Nếu việc mua lại một cơ sở kinh doanh hiện hữu không phù hợp với bạn, nhưng khởi nghiệp có quá nhiều rủi ro thì nhượng quyền thương mại có thể là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.
Nhượng quyền thương mại (Franchise) là gì?
Về cơ bản, đây là mô hình mà bên nhận quyền trả một khoản phí ban đầu và chi phí bản quyền liên tục (theo tháng / quý / năm) cho bên nhượng quyền. Đổi lại, bên nhận quyền có quyền sử dụng nhãn hiệu, hỗ trợ liên tục từ bên nhượng quyền, và hệ thống kinh doanh và bán sản phẩm / dịch vụ của bên nhượng quyền.
Ngoài việc được kinh doanh một thương hiệu nổi tiếng, việc mua nhượng quyền mang lại nhiều lợi thế khác mà không phải doanh nhân nào bắt đầu kinh doanh từ đầu cũng có được. Có lẽ điều quan trọng nhất là bạn có được một hệ thống vận hành và đào tạo đã được chứng minh về cách thức sử dụng và hiệu quả của nó. Bên nhận quyền mới có thể tránh được nhiều sai lầm mà các doanh nhân mới thành lập thường mắc phải vì bên nhượng quyền đã hoàn thiện các hoạt động vận hành hàng ngày thông qua các thử nghiệm và khắc phục các sai sót.
Các nhà nhượng quyền có uy tín tiến hành nghiên cứu thị trường trước khi bán một cửa hàng nhượng quyền mới. Vì vậy bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn về việc thị trường có nhu cầu cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Không thực hiện nghiên cứu thị trường đầy đủ là một trong những sai lầm lớn nhất mà các doanh nhân độc lập thường mắc phải. Với tư cách là một bên nhận quyền, nghiên cứu thị trường đã được thực hiện cho bạn. Bên nhượng quyền cũng cung cấp cho bạn một bức tranh rõ ràng về sự cạnh tranh / đối thủ cạnh tranh và điểm khác biệt của bạn với các đối thủ này.
Cuối cùng, các bên nhận quyền được hưởng lợi từ sức mạnh của quy mô (số lượng cửa hàng). Bạn sẽ thu được lợi ích từ tính kinh tế của quy mô trong việc mua nguyên liệu, vật tư và dịch vụ, chẳng hạn như quảng cáo, cũng như trong việc thương lượng về địa điểm kinh doanh và các điều khoản thuê. Để so sánh, các nhà khai thác độc lập phải tự thương lượng, thường nhận được các điều khoản ít có lợi hơn. Một số nhà cung cấp sẽ không giao dịch với các doanh nghiệp mới hoặc sẽ từ chối doanh nghiệp của bạn vì quy mô của bạn không đủ lớn.
Ưu điểm của hình thức mua nhượng quyền
Có thể bạn đã nghĩ đến mua nhượng quyền một mô hình chưa xuất hiện ở nơi bạn sống hay một công ty mà bạn luôn ngưỡng mộ bằng cách trở thành một chi nhánh nhượng quyền. Bất kể nhượng quyền đã thu hút bạn như thế nào thì nó có 5 ưu điểm sau đây:
1. Bỏ qua giai đoạn ban đầu (Startup)
Phần khó khăn nhất của việc sở hữu một doanh nghiệp được cho là nằm ở giai đoạn “startup”, khi mà bạn phải tiến hành phân tích thị trường, viết kế hoạch kinh doanh, tạo ra một sản phẩm khả thi tối thiểu, đưa vào thử nghiệm rồi nhân rộng quy mô (nếu quá trình thử nghiệm thành công). Mua nhượng quyền giúp bạn bỏ qua giai đoạn này: hệ thống đã được thử nghiệm và chứng thực là hoạt động tốt. Mọi việc bây giờ phụ thuộc vào việc bạn áp dụng hệ thống đó vào thị trường như thế nào. Điều này đồng nghĩa với việc bạn tiết kiệm được nhân lực, thời gian và tài chính cho giai đoạn này.
Nhượng quyền là hình thức kinh doanh có nhiều ưu điểm hấp dẫn…
2. Thương hiệu được nhận biết tức thì
Nhượng quyền thương mại luôn đi cùng với một cái tên được mọi người biết đến và tin tưởng. Để khách hàng biết đến thương hiệu của mình là một việc vô cùng khó khăn, nhưng các công ty nhượng quyền đã có sẵn một thương hiệu được biết đến rộng rãi. Đói với khách hàng, họ sẽ không nghi ngờ gì về những thứ họ nhận được khi bước vào Highlands Coffee hay KFC. Đó là một điểm cộng lớn về mặt giá trị!
3. Có sẵn các chương trình đào tạo
Một yếu tố chính góp phần tạo nên sự thành công của nhượng quyền thương mại là hệ thống có thể nhân rộng dễ dàng, bao gồm việc đào tạo nhân viên tại mọi chi nhánh như cách doanh nghiệp chủ đã làm. Bạn sẽ nhận được sự trợ giúp trong việc tuyển người mới và tăng tốc vận hành của mô hình. Các chương trình đào tạo này thường bao gồm đào tạo tại chỗ về quy trình khai trương, cách vận hành thường ngày, sử dụng phần mềm POS để bán hàng và quản lý khách hàng…
4. Được trợ giúp về tiếp thị và quảng cáo
Mặc dù bạn với tư cách bên nhận nhượng quyền có thể nhận được yêu cầu đầu tư thời gian và một số tiền nhất định vào việc tiếp thị và quảng cáo, bản thân bên nhượng quyền sẽ quảng bá cho doanh nghiệp của bạn qua chiến dịch của cả hệ thống, trên các kênh truyền thông online như Facebook, Youtube, Tiktok và offline như tại các hội chợ hay tại điểm bán.
Bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ và đầu từ bên nhượng quyền về cách họ tạo ra và vận hành một chiến dịch tiếp thị hiệu quả. Họ có thể cung cấp, tùy thuộc vào quy mô và nguồn lực, một kế hoạch tiếp thị bao gồm phân tích thị trường, chiến lược, dự báo bán hàng và ngân sách.
5. Được mua hàng với chi phí thấp hơn
Một lợi thế rõ ràng mà các doanh nghiệp lớn có được so với các doanh nghiệp nhỏ là khả năng mua nguyên vật liệu với số lượng lớn. Bên nhượng quyền có thể mua một lượng lớn hàng tồn kho và thiết bị thay mặt cho bên nhận quyền, nghĩa là bạn sẽ có được những nguồn tài sản quan trọng này với chi phí thấp hơn.
Hạn chế của mua Nhượng quyền
1. Phải tuân thủ các quy tắc của Nhượng quyền
Người mua nhượng quyền cũng muốn trở thành ông chủ, nhưng đối với chủ sở hữu của thương hiệu nhượng quyền, mọi việc sẽ không hẳn như vậy. Mặc dù bạn vẫn có một số quyền nhất định trong cách hoạt động của doanh nghiệp, nhưng phần lớn bạn sẽ được yêu cầu tuân theo quy tắc, quy định, hệ thống vận hành và chỉ thị của bên nhượng quyền. Nếu tìm ra cách hiệu quả hơn để vận hành doanh nghiệp, bạn vẫn không thể áp dụng ngay nếu không nhận được sự chấp thuận của công ty.
2. Chi phí ban đầu cao
Vì đã bỏ qua được giai đoạn startup ban đầu, đồng nghĩa với việc không phải đầu tư thời gian, vốn và nhân lực, nên khi mua nhượng quyền, chi phí sẽ khá cao. Trong đa số trường hợp, chi phí này cao hơn hẳn so với việc tự bắt đầu kinh doanh, vì ngoài các chi phí “cứng” về địa điểm, thiết bị, nguyên vật liệu, còn có các chi phí “mềm” cho những phần được tích luỹ bằng thời gian và công sức như quy trình vận hành và thương hiệu. Chỉ riêng phí nhượng quyền đã chiếm một khoản lớn hàng tháng và chi phí này thường được bên nhượng quyền quyết định.
…và cũng chứa đựng những hạn chế nhất định mà nhà đầu tư cần lưu ý
3. Phải chi trả phí nhượng quyền theo thời gian
Bên cạnh phí gia nhập chuỗi nhượng quyền và mua nguyên vật liệu, bạn còn phải trả phí nhượng quyền cho việc sử dụng tên và hệ thống của họ, và có thể sẽ phải đóng góp vào chi phí tiếp thị, quảng cáo theo thoả thuận giữa hai bên.
4. Khó chủ động quản lý thương hiệu và danh tiếng
Cho dù chi nhánh nhượng quyền của bạn hoạt động hiệu quả và được yêu thích đến đâu, nó vẫn gắn với chuỗi nhượng quyền. Bất kỳ vấn đề nào mà thương hiệu gặp phải đều ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của bạn. Nếu một vụ việc làm ảnh hưởng xấu đến chủ thương hiệu, hoặc một bên nhận quyền khác bị khách hàng đánh giá không tốt, công việc kinh doanh của bạn đều có thể bị ảnh hưởng.
5. Bị ràng buộc bởi các điều khoản trong Hợp đồng Nhượng quyền
Khi đồng ý mua nhượng quyền, chắc chắn bạn sẽ ký Hợp đồng Nhượng quyền, trong đó liệt kê tất cả những điều bạn có thể và không thể làm với tư cách là người nhận quyền. Nếu phá vỡ một trong những thoả thuận đó, bạn có thể phải bồi thường thiệt hại hoặc thậm chí mất quyền tiếp tục kinh doanh tại chi nhánh của mình.
Chi phí liên quan đến Nhượng quyền
Về vốn đầu tư, phí nhượng quyền của bạn sẽ được quyết định bởi lợi nhuận của doanh nghiệp. Hầu hết các công ty đều có thang điểm khi nói đến phí nhượng quyền. Ngoài khoản phí nhượng quyền thương mại ban đầu (khoản phí một lần) cho quyền sử dụng mô hình kinh doanh, tham dự chương trình đào tạo và hiểu rõ toàn bộ hoạt động kinh doanh, bạn cũng phải trả một khoản phí bản quyền liên tục, thường dao động từ 2 đến 10%, hoặc một con số cụ thể hàng tháng.
Một số chi phí khác liên quan đến nhượng quyền thương mại bao gồm:
Cơ sở / Vị trí
Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể phải mua bất động sản, hoặc bạn có thể phải thuê vị trí kinh doanh. Nếu bạn thuê vị trí kinh doanh, bạn sẽ không chỉ phải trả chi phí thuê hàng tháng mà còn phát sinh chi phí đặt cọc bảo đảm một lần.
Trang thiết bị
Các loại hình kinh doanh khác nhau sẽ cần nhiều thiết bị khác nhau. Nhìn chung, hình thức thanh toán dài hạn / trả góp có thể áp dụng cho hầu hết các giao dịch mua thiết bị. Hầu hết các ngân hàng cung cấp các khoản vay cho thiết bị vì thiết bị cũng được dùng làm tài sản thế chấp luôn.
Biển hiệu bên ngoài
Biển hiệu bên ngoài có thể rất đắt đối với chủ doanh nghiệp nhỏ. Hầu hết các bên nhượng quyền đã phát triển một gói biển hiệu mà bên nhận quyền có nghĩa vụ phải mua.
Giá trị hàng tồn kho đầu kì
Nó thường sẽ bao gồm nguồn hàng cung cấp sẵn cho ít nhất hai tuần bán hàng, nếu không có yêu cầu về hàng tồn kho phức tạp hơn. Hầu hết các nhà nhượng quyền sẽ cho bạn biết yêu cầu về lượng hàng tồn kho bắt đầu kinh doanh.
Vốn lưu động
Bạn cần phải cân nhắc và tính toán trước với các loại phí như: phí đặt cọc thuê mặt bằng, điện, khí đốt,.. Bên cạnh đó, bạn cần có sẵn tiền để trả tiền lương của nhân viên và duy trì doanh nghiệp cho đến khi hòa vốn.
Phí quảng cáo
Hầu hết các nhà nhượng quyền lớn yêu cầu người nhận quyền của họ phải trả một khoản phí cho quảng cáo trên khu vực hoặc quốc gia nhằm thúc đẩy nhận biết thương hiệu. Mặt tích cực là bạn nhận được khả năng hiển thị với hầu hết các loại quảng cáo mà nhà nhượng quyền thực hiện.
Luật nhượng quyền
Một biện pháp bảo vệ quan trọng đối với người dự định mua nhượng quyền là “QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI”, có hiệu lực từ ngày 26 tháng 4 năm 2006. Quy tắc này yêu cầu các nhà nhượng quyền có bảo hiểm cung cấp công bố đầy đủ thông tin mà một bên nhận quyền tiềm năng cần để đưa ra quyết định hợp lý về việc có nên đầu tư hay không.
Kết
Quyết định mua nhượng quyền thường đi kèm với nhiều cân nhắc, giống như khi bắt đầu các hoạt động kinh doanh khác. Bạn cần có niềm đam mê với việc kinh doanh, hiểu hệ thống vận hành của chuỗi nhượng quyền và chấp nhận tuân thủ những thoả thuận với bên nhượng quyền. Việc kinh doanh nào cũng bao gồm những cơ hội, thuận lợi và những rủi ro, hạn chế. Việc hiểu rõ những khía cạnh này phù hợp với năng lực và mong muốn của mình đến mức độ nào sẽ giúp bạn có quyết định phù hợp.
Babuki sẵn lòng hỗ trợ, tư vấn anh/ chị về các thông tin thị trường hữu ích, đầu tư/ gọi vốn và giải pháp công nghệ. Anh/ chị có thể BẤM ĐỂ GỬI YÊU CẦU TỚI BABUKI.
Nguồn: Forbes và Entrepreneur
Babuki biên dịch & hiệu đính
Các bài viết liên quan về thị trường và mô hình kinh doanh ngành F&B:
F&B
mô hình kinh doanh
nhượng quyền