Phân tích SWOT liên quan đến việc thu thập và miêu tả thông tin về các yếu tố bên trong và bên ngoài, có hoặc có thể có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Phân tích SWOT giúp chủ doanh nghiệp hiểu rõ về những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp và nhìn nhận các cơ hội và mối đe dọa từ bên ngoài.
Hiểu về phân tích SWOT
Phân tích SWOT là gì? Câu trả lời rất đơn giản: đó là một phương pháp được sử dụng để phân tích tình huống (kinh doanh hoặc cá nhân)! Phân tích SWOT bao gồm 4 yếu tố:
- Điểm mạnh (Strength): các yếu tố mang lại lợi thế cho công ty so với các đối thủ cạnh tranh
- Điểm yếu (Weakness): các yếu tố có thể gây ra bất lợi cho công ty
- Cơ hội (Opportunities): tình huống thuận lợi có thể mang lại lợi thế cạnh tranh
- Đe dọa (Threats): tình huống bất lợi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp
Điểm mạnh và điểm yếu là yếu tố nội lực của công ty, có thể được quản lý trực tiếp, trong khi các cơ hội và mối đe dọa là bên ngoài, công ty chỉ có thể dự đoán và phản ứng với chúng. Thông thường, phân tích SWOT được trình bày dưới dạng ma trận như trong hình minh họa dưới đây:
Lợi ích của phân tích SWOT
Phân tích SWOT có 5 lợi ích chính:
- Đơn giản để làm và thực tế để sử dụng;
- Rõ ràng để hiểu;
- Tập trung vào các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến công ty;
- Giúp xác định các mục tiêu trong tương lai;
- Là nền tảng cho các phân tích sâu hơn
Hạn chế của phân tích SWOT
Mặc dù có những lợi ích rõ ràng khi thực hiện phân tích SWOT, nhiều nhà quản lý và học giả chỉ trích nặng nề, thậm chí không công nhận đây là một phương pháp nghiêm túc. Theo họ, đây là phân tích ‘’cấp độ thấp’’. Dưới đây là những hạn chế chính mà quan điểm này chỉ ra:
- Danh sách có thể gồm quá nhiều điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa;
- Không ưu tiên các yếu tố;
- Các yếu tố được mô tả quá rộng;
- Các yếu tố thường là ý kiến, không phải sự thật;
- Không có phương pháp được công nhận để phân biệt giữa điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa
Làm thế nào để thực hiện phân tích SWOT?
Phân tích SWOT có thể được thực hiện bởi một người hoặc một nhóm thành viên chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc đánh giá tình hình công ty. Phân tích SWOT cơ bản được thực hiện khá dễ dàng và chỉ bao gồm một vài bước:
- Bước 1. Liệt kê các điểm mạnh và điểm yếu chính của công ty
- Bước 2. Xác định các cơ hội và các mối đe dọa
Điểm mạnh và điểm yếu
Điểm mạnh và điểm yếu là những yếu tố của môi trường nội bộ trong công ty. Khi tìm kiếm điểm mạnh, hãy xem xét doanh nghiệp của bạn đã đem lại giá trị gì cho khách hàng mà họ đánh giá là tốt hơn các đối thủ khác? Trong trường hợp điểm yếu, hãy xem xét những yếu tố khiến khách hàng của bạn chưa hài lòng, hoặc yếu tố mà các đối thủ cạnh tranh đang làm tốt hơn.
Xác định điểm mạnh và điểm yếu trong phân tích SWOT như thế nào?
Một số điểm mạnh hoặc điểm yếu có thể được nhận ra ngay lập tức mà không cần nghiên cứu sâu hơn về tổ chức. Một số yếu tố mà các nhà quản lý doanh nghiệp cần xem xét trong nội bộ công ty để xác định điểm mạnh và điểm yếu là:
- Tài nguyên: đất đai, thiết bị, kiến thức, tài sản thương hiệu, sở hữu trí tuệ, v.v.
- Năng lực cốt lõi
- Các lĩnh vực chức năng: quản lý, điều hành, tiếp thị, tài chính, nhân sự và R & D
- Văn hóa tổ chức
- Hoạt động chuỗi giá trị
Benchmarking (so sánh với thị trường) là một trong những phương pháp phân tích điểm mạnh/ yếu
Dựa trên các yếu tố này, bạn có thể tham khảo một số phương pháp thực hiện để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp mình:
- Phương pháp so sánh với thị trường (benchmarking) trong phân tích SWOT: là công cụ chiến lược để so sánh hiệu suất của các quy trình và sản phẩm kinh doanh với hiệu suất tốt nhất của các công ty khác trong và ngoài ngành. Ví dụ, nếu thời gian giao hàng cho khách hàng nội thành trung bình của doanh nghiệp bạn là 2,5 giờ, còn thời gian trung bình của 4 đối thủ cùng ngành, cùng phân khúc là 2 giờ, thì bạn nhận ra “tốc độ giao hàng” là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp mình.
- Mô hình VRIO trong phân tích SWOT: một tài nguyên có thể được coi là một thế mạnh nếu nó thể hiện các đặc điểm mô hình VRIO (có giá trị, hiếm, không thể bắt chước và được tổ chức để nắm bắt giá trị). Trường hợp ngược lại, nó không cung cấp bất kỳ lợi thế chiến lược nào cho công ty.
Cơ hội và mối đe dọa
Cơ hội và các mối đe dọa là các yếu tố bên ngoài không thể kiểm soát được, thường xuất hiện hoặc phát sinh do những thay đổi trong môi trường vĩ mô, ngành hoặc hoạt động của đối thủ cạnh tranh. “Cơ hội” đại diện cho các tình huống bên ngoài mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn nếu doanh nghiệp nắm bắt được. “Các mối đe dọa” có thể gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp của bạn, do đó rất cần xác định rõ để tránh hoặc xử lý sớm.
Xác định cơ hội và mối đe dọa trong phân tích SWOT như thế nào?
Để nhận biết được cơ hội và mối đe doạ đối với doanh nghiệp, bạn có thể căn cứ vào một số phương pháp sau đây:
- Dùng phân tích PESTEL: Phân tích PEST hoặc PESTEL (Chính trị – Political, Kinh tế – Economic, Xã hội – Social, Công nghệ – Technological, Môi trường – Environmental và Pháp lý – Legal) đại diện cho tất cả các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Vì vậy, đây là phương pháp khá toàn diện để tìm kiếm các cơ hội và mối đe dọa hiện có hoặc tiềm tàng.
- Căn cứ vào sự cạnh tranh: Đối thủ cạnh tranh phản ứng với sự dịch chuyển của bạn và sự thay đổi bên ngoài. Họ cũng thay đổi chiến lược hiện tại hoặc giới thiệu những chiến lược mới. Do đó, công ty phải luôn theo dõi hành động của các đối thủ cạnh tranh vì các cơ hội và mối đe dọa mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
- Căn cứ vào sự thay đổi của thị trường: Các cơ hội và mối đe dọa xuất hiện rõ ràng nhất khi thị trường thay đổi. Khi đó, các yếu tố bên ngoài thay đổi, làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, tức là có nhiều cơ hội và mối đe doạ mới. Nhiều chiến lược cũ trước đây hiệu quả giờ không còn hiệu quả nữa, tạo ra rào cản cũng như thuận lợi cho các phương thức mới, cách tiếp cận mới và mô hình kinh doanh mới.
Phân tích SWOT nâng cao
Đa số, phân tích SWOT được coi như là một tham khảo để phân tích thêm vì nó có quá nhiều hạn chế và không thể được sử dụng một mình trong phân tích tình huống. Bài viết này đã đề cập hầu hết các ưu điểm và hạn chế của phân tích SWOT, ngoại trừ một điểm: “Mức độ ưu tiên của các yếu tố”. Phân tích SWOT nâng cao sẽ tiến thêm một bước và loại bỏ nhược điểm quan trọng này.
Phân tích SWOT nâng cao giúp xác định được mức độ ưu tiên của các yếu tố,
từ đó, doanh nghiệp đưa ra được những kế hoạch tập trung nguồn lực phù hợp
Trong một phân tích SWOT đơn giản, điểm mạnh và điểm yếu hoặc cơ hội và mối đe dọa là bằng nhau, do đó một điểm yếu nhỏ có thể cân bằng một điểm mạnh lớn. Nếu không có sự ưu tiên, một số yếu tố có thể được nhấn mạnh quá nhiều hoặc quá ít và các yếu tố liên quan nhất có thể bị bỏ qua.
Mục đích của phân tích SWOT nâng cao là xác định các yếu tố quan trọng nhất của phân tích từ tất cả các mục được liệt kê trên đó. Làm thế nào để thực hiện nó?
- Bước 1. Xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa
- Bước 2. Xác định mức độ ưu tiên của chúng
Mức độ ưu tiên trong phân tích SWOT
Điểm mạnh và điểm yếu được đánh giá theo các bước sau đây:
- Tầm quan trọng: cho thấy tầm quan trọng của một điểm mạnh hay điểm yếu đối với tổ chức trong ngành vì một số điểm có thể quan trọng hơn các điểm khác. Khi dùng thang điểm để đánh giá tầm quan trọng, cần gán một giá trị cho từng điểm mạnh và điểm yếu, ví dụ như từ 0,01 (không quan trọng) đến 1,0 (rất quan trọng). Tổng của tất cả các trọng số phải bằng 1,0 (bao gồm cả điểm mạnh và điểm yếu).
- Xếp hạng: điểm từ 1 đến 3 được gán cho mỗi yếu tố để cho biết đó là điểm mạnh có giá trị lớn (3 điểm) hay thứ yếu (1 điểm) đối với doanh nghiệp. Đánh giá tương tự phải được dùng cho các điểm yếu, trong đó 1 đại diện cho một điểm yếu nhỏ và 3 là điểm yếu lớn.
- Điểm số: là kết quả của tầm quan trọng nhân với xếp hạng. Nó giúp doanh nghiệp nhìn ra những điểm mạnh và điểm yếu cần được ưu tiên xem xét. Doanh nghiệp cần củng cố những điểm mạnh quan trọng nhất của mình và cố gắng chuyển đổi hoặc bảo vệ những phần yếu nhất của tổ chức. Trong trường hợp chưa thể tự xác định, doanh nghiệp nên nhờ đến sự hỗ trợ của các công ty tư vấn để phân tích SWOT cho doanh nghiệp mình.
Cơ hội và mối đe dọa được ưu tiên hơi khác so với điểm mạnh và điểm yếu. Các bước đánh giá chúng bao gồm:
- Tầm quan trọng: cho thấy các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở mức độ nào. Một lần nữa, các số từ 0,01 (không có tác động) đến 1.0 (tác động rất cao) cần được chỉ định cho từng yếu tố. Tổng của tất cả các trọng số phải bằng 1,0 (bao gồm cả cơ hội và các mối đe dọa).
- Xác suất: cho thấy khả năng mà một cơ hội hoặc mối đe dọa sẽ có bất kỳ tác động nào đến doanh nghiệp. Các yếu tố này nên được đánh giá từ 1 (xác suất thấp) đến 3 (xác suất cao).
- Điểm số: tầm quan trọng nhân với xác suất sẽ cho thấy điểm số ưu tiên của các cơ hội và mối đe dọa. Hãy chú ý đến các yếu tố có điểm số cao nhất để tập trung nguồn lực giải quyết. Khi đặt ưu tiên hành động đúng thì phân tích SWOT mà doanh nghiệp đã thực hiện mới có giá trị thực tiễn.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Babuki lược dịch và hiệu đính
công cụ chiến lược
phân tích swot
phân tích thị trường