Tổng quan thị trường sữa nước
Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa nước vẫn khá ổn định trong thời kỳ đại dịch. Quy mô thị trường sữa nước đạt mức doanh thu 64,4 nghìn tỷ VND, tương đương tốc độ tăng trưởng 10% vào năm 2020. Sản lượng bán lẻ đạt 1,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Đồ uống từ sữa có vị nước trái cây đạt mức doanh thu 1,3 nghìn tỷ đồng, và cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất 16%.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn giữ vị trí dẫn đầu về sản phẩm sữa nước vào năm 2020 với 40% thị phần.
Trong giai đoạn dự báo, các sản phẩm sữa nước được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 12% đến năm 2025.
Nhu cầu đối thị trường sữa nước vẫn khá ổn định trong thời kỳ đại dịch
Trong quý 2 năm 2020, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, do vậy doanh số bán các sản phẩm sữa nước thông qua dịch vụ ăn uống sụt giảm đáng kể. Nhu cầu sữa nước thông qua bán lẻ cũng không có sự gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn này.
Hiện nay dịch vụ ăn uống vẫn được phép kinh doanh các dịch vụ mang đi và giao hàng tận nơi, và nhu cầu về các sản phẩm sữa nước với mục đích tiêu dùng tại nhà nhìn chung vẫn ổn định.
Sữa giàu chất béo bảo quản lâu vẫn là loại sản phẩm phổ biến nhất vào năm 2020, bởi vì sản phẩm này thuận tiện bảo quản hơn và có thể mua với số lượng lớn do thời hạn sử dụng lâu hơn so với sữa tươi.
Sữa bảo quản lâu cũng có mặt tại kênh bán lẻ truyền thống như cửa hàng tạp hóa nhiều hơn so với các cửa hàng hiện đại như đại siêu thị.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa tại Việt Nam gắn liền với sức khỏe và dinh dưỡng và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hỗ trợ sự phát triển của trẻ em. Đã có nhiều hoạt động khác nhau được tổ chức bởi Hiệp hội Sữa Việt Nam, đơn vị tổ chức “Lễ hội sữa Việt Nam” năm 2019, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành thói quen uống sữa cho trẻ từ khi còn nhỏ.
Tiêu biểu có Chương trình Sữa học đường của Chính phủ, phát động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo chương trình này, sữa được phân phối đến các trường mầm non và tiểu học, nhằm cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc thể chất của trẻ nhỏ từ năm 2018-2020.
Những nỗ lực này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người Việt Nam, đặc biệt là các bậc cha mẹ, về tầm quan trọng của việc bổ sung các sản phẩm sữa nước vào chế độ ăn của gia đình và đặc biệt là con cái họ.
Tuy nhiên, đồ uống từ sữa có vị trái cây ghi nhận mức tăng trưởng giá trị bán lẻ ấn tượng nhất trong quý 2, vì các sản phẩm này có giá cả hợp lý hơn và được coi là mang lại nhiều lợi ích hơn do hàm lượng nước trái cây.
Các sản phẩm chiết xuất thực vật cũng tiếp tục thu hút người tiêu dùng Việt Nam, do nhu cầu liên tục đối với các sản phẩm thay thế sữa. Trong đó đồ uống từ đậu nành là phổ biến nhất, bên cạnh đó nhiều lựa chọn thay thế sữa khác cũng ngày càng phỏ biến như sản phẩm từ hạnh nhân, yến mạch, dừa hoặc gạo.
Ban đầu mối quan tâm đến các sản phẩm thay thế sữa được đưa ra và thúc đẩy bởi người tiêu dùng khu vực thành thị. Những người tiêu dùng này là những người theo xu hướng sức khỏe toàn cầu nói chung, muốn giảm lượng protein động vật, hoặc không thể tiêu hóa lactose; hoặc là những người theo lối sống khác như ăn chay.
Tuy nhiên, hoạt động marketing tích cực từ các công ty lớn như Vinamilk và Công ty TNHH Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã dần dần giúp người tiêu dùng hiểu về lợi ích của các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thông qua các sự kiện có mức độ phổ biến rộng rãi, trưng bày tại cửa hàng hoặc quảng cáo trên truyền hình.
Ví dụ như Sữa gạo rang Vinamilk Zori được quảng cáo là được sản xuất từ loại gạo chất lượng cao của Nhật Bản, ít đường và chất béo nhưng được bổ sung nhiều vitamin khác nhau. Công ty cũng tuyên bố rằng sản phẩm này còn hỗ trợ cả làn da và sức khỏe thể chất của mỗi người. Trong khi đó, TH True Rice của TH Food Chain JSC cũng được một quảng cáo nhấn mạnh nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm này với hình ảnh canh tác trên đất.
Mặc dù các công ty này cũng cung cấp các sản phẩm sữa nước được sản xuất từ các loại hạt, nhưng chúng vẫn có thành phần sữa bò. Chẳng hạn như TH true NUT kết hợp hạt mắc ca, quả óc chó, yến mạch và sữa bò tươi. Điều này có thể gây khó khăn hơn trong việc phân biệt cho những người tiêu dùng không hiểu rõ.
Bối cảnh cạnh tranh hợp nhất do Vinamilk dẫn đầu với danh mục sản phẩm đa dạng và mạng lưới phân phối vững chắc
Vào năm 2020 bối cảnh cạnh tranh của thị trường sản phẩm sữa nước vẫn được củng cố khá ổn định giữa ba công ty hàng đầu là Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam và Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH. Ba công ty này nắm giữ phần lớn thị phần, trong khi các nhà sản xuất còn lại tiếp tục nắm giữ thị phần giá trị một con số.
Vinamilk và TH nói riêng, tiếp tục được hưởng lợi do là công ty nội địa. Hai công ty này giữ vững vị thế dẫn đầu do người Việt Nam có niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ và thường ưu tiên các sản phẩm nội địa chất lượng tốt.
Vinamilk có điểm mạnh là danh mục sản phẩm lớn, trong đó có sữa bò chiếm ưu thế do thế mạnh về sản phẩm sữa bảo quan lâu lớn nhất. Đồng thời dẫn đầu về thức uống có sữa và giành được thị phần đáng chú ý trong lĩnh vực đồ uống từ đậu nành, chỉ đứng thứ hai sau Công ty TNHH Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy). Hệ thống phân phối và logistics mạnh mẽ cùng với ngân sách marketing lớn cho phép Vinamilk duy trì các hoạt động thu hút người tiêu dùng.
Thương vụ mua bán và sáp nhập của Vinamilk với GTNFoods, chủ sở hữu của Mộc Châu, sẽ cho phép công ty củng cố lợi thế cạnh tranh ở miền Bắc Việt Nam, và củng cố vị thế của mình trong ngành sữa tươi vốn chiếm thị phần nhỏ.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt khi có sự tham gia của sữa Long Thành và sữa Mộc Châu, chuỗi thực phẩm TH vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về sữa tươi. Đồng thời TH cũng có vị thế ngày càng đáng chú ý trong phân khúc sản phẩm sữa bảo quản lâu.
Vào năm 2018, TH đã tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư của mình bằng cách ra mắt dòng sản phẩm từ các loại hạt TH true NUT. TH hiện cung cấp các loại sữa hạt với kích cỡ và hương vị khác nhau như sữa hạt dẻ cười, sữa hạt và gạo lứt đỏ, sữa hạt và gấc. TH nhấn mạnh các lợi ích sức khỏe khác nhau từ các thành phần mà công ty sử dụng như chất chống oxy hóa để hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa, và tăng cường sức khỏe của mắt và tim mạch.
Mặc dù vẫn có thành phần sữa bò trong TH true NUT, nhưng thương hiệu này đã giới thiệu rộng rãi sữa hạt đến người dân Việt Nam thông qua nhiều kênh, từ phân phối bán hàng đến truyền thông đại chúng và các sản phẩm đều đạt thành công nhất định.
Marketing ATL (above-the-line) (bao gồm cả quảng cáo hướng tới đối tượng phụ nữ có thai và người tập thể thao) và BTL (below-the-line) cũng đã giúp nâng cao nhận thức về thương hiệu và hỗ trợ truyền tải thông điệp mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về đặc tính và lợi ích của các sản phẩm sữa nước làm từ hạt đối với người tiêu dùng.
Các công ty hàng đầu trong nước đầu tư cho việc phân phối trong nước và ra nước ngoài trong dài hạn
Trước sự xuất hiện của đại dịch, một số doanh nghiệp sữa trong nước đã mở rộng hoạt động kinh doanh xuất khẩu của mình. Hoạt động này được hỗ trợ bởi các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký thời gian qua.
Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp lựa chọn thành lập trang trại bò sữa ở nước ngoài. Chuỗi thực phẩm TH đã thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng nhằm tận dụng những gì đã đạt được trong việc tạo ra một cơ sở sản xuất sữa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tháng 5 năm 2019, TH động thổ xây dựng thêm một cơ sở chăn nuôi bò sữa và cơ sở chế biến sữa tập trung tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, với quy mô 20.000 con bò. Cơ sở này được coi là mô hình phát triển bền vững với nông dân theo mô hình hợp tác xã công nghệ cao.
Ngoài trang trại tại huyện Volokolamsk, tỉnh Moscow, hiện TH có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào các khu vực khác của Nga.
Mặt khác, Vinamilk đã có thể thâm nhập vào Trung Quốc sau khi xây dựng hệ thống 12 trang trại bò sữa tiêu chuẩn quốc tế trên khắp Việt Nam bên cạnh việc đầu tư vào trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Châu Á đạt tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt).
Ngoài việc phát triển hệ thống phân phối lớn hơn trong các siêu thị bán lẻ hiện đại ở Trung Quốc, Vinamilk cũng đã đầu tư vào thương mại điện tử nhằm cung cấp sự tiện lợi hơn cho người tiêu dùng.
Sự xuất hiện của COVID-19 có khả năng dẫn đến việc thương mại quốc tế đối mặt với nhu cầu giảm, mặc dù các công ty đã thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài thay vì chỉ dựa vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, người tiêu dùng Việt Nam đã quen với việc mua các sản phẩm sữa nước chất lượng cao với giá cả cạnh tranh. Các doanh nghiệp hàng đầu đã và đang tiếp tục đầu tư vào năng lực sản xuất và củng cố thành công nguồn nguyên liệu trong nước.
Hơn nữa, Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ giá bán lẻ của các sản phẩm sữa, bao gồm cả các sản phẩm sữa nước từ năm 2017, để đảm bảo rằng hàng hóa giàu dinh dưỡng được tiếp cận rộng rãi hơn trong cả nước.
Tiềm năng hơn nữa cho thị trường sữa nước trong tương lai nếu có thể tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng khu vực nông thôn
Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa nước được dự báo sẽ duy trì ổn định vào năm 2021 trước khi đạt được đà tăng trưởng hơn nữa trong những năm tiếp theo. Từ năm 2021 trở đi, tiêu dùng gia đình sẽ chiếm ưu thế, do người tiêu dùng ngày càng nhận thức về nhu cầu mua các sản phẩm này để tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là để hỗ trợ sự phát triển thể chất của trẻ em.
Xu hướng này có khả năng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các loại sản phẩm chỉ mang hương vị sữa. Sữa tươi và sữa bảo quản lâu chiếm ưu thế về giá cả cũng được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng daonh số bán lẻ mạnh hơn.
Do đó, các sản phẩm sữa nước mang lại nhiều tiềm năng để tăng trưởng hơn nữa. Thị trường sữa nước được thúc đẩy bởi các chiến dịch khác nhau của Chính phủ và các tổ chức sữa địa phương nhằm phổ biến lợi ích của việc uống các sản phẩm sữa.
Điều này rất hợp lý khi xem xét mức độ thâm nhập của ngành hàng này ở Việt Nam thấp hơn so với các nước Đông Nam Á khác như Malaysia và Thái Lan. Đặc biệt là vùng nông thôn, đây là thị trường tiềm năng mà chưa được khai thác. Các doanh nghiệp cần tăng cường phân phối và tạo ra nhu cầu lớn hơn ở những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn, những người vẫn chưa coi việc dùng các sản phẩm sữa là nhu cầu cần thiết.
Người tiêu dùng thành thị có ý thức về sức khỏe sẽ quan tâm hơn đến các sản phẩm sữa nước bổ sung hoặc hữu cơ
Thu nhập cao hơn và nhận thức về sức khỏe của người tiêu dùng thành thị có khả năng làm tăng nhu cầu về nhiều loại sản phẩm hữu cơ. Cả ba công ty lớn trong lĩnh vực sữa bò, Vinamilk, FrieslandCampina và TH Food Chain, hiện đều cung cấp sữa hữu cơ bảo quản lâu vì nhận thấy tiềm năng lớn hơn của dòng sản phẩm này trong một số đối tượng nhất định.
Từ đầu năm 2019, nhà sản xuất sữa Vinamilk đã đầu tư rất lớn vào phân khúc sữa hữu cơ thông qua “khu nghỉ dưỡng” bò sữa tại Tây Ninh với đàn bò 8.000 người. Bên cạnh đó công ty cũng đầu tư vào Cần Thơ, Quảng Ngãi và Lào qua việc xây dựng trang trại bò sữa hữu cơ 5.000 con.
Sữa A2, được cung cấp bởi Vinamilk và TH, được quảng bá là dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn. Tất cả các công ty lớn có khả năng sẽ tiếp tục thường xuyên làm mới các dòng sản phẩm bổ sung hoặc hữu cơ để duy trì sự quan tâm và nhu cầu của những người tiêu dùng thu nhập cao, có ý thức về sức khỏe.
Giá cả phải chăng của đồ uống từ đậu nành sẽ hỗ trợ sự thống trị của các sản phẩm thay thế sữa trong tương lai
Người tiêu dùng ngày càng tập trung vào lối sống thay thế hoặc không sử dụng thực phẩm chứa lactose hoặc sản phẩm bơ sữa, do vậy các sản phẩm thay thế sữa được dự đoán sẽ ghi nhận mức nhu cầu cao trong tương lai.
Trong số các sản phẩm thay thế, đồ uống từ đậu nành được dự báo sẽ chiếm ưu thế. Điều này là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, giá cả loại đồ uống này phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người tiêu dùng hơn so với các loại sữa thay thế khác. Thứ hai, thức uống này được sản xuất bới các ông lớn trong thị trường, tiêu biểu là Vinasoy và Vinamilk. Những công ty có thế mạnh cho phép họ đưa ra giá cả cạnh tranh, khiến sản phẩm có giá cả phải chăng hơn cho nhiều đối tượng hơn.
Tuy nhiên, các sản phẩm thay thế sữa khác vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa, đặc biệt là khi các công ty trong nước bắt đầu đầu tư vào gạo hoặc các loại hạt. Điều này có khả năng khuyến khích các công ty trong nước khác tham gia và do đó cũng có thể khiến giá sản phẩm giảm xuống theo thời gian.
Trên đây là tổng quan và những dự báo về thị trường sữa nước Việt Nam 2020 và dự báo đến năm 2025. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Đừng ngần ngại liên hệ với Babuki để tìm hiểu thêm về thị trường sữa cũng như phân tích, đánh giá tiềm năng của thị trường.
Nguồn: Euromonitor
Lược dịch và hiệu đính: Hương Bùi (Babuki)
phân tích thị trường
Sữa nước
Thực phẩm / Đồ uống