Để lựa chọn giữa mô hình Lean canvas vs. mô hình Business model canvas, bạn cần biết sự khác biệt giữa chúng.
Cả mô hình lean canvas và business model canvas đều là những cách thức mô tả trực quan về thực tế mà doanh nghiệp của bạn đang hoạt động. Nhưng, không giống như kế hoạch kinh doanh truyền thống, chúng chỉ là những bản phác thảo. Bạn cần cập nhật chúng khi phát triển doanh nghiệp.
Mô hình lean canvas và business model canvas cho phép bạn nắm bắt mô hình kinh doanh của mình trên một trang duy nhất. Sự khác biệt chính giữa chúng là lean canvas tập trung vào giải quyết một vấn đề. Trong khi đó, business model canvas tập trung vào việc bán một sản phẩm cụ thể.
Business model canvas là gì?
Business model canvas là một mẫu (template) trực quan giúp các doanh nhân ghi lại mô hình kinh doanh hiện có hoặc phát triển một mô hình kinh doanh mới. Alexander Osterwalder đã tạo ra business model canvas vào năm 2005, dựa trên nghiên cứu học thuật của mình về bản thể học mô hình kinh doanh.
Business model canvas được thiết kế với các thức tiếp cận của các startup. Nó nhanh chóng trở thành một giải pháp thay thế cho kế hoạch kinh doanh truyền thống vốn không đủ nhanh nhạy để đáp ứng các công ty mới nổi.
Điều mang tính cách mạng về business model canvas là nó cho phép các doanh nhân nắm bắt mô hình kinh doanh trên một trang duy nhất. Điều này làm cho việc lập kế hoạch kinh doanh trở nên đơn giản và có cấu trúc hơn.
9 yếu tố (block) của business model canvas, với các ví dụ của Google:
- Đối tác chính, ví dụ: các đối tác của mạng lưới Adsense
- Hoạt động chính, ví dụ: quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin lớn
- Nguồn lực chính, ví dụ: cơ sở hạ tầng CNTT, nguồn lực tri thức
- Đề xuất giá trị, ví dụ: công cụ tìm kiếm miễn phí, quảng cáo nhắm mục tiêu
- Quan hệ khách hàng, ví dụ: đội ngũ bán hàng cho những khách hàng lớn
- Phân khúc khách hàng, ví dụ: những người sử dụng internet, các bên phát triển nội dung
- Kênh phân phối, ví dụ: đội ngũ bán hàng và hỗ trợ toàn cầu
- Cấu trúc chi phí, ví dụ: chi phí bán hàng, tiếp thị, quản trị
- Dòng doanh thu, ví dụ: doanh thu từ quảng cáo
Ưu điểm của business model canvas
- Xác định các hoạt động chính tạo ra giá trị và doanh thu cho doanh nghiệp.
- Khuyến khích các mối quan hệ chiến lược với khách hàng và đối tác.
- Cho phép thử nghiệm mô hình kinh doanh hiện có so với thị trường.
Nhược điểm của business model canvas
- Nó không phù hợp với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển rất sớm.
- Đưa ra các giả định rủi ro trong mô hình kinh doanh mà không đưa ra cách thức xác minh rõ ràng.
- Tập trung vào hiện trạng / đích đến cuối cùng của doanh nghiệp mà không xác định chiến lược để đạt được điều đó.
Lean canvas là gì?
Lean Canvas là một biến thể của mô hình kinh doanh dành cho các công ty khởi nghiệp tinh gọn. Nó được tạo ra bởi Ash Maurya, người đã quan tâm đến các giả định rủi ro, bắt nguồn từ business model canvas.
Hoạt động trong điều kiện không chắc chắn cao là thách thức chính đối với hầu hết các startup. Lean canvas giúp giải quyết vấn đề này bằng cách đóng khung các ý tưởng kinh doanh lúc đầu dưới dạng giả thuyết. Ngoài ra, lean canvas khuyến khích tập trung vào vấn đề như là điểm khởi đầu để xây dựng một doanh nghiệp.
Điều này cho phép các nhà sáng lập luôn cảnh giác và điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình khi phát triển, học hỏi và lặp lại vòng quay sản phẩm.
9 yếu tố (block) của mô hình lean canvas, với các ví dụ từ Uber London
- Vấn đề, ví dụ: khó tìm taxi khi bạn cần
- Giải pháp, ví dụ: đảm bảo taxi đến đón người có nhu cầu đi xe nhanh
- Các chỉ số đo lường chính, ví dụ: số lượng ứng dụng đã cài đặt, hành trình đặt xe
- Đề xuất giá trị duy nhất, ví dụ: dịch vụ như taxi, nhưng rẻ hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn
- Lợi thế cạnh tranh duy nhất, ví dụ: nhận thức về thương hiệu cao
- Các kênh phân phối, ví dụ: bạn bè giới thiệu
- Phân khúc khách hàng, ví dụ: người dân London trẻ tuổi, hiểu biết về internet và khách du lịch
- Cơ cấu chi phí, ví dụ: tiếp thị, PR
- Các dòng doanh thu, ví dụ: 25% giá vé tùy theo lộ trình và thời gian trong ngày (cao điểm / thấp điểm).
Ưu điểm của Lean canvas
- Nó tập trung vào hiểu vấn đề mà doanh nghiệp đang cố gắng giải quyết.
- Giảm vai trò của ô “giải pháp”, khuyến khích những ý tưởng đơn giản và dễ kiểm tra / đánh giá.
- Đề xuất các chỉ số đo lường chính để đánh giá xem doanh nghiệp có đang đi đúng hướng hay không.
- Có thể thực hiện được với các điều kiện, giả định không chắc chắn và dữ liệu không đầy đủ.
Nhược điểm của Lean canvas
- Nhấn mạnh quá mức vào trọng tâm bên trong mà không tính đến hệ sinh thái xung quanh.
- Giới hạn tư duy chiến lược ( “tập trung vào những gì khách hàng muốn ngày hôm nay, thay vì cố gắng nhìn thấy trước tương lai.”).
- Thiếu ô “Nguồn lực” có thể dẫn đến những ý tưởng sản phẩm không thực tế.
Sự khác biệt giữa Lean Canvas và Business Model Canvas
Khi Ash Maurya điều chỉnh business model canvas cho các công ty khởi nghiệp tinh gọn, 4 hộp (yếu tố) đã được điều chỉnh, những hộp được nhìn nhận không quan trọng đối với những nhà sáng lập startup, mà thay bằng những hộp có ý nghĩa hơn đối với các công ty khởi nghiệp tinh gọn.
Thêm “Vấn đề” và xóa hộp “Đối tác chính”
Charles Kettering đã từng nói rằng “một vấn đề được nêu rõ là một vấn đề đã được giải quyết một nửa”. Ash Maurya cũng tin rằng việc xác định vấn đề nên là điểm khởi đầu cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Nhiều startup thất bại không phải vì họ không thể cung cấp sản phẩm mà vì họ hiểu sai vấn đề mà họ đang giải quyết. Mô hình Lean canvas đảm bảo xác định vấn đề là một bước quan trọng trong quá trình này.
Trong khi đó, Maurya quyết định bỏ ô “Các đối tác chính” ra. Mặc dù nhận thấy sự cần thiết phải tạo ra các mối quan hệ đối tác kinh doanh, nhưng anh ấy cho rằng “khi bạn là một startup vô danh với một sản phẩm chưa được thử nghiệm, việc theo đuổi các quan hệ đối tác quan trọng ngay từ ngày đầu có thể là một sự lãng phí.”
Với cách tiếp cận tinh gọn, việc tìm kiếm đối tác sẽ đến muộn hơn. Điều quan tâm đầu tiên là hiểu vấn đề.
Thêm “Giải pháp” và xóa hộp “Hoạt động chính”
Ô “Giải pháp” trong Lean Canvas ở vị trí ít quan trọng hơn (ở trong ô nhỏ). Điều này phù hợp với cách tiếp cận khởi nghiệp tinh gọn đối với MVP (sản phẩm khả thi tối thiểu): phát triển một giải pháp đơn giản và kiểm tra xem nó có hoạt động hay không.
Việc kết hợp “Giải pháp” ở số nhiều (Solutions) vào trong lean canvas ngăn các doanh nhân làm theo ý tưởng đầu tiên của họ một cách mù quáng. Có nó như một phần của lean canvas khiến nó phải được xác minh – giống như bất kỳ phần nào khác của mô hình kinh doanh.
Đồng thời, hộp “Hoạt động chính” từ business model canvas ban đầu đã bị xóa. Đó là bởi vì các hoạt động chính phải bắt nguồn từ “Giải pháp”, sau khi chúng đã được kiểm tra và xác nhận thông qua MVP.
“Các chỉ số đo lường chính” thay vì “Nguồn lực chính”
Các chỉ số đo lường chính đã được đưa vào lean canvas để cung cấp cho các chủ doanh nghiệp một cách thức để biết liệu họ có đang đi đúng hướng hay không.
Ban đầu, các startup có thể chìm đắm trong tất cả các loại dữ liệu và con số. Điều quan trọng là phải phân biệt chúng quan trọng và là dấu hiệu của sự phát triển. Sử dụng sai (hoặc quá nhiều) các chỉ số đo lường làm dấu hiệu cho tăng trưởng có thể dẫn đến lãng phí lớn.
Noah Kagan thậm chí còn nói: “Một startup chỉ có thể tập trung vào một số liệu. Vì vậy, bạn phải quyết định đó là gì và bỏ qua mọi thứ khác ”.
Tại sao “Nguồn lực chính” bị xóa? Ash Maurya lập luận rằng trong thời đại kỹ thuật số, việc phát triển sản phẩm mới không đòi hỏi nhiều nguồn lực như trước đây. Trên hết, một số nguồn lực quan trọng cũng có thể rơi vào ô “lợi thế cạnh tranh duy nhất”.
“Lợi thế cạnh tranh duy nhất” thay vì “Mối quan hệ khách hàng”
Một lợi thế cạnh tranh duy nhất trong kinh doanh là rào cản chống lại nạn sao chép và đạo văn. Đó là một phần của mô hình kinh doanh rất độc đáo và phù hợp với ngữ cảnh nên rất khó để sao chép.
Khi Ash Maurya thêm chiếc hộp này vào mô hình lean canvas, anh ấy nhận thấy rằng rất ít startup nhận thấy lợi thế cạnh tranh duy nhất của họ ngay lập tức. Vào ngày đầu tiên, ô này có thể để trống. Nhưng theo thời gian, nó sẽ truyền cảm hứng cho các chủ doanh nghiệp tìm kiếm lợi thế cạnh tranh duy nhất khiến các giải pháp của họ khó bị sao chép.
Hộp này thay thế cho “Mối quan hệ với khách hàng” trong business model canvas. Đó là bởi vì các startup thường không lập chiến lược cho mối quan hệ đầu tiên của họ với khách hàng. Thay vào đó, các tương tác thô xuất hiện thông qua các cuộc phỏng vấn khách hàng, thử nghiệm sản phẩm và phản hồi.
Lean Canvas vs. Business Model Canvas: Bạn nên chọn cái nào?
Cả Lean canvas và Business model canvas đều có những ưu điểm và nhược điểm. Cái nào bạn sẽ chọn chủ yếu phụ thuộc vào góc độ mà bạn tiếp cận công việc kinh doanh của mình.
Lean canvas là một cách tiếp cận đơn giản hơn, tập trung vào giải quyết từng vấn đề một. Nó có thể được sử dụng ngay cả khi bạn đang bắt đầu lại từ đầu và giúp bạn suy nghĩ về các giải pháp. Đó là một cách tốt để bắt đầu nếu bạn muốn xác định vấn đề trước – và tìm ra sản phẩm của bạn từ đó.
Business model canvas có xu hướng hoạt động tốt hơn khi bạn đã xác thực các giả thuyết ban đầu của mình và đã có một sản phẩm. Nếu câu hỏi của bạn tập trung vào việc làm thế nào để sản phẩm đó sinh lời nhiều hơn (hoặc cải thiện sản phẩm theo những cách khác), thì business model canvas có thể là một giải pháp tốt. Nó cũng cung cấp cho bạn một bức tranh đầy đủ hơn về mô hình kinh doanh của bạn.
Nói cách khác, bạn có thể nói rằng mô hình lean canvas tập trung nhiều hơn vào những gì hình thành lên startup của bạn, trong khi business model canvas đào sâu hơn vào cách thức thực hiện.
Bất kể bạn chọn cái nào, hãy nhớ cập nhật nó theo thời gian. Khi startup của bạn và hệ sinh thái xung quanh nó thay đổi, nhiệm vụ của bạn với tư cách là một doanh nhân là học hỏi từ những thay đổi đó.
Nguồn: Uigstudio
Babuki lược dịch và hiệu đính
Business Model Canvas
khởi nghiệp
Lean Canvas
mô hình kinh doanh