Bất kì một chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào cũng quan tâm và cần hiểu về báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Vậy đọc hiểu báo cáo tài chính như thế nào là chính xác?
Đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính là quá trình đánh giá tình hình và kết quả tài chính trong quá khứ và hiện tại của một tổ chức. Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc này là để đưa ra nhận định về các hoạt động tài chính và kinh tế của tổ chức trong tương lai.
Báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính (kế toán) được hiểu là một hệ thống dữ liệu thống nhất về tài sản, tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức.
Tùy theo hoạt động của doanh nghiệp mà báo cáo tài chính bao gồm bộ tài liệu khác nhau, nhưng chủ yếu gồm có:
- Bảng cân đối kế toán;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính (kế toán) là cơ sở thông tin của phân tích tài chính, hay nói cách khác, phân tích tài chính là phân tích dữ liệu báo cáo tài chính. Phân tích tài chính được thực hiện theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào mục đích của chủ doanh nghiệp và đầu tư.
Trong thời đại số ngày nay, khi mà dữ liệu trở thành tài sản quý giá nhất, việc đánh giá tình hình kinh doanh, đầu tư chỉ qua một vài chỉ số dễ thấy đã không còn đủ, mà chủ doanh nghiệp còn cần phân tích các dữ liệu, chỉ số đó để nhận được những thông tin cần thiết và đưa ra quyết định đúng đắn.
Báo cáo tài chính có thể được sử dụng để xác định các vấn đề về quản lý các hoạt động kinh tế và thương mại; phục vụ để đánh giá hiệu quả quản lý của tổ chức; được sử dụng để chọn hướng đầu tư vốn. Báo cáo tài chính cũng hoạt động như một công cụ để dự báo các chỉ số và hoạt động tài chính nói chung.
Những ai nên quan tâm đến báo cáo tài chính?
Người sử dụng báo cáo tài chính có thể là một tổ chức hoặc cá nhân quan tâm đến thông tin về doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng. Người sử dụng báo cáo tài chính được chia làm hai nhóm: nhóm người dùng bên ngoài và một nhóm người dùng nội bộ doanh nghiệp.
Người sử dụng bên ngoài
Những cá nhân hoặc đơn vị không thuộc doanh nghiệp nhưng trực tiếp hoặc gián tiếp quan tâm đến doanh nghiệp thì nên tìm và đọc hiểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó.
Nhóm người trực tiếp quan tâm đến doanh nghiệp có thể là:
1) nhà nước, trước hết là cơ quan thuế – chuyên xác minh tính đúng đắn của việc chuẩn bị các tài liệu báo cáo, tính thuế, xác định chính sách thuế;
2) những người cho vay hiện tại sử dụng báo cáo để đánh giá sự phù hợp của khoản vay hoặc gia hạn khoản vay, xác định điều kiện cho vay, tăng sự bảo đảm rằng doanh nghiệp có thể trả nợ và đánh giá niềm tin vào tổ chức với tư cách là khách hàng;
3) nhà cung cấp và người mua sử dụng báo cáo để xác định độ tin cậy của quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp này;
4) chủ sở hữu hiện có phân tích báo cáo tài chính để xác định mức tăng hoặc giảm trong phần vốn của chính họ và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên của ban quản lý tổ chức.
Nhóm người gián tiếp quan tâm đến báo cáo tài chính là những người không quan tâm trực tiếp đến tổ chức, nhưng họ cần nghiên cứu các báo cáo để bảo vệ lợi ích của nhóm người trực tiếp quan tâm. Nhóm này bao gồm:
1) dịch vụ kiểm toán xác minh việc tuân thủ các quy tắc báo cáo tài chính được thiết lập để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư;
2) tư vấn tài chính sử dụng báo cáo để phát triển các khuyến nghị cho khách hàng của họ liên quan đến việc đầu tư vốn trong một công ty cụ thể;
3) cơ quan lập pháp;
4) luật sư cần báo cáo tài chính để đánh giá việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng, tuân thủ các tiêu chuẩn lập pháp trong phân phối lợi nhuận và cổ tức, cũng như để xác định các điều kiện để trả lương hưu;
5) báo chí và các cơ quan tin tức sử dụng báo cáo để đánh giá xu hướng phát triển và phân tích hoạt động của từng công ty và ngành công nghiệp, và tính toán các chỉ số tổng quát của hoạt động tài chính;
7) các tổ chức thống kê nhà nước sử dụng báo cáo cho các bản tóm tắt thống kê theo ngành, cũng như phân tích so sánh và đánh giá hiệu suất ở cấp ngành.
Người sử dụng nội bộ
Trong nội bộ doanh nghiệp các quản lý cấp cao và ban giám đốc cần sử dụng báo cáo tài chính, hoặc báo cáo sau khi phân tích tài chính để xác định tính đúng đắn của các quyết định hoạt động kinh doanh, đầu tư, hoặc tài chính đã được thực hiện; hiệu quả của cơ cấu vốn; xác định các hướng chính của chính sách cổ tức; dự báo và thực hiện tính toán sơ bộ các chỉ số tài chính, đánh giá khả năng sáp nhập hoặc mua lại tổ chức khác hoặc tái cấu trúc.
Phân tích báo cáo tài chính
Phân tích tài chính nghiên cứu về tình hình tài chính và kết quả tài chính của tổ chức, được hình thành dưới tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, dựa trên dữ liệu từ báo cáo tài chính.
Mục đích và nhiệm vụ
Mục đích của việc phân tích báo cáo tài chính là để có được nhiều thông tin nhất có thể nhằm đưa ra một bức tranh khách quan và chính xác nhất về tình trạng tài chính và kết quả tài chính của một doanh nghiệp.
Phân tích báo cáo tài chính giải quyết các nhiệm vụ sau:
1) đánh giá cấu trúc tài sản của tổ chức và các nguồn hình thành của nó;
2) cho thấy mức độ cân bằng của các nguồn lực vật chất và tài chính;
3) đánh giá cấu trúc và dòng vốn chủ sở hữu và vốn vay nhằm tối đa hóa doanh thu hoặc tối ưu hóa lợi nhuận, tăng sự ổn định tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán, ….;
4) đánh giá việc sử dụng vốn chính xác để duy trì cơ cấu vốn hiệu quả;
5) đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố đến kết quả tài chính của hoạt động và hiệu quả sử dụng tài sản của tổ chức;
6) thực hiện kiểm soát dòng tài chính của tổ chức, tối ưu hóa cấu trúc và sử dụng chi phí.
Ý nghĩa
Trong điều kiện kinh tế hiện đại ngày nay, phần lớn các doanh nghiệp ra quyết định quản lý như là một phản ứng với các vấn đề hiện tại. Hình thức quản lý này tạo ra một số mâu thuẫn giữa: lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích tài chính của nhà nước; chi phí và lợi nhuận của sản xuất; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và lợi nhuận trên thị trường tài chính; lợi ích của sản xuất và dịch vụ tài chính, …
Phân tích báo cáo tài chính hoạt động như một công cụ để xác định các vấn đề về quản lý hoạt động tài chính và kinh tế, để lựa chọn đúng các lĩnh vực đầu tư vốn và dự báo các chỉ số tài chính riêng lẻ.
Một trong những xu hướng hiện nay là quản lý tài chính và kinh tế dựa trên phân tích tình hình kinh tế, bao gồm các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện thị trường. Kết quả hoạt động tài chính và kinh tế của doanh nghiệp được cả các cá nhân và đơn vị bên ngoài (người tiêu dùng và nhà sản xuất, chủ nợ, cổ đông, nhà đầu tư), lẫn nội bộ (nhân viên của bộ phận hành chính, quản lý công ty, ban giám đốc…) quan tâm.
Các mục tiêu chiến lược phát triển chính của bất kỳ tổ chức nào trong nền kinh tế hiện nay bao gồm:
- tối ưu hóa cấu trúc vốn và đảm bảo sự ổn định tài chính của doanh nghiệp;
- tối đa hóa lợi nhuận;
- đảm bảo sự hấp dẫn đầu tư của doanh nghiệp;
- tạo ra một cơ chế hiệu quả để quản lý doanh nghiệp;
- đảm bảo sự minh bạch về điều kiện tài chính và kinh tế của doanh nghiệp cho chủ sở hữu (người tham gia và người sáng lập), nhà đầu tư, chủ nợ;
- thu hút các nguồn tài chính.
Sự tối ưu của các quyết định quản lý phụ thuộc vào các lĩnh vực khác nhau trong chính sách phát triển của doanh nghiệp:
- từ chất lượng phân tích kinh tế;
- từ sự phát triển của chính sách kế toán và thuế;
- từ sự phát triển của các lĩnh vực chính sách tín dụng;
- chất lượng quản lý vốn lưu động, tín dụng và các khoản phải thu;
- từ phân tích và quản lý chi phí, bao gồm cả việc lựa chọn chính sách khấu hao.
Thật khó để đánh giá tầm quan trọng của phân tích tài chính đối với tổ chức, vì chính điều này là cơ sở để phát triển chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa trên dữ liệu từ phân tích cuối cùng về tình hình tài chính và kinh tế, gần như tất cả các lĩnh vực trong chiến lược kinh doanh (bao gồm cả tài chính) của doanh nghiệp được kiểm soát phát triển, từ đó tăng hiệu quả quản lý.
Chất lượng của phân tích tài chính phụ thuộc vào phương pháp được sử dụng, độ tin cậy của dữ liệu báo cáo tài chính và cũng tùy thuộc vào năng lực của người ra quyết định.
Mô hình tài chính
Hình dưới đây mô tả mô hình tài chính của tổ chức. Nó minh họa sự hình thành vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu và vốn vay. Vốn có thể được đầu tư vào tài sản ngắn hạn hoặc dài hạn, hoặc – nếu có một số thặng dư – sẽ được đưa vào đầu tư bên ngoài.
Mô hình tài chính của doanh nghiệp
Một phần vốn lưu động được dành cho nguyên vật liệu và chuyển đổi chúng thành thành phẩm và hàng hóa, cũng như chuyển đổi tất cả thành tiền. Quá trình chuyển đổi các nguyên vật liệu đã mua thành một sản phẩm cuối cùng bao gồm chi tiền cho lao động, thuê mặt bằng, thuế, bảo hiểm, … Ngoài ra, doanh nghiệp có nhiều chi phí hành chính cũng cần tiền.
Việc bán thành phẩm (dịch vụ) và hàng hóa có thể được thực hiện thông qua thanh toán trực tiếp hoặc tín dụng. Và trong nhiều trường hợp các khoản nợ làm chậm quá trình dòng tiền vào doanh nghiệp.
Nếu tổ chức đầu tư tiền vào các dự án bên ngoài, thì lãi từ các khoản đầu tư đó sẽ được tính là vốn lưu động theo hình thức thu nhập từ các hoạt động khác. Cuối cùng, một lượng tiền mặt sẽ bị mất do thuế, lãi cho các khoản vay và các chi phí tài chính khác.
Mô hình tài chính phản ánh mối quan hệ tiền tệ từ sản xuất và bán sản phẩm / dịch vụ, đến tái sản xuất tài sản ngắn hạn và dài hạn, và sử dụng thu nhập cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính.
Ở những bài viết sau chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu vào từng tài liệu trong báo cáo tài chính cũng như ý nghĩa và cách sử dụng các tài liệu đó:
- Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp;
- Đánh giá Tài sản và Nguồn vốn trong Bảng cân đối kế toán;
- Phân tích tính thanh khoản bảng cân đối kế toán
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
quản trị
Tài chính