằng cách sắp xếp 30-40 nhà bếp cho mỗi cơ sở, CloudKitchens thay đổi cách thức vận hành logistics từ 1:1 (một – một) thành nhiều – một. CloudKitchens hướng đến mục tiêu tạo ra một “khu ẩm thực ảo”, cho phép các gia đình đặt hàng từ nhiều nhà hàng, thêm các mặt hàng bổ sung như kem, rượu hoặc các mặt hàng thiết yếu cho gia đình. Điều này sẽ mang lại AOV (giá trị đơn hàng trung bình) cao hơn, tạo điều kiện cho các khoản hỗ trợ giao hàng hào phóng hơn. Đến cuối năm 2020, khoảng 50 bất động sản trong nước thuộc sở hữu của CloudKitchens, ngoài các thương vụ mua lại và đầu tư ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Vương quốc Anh và Mexico. Công ty của Kalanick đã huy động được 700 triệu đô la dưới dạng cổ phiếu và 200 triệu đô la dưới dạng trái phiếu, với mức định giá 5,3 tỷ đô la gần đây.
Bên cạnh CloudKitchens thì cũng có những đối thủ cạnh tranh khác.
Covid-19
Như đã đề cập ở trên, Covid-19 có ảnh hưởng đáng kể đến DoorDash. Bất chấp những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, DoorDash chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng mạnh.
Theo USDA, chi tiêu cho hàng tạp hóa đã từng thống trị “thực phẩm xa nhà” cho đến khoảng năm 2007. Trong 12 năm qua, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm chế biến từ nhà hàng và các cơ sở dịch vụ ăn uống khác. Đại dịch đã thay đổi tất cả những điều đó. Khi các yêu cầu ở nhà đầu tiên được công bố vào tháng 3 2020, doanh số nhà hàng đã giảm mạnh 28% so với cùng kỳ năm trước trong khi hàng tạp hóa tăng 29%. Những con số này đã chuyển thành mức giảm 19% theo năm cho nhóm nhà hàng và tăng 12% theo năm trên chi tiêu cho hàng tạp hóa (báo cáo tới tháng 10 2020).
Trong khi đó, các nhà hàng đã hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng giao hàng và nền tảng đặt hàng để duy trì hoạt động thông qua nhận đơn hàng và giao hàng trực tuyến, thúc đẩy một năm bội thu của DoorDash. Theo e-Marketer, đại dịch đã tạo ra mức tăng 25% số người dùng ứng dụng giao hàng trên điện thoại thông minh mới vào năm 2020. Thật vậy, như đã đề cập, 15% GOV của nền tảng DoorDash đến từ những người tiêu dùng mới trong 9 tháng đầu năm 2020.
Tại sao IPO vào cuối năm 2020?
DoorDash không nhất thiết phải IPO. Với 1,6 tỷ đô la tiền mặt, các khoản tương đương tiền và chứng khoán có thể bán được trên bảng cân đối kế toán, DoorDash đang ở trong tình trạng tài chính ổn định. Nhưng, tất nhiên, DoorDash cũng cần xem xét các yếu tố khác.
Thứ nhất, đại dịch không chỉ thay đổi các con số của DoorDash mà còn thay đổi nhận thức của công ty, biến họ từ một dịch vụ “nice to have” thành một dịch vụ thiết yếu. Với Covid-19 gia tăng và một “mùa đông” dài phía trước, DoorDash sẽ cần có những chuẩn bị tương ứng.
Thứ hai, các đối thủ cạnh tranh như Uber và Grubhub đã hoạt động tốt trong thời gian gần đây. Sau một khởi đầu khó khăn sau khi IPO, cổ phiếu của Uber đã đạt mức cao mới, với thị trường dường như đang nhìn nhận tích cực việc mua lại Postmate. Điều tương tự dường như cũng sẽ xảy ra ở thương vụ Just Eat mua lại GrubHub.
Thứ ba, việc thông qua Dự luật 22 (xác định các tài xế vận tải và giao hàng dựa trên ứng dụng (rideshare) là các nhà thầu độc lập và áp dụng các chính sách lao động và tiền lương dành riêng cho các tài xế và công ty dựa trên ứng dụng) đã làm giảm rủi ro đáng kể của DoorDash. California có xu hướng đóng vai trò tiên phong cho dự luật này, vì vậy trong khi các rủi ro khác có thể xuất hiện, nó thể hiện sự xác thực đáng khích lệ đối với mô hình hoạt động của công ty.
Cuối cùng, DoorDash tin rằng câu chuyện của họ chỉ mới bắt đầu. Với tham vọng cung cấp động lực thúc đẩy cho tất cả các phương thức giao hàng địa phương và tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, công ty sẽ cần đến nguồn vốn mới.
Nguồn: Readthegeneralist
Babuki lược dịch và hiệu đính
Case Study
DoorDash
Giao hàng thực phẩm