Chuyển đổi số hiện tại là điều cần thiết để tồn tại trong kinh doanh, nhưng một số doanh nghiệp lại liên tục thất bại trong công cuộc chuyển đổi số. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao và doanh nghiệp có thể làm gì để tránh những sai lầm này.
Chuyển đổi số đã trải qua một chặng đường dài từ khi nó còn là một thuật ngữ mới cho đến khi trở thành một điều kiện tiên quyết cho doanh nghiệp nếu muốn thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, những thất bại trong quá trình chuyển đổi số vẫn tiếp tục gây đau đầu cho các doanh nghiệp ngay cả khi họ đã đầu tư lớn cho những nỗ lực chuyển đổi.
Một nghiên cứu mới từ Tập đoàn tư vấn BCG cho thấy, trên thực tế, 70% các dự án chuyển đổi số không đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng chuyển đổi số chỉ xoay quanh cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Thực tế không phải vậy, chuyển đổi số còn xoay quanh vấn đề mô hình kinh doanh, chiến lược, văn hóa doanh nghiệp, và xây dựng thương hiệu, như được đề cập trong bài viết Kim tự tháp chuyển đổi số: 3 cấp độ và 5 phần quan trọng. Nếu bạn không tiếp cận nó từ quan điểm về kinh doanh và khách hàng như vậy, bạn sẽ thất bại.
- Tham khảo: 10 lợi ích hàng đầu của chuyển đổi số với doanh nghiệp
- Tham khảo: Chuyển đổi số doanh nghiệp: Chiến lược, Lộ trình và Đánh giá hiệu quả
3 loại thất bại trong chuyển đổi số
Theo Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn doanh nghiệp toàn cầu, thất bại trong chuyển đổi số gồm ba loại: thoái trào, hoạt động kém hiệu quả và thất bại trong các dự án kỹ thuật số mới.
- Thoái trào, hay nói theo cách khác, doanh nghiệp đang “bị rửa trôi”. Doanh nghiệp cho rằng họ đang thực hiện chuyển đổi số, nhưng thực tế họ mới chỉ đang bắt tay vào làm các dự án mà đáng lẽ phải được triển khai từ trước đó rất lâu rồi, ví dụ như triển khai thương mại điện tử.
- Hoạt động kém hiệu quả xảy ra khi doanh nghiệp không đầu tư nhiều hơn vào những nỗ lực chuyển đổi và không tập trung đủ vào những dự án có thể tạo ra giá trị mới. Cuối cùng, họ vẫn gặt hái được những lợi ích từ chuyển đổi số, nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều.
- Loại thất bại cuối cùng là thất bại trong các dự án kỹ thuật số mới. Ví dụ, khi doanh nghiệp cố gắng tung ra một sản phẩm hoặc dịch vụ kỹ thuật số mới, nhưng nó không đạt được thành công và doanh nghiệp đó buộc phải ngừng sản xuất.
Việc liên tục đo lường và cải thiện tỉ suất lợi nhuận đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp tránh gặp thất bại trong quá trình chuyển đổi số. Muốn chuyển đổi sang kinh doanh kỹ thuật số thường phải mất một thời gian dài, vì vậy doanh nghiệp phải tự điều chỉnh tốc độ của mình. Ban đầu, cần đo lường kết quả mà doanh nghiệp nhận được bằng các chỉ số quan trọng, như số lượng khách hàng, số lượng giao dịch và tăng trưởng theo thời gian. Tiếp đó, sử dụng các chỉ số thứ cấp sau một thời gian như doanh thu và lợi nhuận ròng để đo lường thành công.
6 lý do hàng đầu khiến doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại
Các chuyên gia đều nhất trí rằng bất kể quy mô doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ, một chiến lược chuyển đổi số thành công luôn bắt đầu bằng việc đội ngũ lãnh đạo có hiểu biết rõ ràng và tầm nhìn về những gì doanh nghiệp đang chuyển đổi.
Khi các doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi các dự án chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh hơn do đại dịch COVID-19 trong năm qua, cần tránh những sai lầm có thể dẫn đến thất bại. Sau đây là tổng quan về 6 lý do chính khiến các doanh nghiệp gặp phải những thất bại khi chuyển đổi số, và lời khuyên về cách doanh nghiệp của bạn có thể tránh những trở ngại này để xây dựng một lộ trình chuyển đổi số thực sự mang lại giá trị kinh doanh.
1. Thiếu tư duy chính xác
Việc không có tư duy chuyển đổi đúng đắn thường là lý do đầu tiên khiến các dự án chuyển đổi số thoái trào, hoạt động kém hiệu quả hoặc thất bại hoàn toàn. Bản chất con người luôn chống lại sự thay đổi dù ít hay nhiều, nhưng các CEO (Giám đốc Điều hành) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi tư duy của toàn bộ doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công.
Các CEO thực sự cần phải lãnh đạo quá trình chuyển đổi số để xây dựng tinh thần chung, mô hình hóa các hành vi để chuyển đổi và vận dụng các hành vi đó. Sự hỗ trợ của CEO cho các dự án kỹ thuật số còn rất quan trọng ở chỗ nó giúp đảm bảo ngân sách chuyển đổi số đầy đủ.
Một tư duy khác dẫn đến những thất bại trong quá trình chuyển đổi số là khi phần còn lại của doanh nghiệp coi công nghệ thông tin (CNTT) như một “điều không muốn nhưng phải chấp nhận”. Thay vì chỉ là đối tác thực thi, các CIO (Giám đốc Công nghệ thông tin) cần đóng vai trò là động cơ thúc đẩy sự thay đổi và đào tạo. Điều đó cùng với sự tham gia của CEO ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp gặt hái được thành công trong việc thiết lập CNTT như một yếu tố thúc đẩy chuyển đổi.
2. Không có văn hóa phù hợp
Các chuyên gia đều đồng ý rằng văn hóa vốn có của một doanh nghiệp có thể đóng vai trò là yếu tố quyết định trong các dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp đó. Thay đổi văn hóa là trọng tâm của chuyển đổi số. Những môi trường chấp nhận sự thay đổi và có sự hợp tác hiệu quả sẽ đạt được thành công hơn trong chuyển đổi số.
Bất kể là thay đổi sản phẩm, hoạt động nội bộ hay cách thức doanh nghiệp tương tác với khách hàng, chuyển đổi số luôn liên quan đến việc thu hút các phòng ban và các nhóm trong cùng một phòng ban làm việc với nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn. Nếu không có thói quen kết hợp các chức năng và phối hợp giữa các phòng ban thì quá trình chuyển đổi sẽ thực sự thất bại.
Các chuyên gia cũng nhất trí rằng quản lý sự thay đổi là một phần quan trọng trong việc tạo ra sự chuyển mình trong văn hóa. Việc quản lý sự thay đổi hiệu quả giúp xác định những cá nhân có dấu hiệu chống đối sự thay đổi cao nhất và sau đó cung cấp cho họ chương trình đào tạo phù hợp để biến họ thành những người tích cực về chuyển đổi số.
3. Không tuyển dụng đúng nhân tài
Không tuyển dụng được nhân tài thích hợp để thúc đẩy các dự án chuyển đổi là một yếu tố khác khiến cho chuyển đổi số thất bại. Các doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc đưa ra yêu cầu cụ thể về nhân sự mình cần và thu hút được những người có hiểu biết về kỹ thuật số và kinh nghiệm thực hiện các chuyển đổi như vậy.
Bất cứ ai cho rằng họ có thể thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp mà giữ nguyên đội ngũ nhân viên và điều hành cũ thì là đang tự lừa dối chính mình. Điều đó đặc biệt đúng với các công ty phi kỹ thuật số.
Nhưng việc tìm kiếm những người có kỹ năng phù hợp cho nhóm chuyển đổi số của bạn có thể là một thách thức. Ngay cả tỷ lệ thất nghiệp do đại dịch gây ra cũng không thể nới lỏng thị trường nhân tài. Vẫn còn thiếu nhân tài trong các lĩnh vực đòi hỏi cao như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
Doanh nghiệp nên tuyển dụng những người nhận thức được những sai sót có thể xảy ra với dự án chuyển đổi số và có thể truyền đạt những kiến thức đó cho những người còn lại của doanh nghiệp. Những tác nhân thay đổi này có thể giúp tạo ra trọng tâm phù hợp, quy trình kinh doanh và quy trình đào tạo cần thiết để thành công.
Tuy nhiên, điều không kém phần quan trọng là giữ chân những nhân viên thực sự hiểu thị trường, doanh nghiệp của bạn và cả khách hàng của bạn.
4. Thiếu mục tiêu rõ ràng cho dự án chuyển đổi số
Việc không đặt ra bất kỳ mục tiêu rõ ràng nào khi chuyển đổi số là một lý do nữa khiến các dự án chuyển đổi thất bại. Doanh nghiệp cần hiểu những lĩnh vực trọng tâm là gì và họ đang cố gắng đạt được điều gì theo quan điểm kinh doanh – có thể là giảm chi phí, tăng mức độ tinh gọn hoặc tăng độ bảo mật.
Không xác định mục tiêu rõ ràng dẫn đến việc mỗi người trong doanh nghiệp của bạn sẽ đi theo một hướng khác nhau; không có sự liên kết và cuối cùng, điều đó sẽ dẫn đến thất bại. Giống như bất kỳ một dự án chuyển đổi nào, điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng bạn đã xác định đúng mục tiêu và hướng dự án chuyển đổi số đến những mục tiêu đó.
Việc không có tầm nhìn rõ ràng khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu ngân sách và hiểu sai về những gì mà những chuyển đổi số đòi hỏi. Làm công nghệ vì lợi ích của công nghệ luôn là một ý tưởng tồi.
5. Không xem xét kỹ những công nghệ cần thiết và tác động của chúng
Khi thực hiện các dự án chuyển đổi số, nếu chỉ tập trung vào những công nghệ hỗ trợ thì có thể dẫn đến thất bại.
Ví dụ, một doanh nghiệp đang muốn triển khai việc giao tiếp ưu tiên qua video. Nếu chỉ tập trung vào cách làm sao một công cụ như Zoom có thể cải thiện việc giao tiếp của nhân viên và không xem xét liệu họ có chấp nhận và tuân thủ hay không, thì dự án sẽ bị đình trệ.
Thay vào đó, nên nghiên cứu kỹ càng trước, xem xét toàn bộ gói công nghệ nếu muốn chia sẻ thông tin theo một phương pháp mới. Cũng cần có cơ sở hạ tầng về bảo mật và sự đóng góp ý kiến của cả những cá nhân khác.
6. Áp dụng thái độ “chấp nhận thất bại nhanh chóng”
Chấp nhận thất bại nhanh chóng – một câu thần chú thường gắn liền với chuyển đổi số – thực ra lại là một trở ngại đối với thành công trong chuyển đổi số. Khi áp dụng tâm lý này, doanh nghiệp không để cho các dự án của mình có cơ hội thành công.
Vấn đề của thái độ chấp nhận thất bại nhanh này là, thứ nhất, bạn chấp nhận thất bại và thứ hai, bạn không yêu cầu bất kỳ hành động nào củamình được suy nghĩ thấu đáo. Thay vào đó, doanh nghiệp nên tăng gấp đôi số dự án nếu thất bại ở lần đầu và tập trung vào việc “dám làm và làm ngày một tốt hơn”.
Khi xem xét một số doanh nghiệp đã gặp thất bại trong chuyển đổi số, các chuyên gia nhấn mạnh việc chuyển đổi số đòi hỏi một sự phân tích cẩn thận và việc này tất nhiên không thể hoàn thành chỉ sau một đêm.
Nếu bạn đang kinh doanh liên quan tới kỹ thuật số và bạn muốn trở thành một gã khổng lồ về kỹ thuật số, hãy xem xét mô hình kinh doanh và hiểu cách bạn có thể kiếm tiền từ nó. Hãy hiểu rằng nếu bạn định thu thập tất cả những dữ liệu đó, bạn cần một cơ hội đầu tư dài hạn, và đảm bảo rằng bạn chọn đúng người hợp tác. Đó là những bài học rút ra từ tất cả những kinh nghiệm chuyển đổi số này.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: Techtarget.com
Babuki lược dịch và hiệu đính
chiến lược
chuyển đổi số